Phó Chủ tịch Viforest: Nếu Mỹ áp thuế với 2 sản phẩm gỗ, thiệt hại bằng 1/3 tổng kim ngạch xuất khẩu
Ngành gỗ tăng trưởng càng nhanh, càng nhiều rủi ro phòng vệ thương mại
Theo thống kê của Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT), 7 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu gỗ và lâm sản ước đạt 10,4 tỷ USD, ổn định so với cùng kỳ năm 2021. Trước đó, năm 2021 xuất khẩu gỗ và lâm sản của Việt Nam cũng phá kỷ lục với 16 tỷ USD, tăng 20% so với năm 2020.
Xuất khẩu gỗ càng tăng mạnh và nhanh thì nguy cơ bị kiện phòng vệ thương mại càng cao, đặc biệt ở thị trường lớn nhất là Mỹ.
Tại tọa đàm: “Ngành gỗ sẵn sàng trước xu thế bảo hộ”, ông Ngô Sỹ Hoài, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Viforest) cho biết có hai nguyên nhân khiến tần suất ngành gỗ đối diện với những vụ việc phòng vệ thương mại tăng, bao gồm việc ngành gỗ Việt Nam tăng trưởng nóng.
Theo đó, Việt Nam đang là nước xuất khẩu gỗ lớn thứ 5 thế giới, riêng đồ mộc (nhóm bàn ghế giường tủ) có giá trị gia tăng cao thứ 2 thế giới, chỉ sau Trung Quốc. Do đó, ngành gỗ phải đối diện nhiều hơn các biện pháp phòng vệ thương mại.
Bên cạnh đó, cùng với xu hướng tự do hóa thương mại cùng với nhiều FTA mà Việt Nam đã ký, động thái này khiến các nước đều tăng cường các biện pháp phòng vệ thương mại, đôi khi còn là chủ nghĩa bảo hộ thương mại.
Ngoài các vụ việc áp thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp, khoảng 3 năm gần đây, Việt Nam lại đối diện thêm rủi ro như điều tra 301 của Chính phủ Mỹ về khai thác và thương mại gỗ bất hợp pháp của Việt Nam…
“Hiện nay, ngành gỗ đang xuất khẩu sang Mỹ 522 triệu USD gỗ dán chủ yếu làm từ gỗ cứng. Đối với sản phẩm tủ bếp và bàn trang điểm, năm 2021, Việt Nam cũng xuất khẩu sang Mỹ 2,8 tỷ USD.
Nếu như biện pháp điều tra và áp thuế lẩn tránh thuế được áp đặt cho hai mặt hàng này thì tổng thiệt hại tương đương gần 1/3 tổng kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ của Việt Nam vào Mỹ”, ông Hoài nhận định.
Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đánh giá giai đoạn 1995 - 2021, Mỹ là nước đi kiện phòng vệ thương mại nhiều thứ hai trên thế giới với 1159/7528 vụ. Đây là một thị trường nguy cơ rất lớn đối với tất cả các sản phẩm nói chung.
Về mặt hàng gỗ, bà Trang nhận thấy mỗi khi mà Trung Quốc bị áp thuế với đồ gỗ thì Việt Nam lại đứng trước nguy cơ bị kiện, bao gồm kiện quét hoặc kiện chống lẩn tránh và mới đây có thêm kiện phạm vi sản phẩm.
“Ở thị trường Mỹ, nguy cơ phòng vệ thương mại là luôn hiện hữu, chỉ là lúc dày lúc thưa. Đối với những mặt hàng của Việt Nam xuất khẩu càng cao, càng có năng lực khiến sản xuất nội địa của Mỹ lép vế thì chúng ta càng đứng trước những thách thức các ngành sản xuất của Mỹ đi kiện phòng vệ thương mại”, bà Trang nói.
Xu hướng điều tra ngày càng khắt khe hơn, doanh nghiệp cần chuẩn bị những gì?
Không riêng mặt hàng gỗ, bất cứ hàng hóa nào gia tăng xuất khẩu đều đứng trước rủi ro điều tra phòng vệ thương mại. Xu hướng điều tra phòng vệ thương mại ngày càng mở rộng và khắt khe hơn.
Ông Chu Thắng Trung, Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương cho biết hiện các quốc gia đang có sự điều chỉnh, hoàn thiện, thay đổi về phòng vệ thương mại. Ngoài biện pháp điều tra chống bán phá giá, các thị trường thường xuyên điều tra chống trợ cấp với cáo buộc hàng hoá nhận trợ cấp tài chính từ Chính phủ để xuất khẩu ra nước ngoài.
