Dừng xuất khẩu gạo, nông dân và doanh nghiệp sẽ thiệt thòi lớn
Những tổn thất ngay trước mắt với nông dân và doanh nghiệp
Nhận định về vấn đề nóng đang được đưa ra cân nhắc dừng hay tiếp tục xuất khẩu gạo, chuyên gia nông nghiệp GS. Võ Tòng Xuân cho rằng nếu không cho xuất khẩu thì cả doanh nghiệp lẫn nông dân thiệt hại. Vì lâu lắm rồi giá gạo mới lên cao, nếu ngưng xuất khẩu thì lập tức giá lúa sẽ xuống ngay.
Đồng quan điểm, ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc CTCP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An (Cần Thơ) cho biết ngay sau thông tin ngừng xuất khẩu gạo được đưa ra, người nông dân đã ngay lập tức chịu thiệt thòi.
"Bằng chứng là mới có thông báo tạm ngưng xuất khẩu 1- 2 ngày nay thì giá lúa đã rớt xuống đến 500 - 600 đồng/kg, đó là mất tiền của người nông dân nhưng đó là mất không chính đáng vì nói là để đảm bảo an ninh lương thực nhưng thực tế Việt Nam không có thiếu gạo. Giá lúa đã thấp rồi mà sụt giảm nữa thì càng thấp hơn", đại diện Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An chia sẻ.
Không chỉ vậy, với các doanh nghiệp xuất khẩu gạo cũng phải gánh chịu những thiệt hại không nhỏ khi các đơn hàng lên cảng không khai hải quan được dẫn đến các chi phí tốn kém.
Đó là còn chưa kể đến gánh nặng do vốn vay ngân hàng. Các đơn hàng đến hạn không thể giao cho đối tác nước ngoài sẽ phải bồi thường rất lớn..., ông Phạm Thái Bình cho hay.
Thực tế đây cũng là nỗi lo của những người trực tiếp sản xuất hạt gạo, ông Văn N. (tỉnh Kiên Giang) cho biết 10 công lúa của ông đang chuẩn bị cho thu hoạch nhưng không biết giá lúa có duy trì ở mức cao như những ngày qua hay không vì hôm nay thương lái báo giá lúa bắt đầu giảm trở lại sau thông tin tạm dừng xuất khẩu của Chính phủ.
Theo ông N., các chi phí đầu vào của vụ lúa như giống, phân bón, thuốc trừ sâu, tiền công làm đất, thuê máy thu hoạch,... đều tăng không dưới 10% mỗi năm.
"Giá lúa thường bấp bênh, có năm còn sụt giảm, năm nay có xu hướng tăng từ đầu năm nhưng tình hình này không chắc sẽ kéo dài", ông N. chia sẻ.
Theo số liệu của Bộ NN&PTNT cho biết, giá lúa, gạo tại khu vực ĐBSCL diễn biến tăng về cuối tháng 2 vừa qua, trong bối cảnh thu hoạch lúa Đông Xuân được mùa, được giá.
Cụ thể theo hệ thống cung cấp giá tại địa phương, tại An Giang, lúa IR50404 tăng 200 đồng/kg lên mức 4.600 đồng/kg; lúa OM 6976 tăng 200 đồng/kg lên mức 4.700 đồng/kg; lúa OM 5451 giảm 500 đồng/kg, từ 5.300 đồng/kg xuống 4.800 đồng/kg; gạo thường ở mức 10.000 đồng/kg; gạo thơm đặc sản jasmine ở mức 14.500 đồng/kg.
Tại Cần Thơ và Đồng Tháp, tình hình thu hoạch lúa Đông Xuân đang diễn ra thuận lợi, nông dân trúng mùa, lúa đang được tiêu thụ tốt. Vụ này, nông dân tại huyện Thới Lai (Cần Thơ) chủ yếu tập trung sản xuất các giống lúa thơm ngon, đặc sản và lúa chất lượng cao: lúa Jasmine 85 chiếm 56,12%, lúa Đài Thơm 8 chiếm 19,77%, lúa OM 5451 chiếm 10,23%... tạo nhiều thuận lợi cho khâu tiêu thụ lúa.
"Đây là năm đầu tiên được mùa, được giá. Với giá lúa hiện nay, bình quân người dân lợi nhuận là 40% và đến nay, lượng lúa gạo trong dân các doanh nghiệp đã thu mua hết", ông Nguyễn Thanh Dũng, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Cần Thơ chia sẻ tại hội nghị trực tuyến sơ kết sản xuất vụ Đông Xuân năm 2019 - 2020 ngày 27/3.
Doanh nghiệp đề nghị tiếp tục xuất khẩu gạo
Đề xuất tạm dừng xuất khẩu gạo của các cơ quan quản lí đến từ lo ngại nguồn cung gạo sẽ thiếu do ảnh hưởng của tình trạng hạn mặn tại vựa lúa cả nước là ĐBSCL và dịch COVID-19. Tuy nhiên, quyết định này đang được đánh giá và xem xét lại để tránh những ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường xuất khẩu, các doanh nghiệp và người dân.
Theo ý kiến của nhiều doanh nghiệp, dừng xuất khẩu gạo sẽ gây thiệt hại rất lớn cho ngành hàng lúa gạo và nhất là người nông dân.
"Tại buổi họp với lãnh đạo Bộ Công Thương về việc kiểm tra, đánh giá nguồn cung và tình hình xuất khẩu gạo tại TP HCM chiều ngày 26/3, hiệp hội và các doanh nghiệp, đại diện 13 tỉnh sản xuất lúa gạo tại ĐBSCL đã thống nhất đề nghị với Bộ Công Thương sớm báo cáo với Chính phủ cho phép xuất khẩu gạo trở lại", ông Phạm Thái Bình, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An, cho hay.
