|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Phó Tổng Giám đốc Hapro: Nếu không thể xuất khẩu gạo, năng lực kho trữ của chúng tôi khó lòng đáp ứng nổi

08:50 | 31/03/2020
Chia sẻ
Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Thuơng mại Hà Nội - Công ty Cổ phần (Hapro) cho biết nếu bây giờ không xuất khẩu được, toàn bộ hàng đưa về một lúc, năng lực kho trữ của công ty khó lòng đáp ứng nổi đồng thời việc bảo quản cũng khó khăn.

Trước đề xuất tạm dừng xuất khẩu gạo trong bối cảnh dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, chúng tôi đã có cuộc trao ngắn với ông Nguyễn Tiến Vượng, Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Thuơng mại Hà Nội -  Công ty Cổ phần (Hapro) về tác động của của việc này đối với hoạt động xuất khẩu gạo của công ty.

Phó Tổng Giám đốc Hapro: Nếu không thể xuất khẩu gạo, năng lực kho trữ của chúng tôi khó lòng đáp ứng nổi  - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Tiến Vượng, Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Thuơng mại Hà Nội - Công ty Cổ phần (Hapro). Ảnh: Báo Đầu Tư

Tính đến ngày 24/3, thời điểm Tổng Cục Hải quan gửi công điện tạm ngừng xuất khẩu, lượng gạo mà Hapro đã kí kết hợp đồng bán mà chưa xuất khẩu là bao nhiêu, thưa ông?

Ông Nguyễn Tiến Vượng: Vừa rồi, Tổng Cục Hải quan có công điện tạm dừng xuất khẩu gạo. Điều này hoàn toàn bất ngờ ngờ đối với Hapro cũng như các doanh nghiệp xuất khẩu gạo khác. 

Tính đến ngày 24/3, tổng lượng gạo mà Hapro đã kí hợp đồng xuất khẩu sang các thị trường là 3.530 tấn, trị giá 1,7 triệu USD. 

Trước tình hình đó, Bộ Công Thương đã có văn bản gửi lên Chính phủ để rà soát lượng tồn kho tại các doanh nghiệp sau đó mới tính đến phương án có xuất tiếp hay không

Trong cuộc họp giữa các doanh nghiệp cùng với Bộ Công Thương và các Bộ ngành liên quan, Hapro đã có kiến nghị thế nào trước đề xuất tạm dừng xuất khẩu gạo?

Ông Nguyễn Tiến Vượng: Trong điều kiện dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, việc đảm bảo an ninh lương thực là trên hết nhưng cần tính toán lại xem chúng ta có đảm bảo đủ lượng gạo dự trữ cho nhu cầu trong nước hay không. Thậm chí có thể tăng gấp đôi lượng dự trữ phòng trường hợp vụ mùa sau thất bát.

Thực tế, Bộ Công Thương cùng các doanh nghiệp địa phương phía nam đã rà soát lại lượng tồn bao nhiêu từ đó quyết định có tiếp tục xuất khẩu hay không, mặt khác vẫn phải dự trữ trong nước. 

Mỗi năm Việt Nam 6 - 7 triệu tấn gạo nhưng năm nay có dịch thì có thể dự trữ cao hơn nhưng cũng không dự trữ nhiều quá, vượt quá nhu cầu, ảnh hưởng đến người nông dân trồng lúa vì họ không bán được hàng. 

Bên cạnh đó, lúa gạo cũng không thể để lâu được. Nên chúng tôi đã đề nghị Bộ cho phép xuất nốt chỗ gạo đã kí trước ngày 24/3 để giảm thiểu thiệt hại. 

Nếu không được xuất khẩu, Hapro sẽ chịu thiệt hại thế nào thưa ông?

Ông Nguyễn Tiến Vượng: Nếu không được xuất khẩu gạo, thiệt hại sẽ rất rõ. Chúng tôi đã kí hợp đồng xuất khẩu với các đối tác rồi và chúng tôi phải thực hiện hợp đồng đó. 

Tất nhiên, trong các điều khoảng hợp đồng có các điều kiện chế tài bất khả kháng. Thế nhưng, việc đàm phán các điều kiện bất khả kháng này cũng không hề đơn giản, cũng mất thời gian công sức. Đặc biệt những đối tác truyền thống, chúng tôi cũng phải chia sẻ. 

Đối với các đối tác cung cấp hàng trong nước, chúng tôi đã kí kết nhập hàng trong nội địa và đã ứng tiền cho họ rồi. Nếu bây giờ không xuất khẩu được, toàn bộ hàng đưa về một lúc, năng lực kho trữ của chúng tôi khó lòng đáp ứng nổi. Tồn kho lượng như thế bảo quản cũng khó khăn.

Bên cạnh đó, lãi suất ngân hàng cũng là vấn đề khó khăn. Không xuất được hàng nhưng lãi suất chúng tôi vẫn phải trả. 

Nếu không được xuất khẩu thì chúng tôi phải tính tới phương án quay sang tiêu dùng nội địa. Tuy nhiên, tất cả lượng gạo xuất khẩu gạo mà quay về nội địa thì lượng rất lớn, vượt ngoài nhu cầu tiêu thụ. 

Trong khi đó, không phải tất cả loại gạo chúng tôi xuất khẩu đều phù hợp với tiêu dùng trong nước. Tiêu dùng trong nước là loại khác, xuất khẩu loại khác. Trong trường hợp không xuất được sẽ gây rất nhiều khó khăn, thiệt hại lớn, đặc biệt trong điều kiện dịch bệnh như hiện nay.