Bên cạnh đó, các vụ việc điều tra được các thị trường đưa ra biện pháp kỹ thuật mới, như điều tra tình hình thị trường đặc biệt. Đây là căn cứ để cho cơ quan điều tra không lấy dữ liệu do doanh nghiệp cung cấp mà sử dụng dữ liệu của bên thứ ba, điều này sẽ gây bất lợi lớn cho doanh nghiệp.
Các vụ việc điều tra không chỉ tăng lên về số lượng mà còn ở mức độ phức tạp, phạm vi. Các vụ việc không chỉ giới hạn ở các mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn, mà còn mở rộng với những sản phẩm có giá trị và lượng xuất khẩu trung bình và nhỏ.
Một khó khăn khác là các thị trường ngày đang thắt chặt, đưa ra các yêu cầu cao hơn đối với chính phủ, doanh nghiệp bị điều tra, áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại.
Điều này thể hiện thông qua việc yêu cầu các bên tuân thủ chặt chẽ về mặt thời gian trả lời câu hỏi; yêu cầu bổ sung thêm rất nhiều tài liệu, thông tin, dữ liệu trong khi thời gian trả lời bị hạn chế, việc xin gia hạn gặp nhiều khó khăn, rào cản ngôn ngữ…
Trong khi xu hướng điều tra ngày một phức tạp và khắt khe hơn thì các doanh nghiệp gỗ vẫn còn lúng túng khi ứng xử với phòng vệ thương mại, đặc biệt trong kỹ thuật tác nghiệp và chính sách.
Ông Ngô Sỹ Hoài cho rằng về mặt kỹ thuật tác nghiệp, chúng ta đang thiếu đội ngũ cán bộ chuyên gia có những hiểu biết về luật pháp, giỏi ngoại ngữ, thông thạo tin học để có thể theo dõi ứng phó một cách linh hoạt.
Thêm vào đó, quản trị doanh nghiệp còn yếu kém, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ còn chuyển đổi số chậm, chưa áp dụng những phầm mềm kế toán tiên tiến đủ độ tin cậy và có tính linh hoạt cao.
Về mặt chính sách, ngành gỗ vẫn đang có tình trạng đầu tư theo phong trào, thiếu chính sách và chiến lược. Do đó, ông Hoài cho rằng các doanh nghiệp cần tập trung vào các yếu tố thương hiệu và sản phẩm, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu để giảm nguy cơ rủi ro khi thị trường điều tra phòng vệ thương mại.
Đồng quan điểm, ông Chu Thắng Trung cũng cho rằng khi bước ra biển lớn, doanh nghiệp cần phân tán rủi ro, tránh bỏ trứng vào một giỏ.
Đặc biệt, doanh nghiệp cần xác định tư tưởng sản xuất kinh doanh theo đúng pháp luật, tuyệt đối không tham gia, tiếp tay cho các hành vi gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp.
“Nếu phát hiện các hành vi này, nước nhập khẩu sẽ áp dụng chế tài trừng phạt rất nặng, trong nhiều trường hợp doanh nghiệp sẽ mất toàn bộ thị trường xuất khẩu liên quan và ảnh hướng đến cả ngành sản xuất”, ông Trung cảnh báo.
Trong bối cảnh các nước gia tăng áp dụng biện pháp bảo hộ doanh nghiệp cần tận dụng chuỗi sản xuất trong nước, đây là định hướng phát triển bền vững, giảm thiểu được nguy cơ bị điều tra, áp dụng các biện pháp chống lẩn tránh của các nước nhập khẩu.
Ngoài ra, doanh nghiệp cần hoàn thiện hệ thống truy xuất nguồn gốc, hệ thống sổ sách kế toán để phục vụ công tác điều tra phòng vệ thương mại cũng như phục vụ việc đăng ký cơ chế tự chứng nhận nguồn gốc nguyên liệu đối với các sản phẩm bị điều tra chống lẩn tránh.
Trường hợp bị nước nhập khẩu điều tra, doanh nghiệp hợp tác đầy đủ với cơ quan điều tra nước ngoài, nếu né tránh sẽ gây bất lợi cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp có thể liên hệ với các cơ quan quản lý trong nước để nhận được tư vấn, hỗ trợ trong các vụ việc phòng vệ thương mại.