GS. Võ Tòng Xuân cũng là một trong những người ủng hộ việc tiếp tục xuất khẩu gạo. Ông cho rằng nên cho xuất khẩu gạo nếu không muốn lặp lại tình cảnh năm 2008 khi gạo Viêt Nam đang xuất khẩu thì phải phải tạm ngừng và cuối cùng Thái Lan hưởng lợi, bán giá cao, còn nông dân nước ta bán gạo giá thấp.
“Tôi cho rằng cần tiếp tục cho xuất khẩu gạo bình thường nhưng có kiểm soát về sản lượng xuất khẩu và giải pháp hài hòa nhất hiện nay là, chỉ giữ lại 1,5 triệu tấn gạo dự trữ, còn lại vẫn xuất đi 4 triệu tấn gạo để nông dân được hưởng lợi”, GS. Xuân nói.
Cơ sở để các doanh nghiệp cùng chuyên gia đưa ra ý kiến trên là vì họ đều cho rằng nguồn cung lúa gạo vẫn rất dồi dào dù tình trạng hạn mặn tại ĐBSCL diễn biến phức tạp.
“Nguồn cung trong nước không lo thiếu, vì mỗi năm Việt Nam dư đến 6-7 triệu tấn gạo để xuất khẩu. Riêng năm nay Việt Nam dự kiến xuất khẩu 6,5 - 6,7 triệu tấn gạo. Hơn nữa, vụ thu hoạch chính của ngành lúa gạo Việt Nam là vụ Đông Xuân vừa qua trúng mùa lớn”, ông Bình khẳng định.
Số liệu từ Bộ NN&PTNT cũng cho thấy sản lượng lúa năm 2020 dự kiến của cả nước đạt 43,5 triệu tấn. Trong đó, vụ Đông Xuân sản lượng ước đạt trên 20 triệu tấn lúa và sẽ kết thúc thu hoạch trước 30/6. Trong khi nhu cầu tiêu thụ lúa cả nước ước tính khoảng 29,96 triệu tấn, do đó sẽ dư khoảng 23,5 triệu tấn cho xuất khẩu.
"Hiện nhiều nước bị COVID-19 làm xáo trộn, chưa chuẩn bị kịp nguồn lương thực dự trữ lâu dài. Đây là cơ hội tốt cho gạo Việt Nam chen chân vào, bởi với vụ Đông Xuân thắng lợi ở ĐBSCL bất chấp hạn mặn gay gắt, Việt Nam hiện đang có nguồn cung khá dồi dào", đại diện doanh nghiệp chuyên xuất khẩu gạo của tỉnh Cần Thơ này nhận định.
Thực tế, nhiều ý kiến cũng cho biết chưa năm nào Việt Nam xuất khẩu dưới 6 triệu tấn gạo, năm nay cao điểm xuất khẩu được dự kiến là 8 triệu tấn và tính đến ngày 15/3 Việt Nam mới xuất chưa được 1,3 triệu tấn thì lượng hàng còn lại trong năm sẽ bán đi đâu nếu không xuất khẩu?
Trong khi đó tại thị trường xuất khẩu, tình hình tiêu thụ gạo của Việt Nam đang có sự tăng trưởng mạnh mẽ. Theo số liệu của Tổng cục hải quan chỉ tính riêng trong tháng 2/2020, Việt Nam đã xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc tăng đột biến với 47.863 tấn trong khi cùng kì năm trước chỉ 1.238 tấn.
Lượng gạo xuất sang Philippines (thị trường tiêu thụ nhiều nhất các loại gạo của Việt Nam) trong 2 tháng đầu năm tăng 13,4% về lượng và tăng 23,5% về kim ngạch so với cùng kì năm 2019, chiếm 38,4% trong tổng lượng gạo xuất khẩu của cả nước.
Riêng Iraq trong 2 tháng đầu năm ngoái không tham gia vào thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam nhưng 2 tháng đầu năm 2020 thì mua rất nhiều, tới 90.000 tấn, đứng thứ 2 trong số các thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam. Xuất khẩu gạo sang Malaysia cũng tăng mạnh đến 148,8% về lượng so với cùng kì năm trước, đạt 94.413 tấn.
Hiện giá gạo 5% tấm của Việt Nam xuất khẩu đang ở mức 428-432 USD/tấn, so với khoảng mức 345 USD/tấn từ đầu vụ. Giá gạo xuất khẩu tới nay đã tăng 80-85 USD/tấn- mức cao nhất trong nhiều năm qua. Với mức giá trên, so với cùng phân khúc, giá gạo Việt Nam hơn gạo Thái khoảng 40 USD/tấn, nhưng cao hơn Ấn Độ tới 80 USD/tấn.
Ngày 25/3, Văn phòng Chính phủ ngày đã gửi văn bản hoả tốc tới các Bộ Công Thương, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn truyền đạt ý kiến của Thủ tướng yêu cầu kiểm tra, đánh giá nguồn cung và tình hình xuất khẩu gạo.
Theo đó, Thủ tướng giao Bộ Công Thương chủ trì phối hợp với các Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành để làm việc với các địa phương và doanh nghiệp xuất khẩu gạo chủ chốt, rà soát, kiểm tra, đánh giá về nguồn cung thóc gạo, tình hình xuất khẩu gạo và thực hiện dự trữ lưu thông, tình hình thực hiện hợp đồng xuất khẩu gạo.
Trên cơ sở đó, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định việc điều chỉnh hoạt động xuất khẩu gạo theo đúng qui định trước ngày 28/3.