Vậy đối với các đối tác của công ty thì sao? Ông có lo ngại sẽ mất đối tác vào tay các đối khác hay không nếu không thể xuất khẩu trong giai đoạn này?

Ông Nguyễn Tiến Vượng: Trong điều kiện sắp tới việc xây dựng thị trường cũng mất nhiều thời gian và tìm thị trường rất khó khăn do các nước Đông Nam Á cũng đã tăng cường sản lượng gạo lên và họ cũng đi tìm thị trường nên cạnh tranh nhau khốc liệt. 

Đặc biệt năm ngoái Trung Quốc cũng hạn chế nhập khẩu gạo của Việt Nam. Do đó, hàng tồn cũng rất nhiều. Việc dừng này rất làm hại đến quan hệ bạn hàng và thị trường doanh nghiệp đã xây dựng được. 

Nếu đối tác chuyển sang nhập khẩu hàng của đối thủ khác, sau khi Việt Nam có thể xuất khẩu trở lại thì việc thuyết phục họ quay trở lại nhập hàng của mình cũng rất khó.

Tuy nhiên, vì lí do dự trữ để đảm bảo an ninh lương thực, doanh nghiệp xuất khẩu gạo cũng phải hi sinh lợi ích. 

Giá gạo thời gian qua tăng, nếu không được xuất khẩu, ông đánh giá thế nào về tác động đối với giá mặt hàng này trong thời gian tới?

Ông Nguyễn Tiến Vượng: Giá gạo thời gian qua tăng, doanh nghiệp và người dân đều có lợi, nhất là bà con ĐBSCL, mặc dù hạn mặn nhưng năng suất cao hơn mọi năm. Trong thời gian Bộ Công Thương và các Bộ ngành liên quan kiểm tra lượng tồn kho vừa rồi các công ty thông báo dừng tạm dừng mua vì họ chưa chắc chắn khả năng họ có thể tiếp tục xuất khẩu hay không.

Do đó, giá gạo mấy ngày nay đang có dấu hiệu đi xuống. Do đó đây là bài tooán chính phủ.

Thời gian qua, do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, việc xuất khẩu của Hapro cũng khó khăn hơn do hoạt động vận tải bị đình trệ mặc dù nhu cầu của đối tác rất lớn.

Bây giờ họ đang lo chống dịch, hàng dự trữ họ thời điểm này được ưu tiên đưa ra để giải quyết hết. Đến lúc thiếu họ mới dùng đến biện pháp tăng cường nhập khẩu. Hapro đã kí hợp đồng nhưng một vài hợp đồng đã  bị giãn ra nhằm phù hợp với tình hình dịch bệnh.

Tuy nhiên, hiện tại chúng tôi tập trung giải quyết xuất khẩu hơn 3000 tấn đã kí trước đó. Về kế hoạch thu mua, trước mắt chúng tôi chờ động thái từ Chính phủ sau đó mới tiếp tục thu mua. Hiện nay công ty cũng chưa thể kí hợp đồng mới và cũng không thể dự trữ tiếp được.

Mới đây, Bộ Công Thương gửi báo cáo số 2237/2020 gửi Thủ tướng Chính phủ kết quả rà soát, đánh giá về tình hình sản xuất, tồn kho gạo trong nước, kiến nghị phương án xuất khẩu gạo trong bối cảnh dịch bệnh và hạn hán, xâm nhập mặn.

Căn cứ kết quả rà soát và các ý kiến của các tỉnh, thành ĐBSCL, các doanh nghiệp, Đoàn kiểm tra liên ngành do Bộ Công thương chủ trì báo cáo Thủ tướng Chính phủ phương án điều hành xuất khẩu gạo trong thời gian tới, đề nghị cho phép tiếp tục xuất khẩu gạo nhưng phải kiểm soát chặt số lượng xuất khẩu theo từng tháng, trước mắt là tháng 4, tháng 5/2020.

Nhu cầu an ninh lương thực trong tháng 4, tháng 5 sẽ được Tổng cục Dự trữ Nhà nước mua vào 300.000 tấn gạo và giữ lại thêm 400.000 tấn gạo để dự phòng. Như vậy, lượng gạo xuất khẩu giữ lại cho nhu cầu trong nước trong 2 tháng là 700.000 tấn.

Về xuất khẩu, lượng gạo xuất khẩu dự kiến trong tháng 4, tháng 5/2020 vào khoảng 800.000 tấn. Trước mắt trong tháng 4 cho phép xuất khẩu 400.000 tấn. Vào tuần cuối cùng tháng 4, căn cứ diễn biến dịch bệnh và báo cáo của các bộ, ngành, Thủ tướng chính phủ sẽ xem xét, quyết định phương hướng điều hành xuất khẩu gạo tháng 5.

Đức Quỳnh

Danh mục tự doanh 11 tỷ USD của các CTCK đang phân bổ như thế nào?
Giá trị tự doanh toàn ngành chứng khoán đã vượt mức 11 tỷ USD tại cuối 2024. Đa số các công ty ghi nhận FVTPL chiếm tỷ trọng lớn nhất cơ cấu mảng tự doanh. Trong khi đó, MBS, ACB chủ yếu phân bổ tại HTM, còn Vietcap, TBCS tiếp tục ghi nhận phần lớn ở khoản AFS.