Phát triển năng lượng tái tạo: Cần thêm cơ chế
Chi phí sản xuất điện gió, điện mặt trời giảm kỷ lục trên thế giới | |
DN mía đường, đầu tư tài chính, xây dựng chạy đua làm năng lượng sạch |
Lợi thế đi sau
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Phạm Hồng Sơn - Tổng giám đốc General Electric (GE) tại Việt Nam - cho biết, không giống như năng lượng truyền thống, năng lượng tái tạo phụ thuộc vào điều kiện tự nhiên và Việt Nam may mắn khi được thiên nhiên ưu đãi. Chúng ta có tiềm năng về năng lượng tái tạo rất dồi dào, đặc biệt là điện gió và điện mặt trời, mà nhiều nước trong khu vực không có. Ước tính, tiềm năng điện gió trên đất liền của Việt Nam có thể tạo ra hàng chục nghìn MW…
Đặc biệt, là một nước đi sau trong việc phát triển năng lượng tái tạo, chúng ta có thể kế thừa và học hỏi được những bài học kinh nghiệm của các nước đi trước như: Nhật Bản, Trung Quốc, Australia, Thái Lan... Hơn nữa, trong vòng từ 3 đến 5 năm qua, công nghệ đã thay đổi rất nhanh, nâng hiệu suất lên thêm khoảng 20-25%, đồng thời giá thành của thiết bị giảm, từ đó dẫn đến chi phí phát triển năng lượng tái tạo hiện tại đã giảm hơn nhiều so với trước đây. Đây chính là điều kiện thuận lợi cho chúng ta phát triển năng lượng tái tạo. Đồng quan điểm, ông Đặng Văn Thành - Chủ tịch Tập đoàn Thành Thành Công (TTC) - khẳng định, năng lượng tái tạo là xu thế mà thế giới đang hướng tới. Những quốc gia trước đây chưa thể tiếp cận công nghệ sản xuất năng lượng tái tạo, giờ được thừa hưởng lợi thế của người đi sau khi có đầy đủ công nghệ, bí kíp và sự tự tin tiếp cận công nghệ này. Đặc biệt, Việt Nam có đầy đủ điều kiện để phát triển 3 loại hình năng lượng xanh gồm năng lượng mặt trời, năng lượng gió, năng lượng sinh khối. Đây là thời cơ tốt cho các công ty quan tâm và muốn cung ứng năng lượng cho sự phát triển của kinh tế Việt Nam, bởi kinh tế phát triển luôn song hành với nhu cầu về năng lượng.
Việt Nam rất có tiềm năng về năng lượng tái tạo |
Cần cơ chế hấp dẫn
Mặc dù, có tiềm năng lớn nhưng những năm qua sự phát triển của năng lượng tái tạo ở Việt Nam chưa tương xứng với tiềm năng. Ông Phạm Hồng Sơn cho hay, trước bối cảnh chúng ta đang dần phải nhập khẩu các nguồn nhiên liệu khác phục vụ cho việc phát điện, trong khi nguồn năng lượng tái tạo sẵn có, nếu chúng ta không khai thác sử dụng, đó là một sự lãng phí. Tuy nhiên, chính vì phát triển năng lượng tái tạo ở Việt Nam còn mới, cho nên khung chính sách của chúng ta chưa được đầy đủ và đồng bộ, có thể khuyến khích các nhà đầu tư tham gia mạnh mẽ hơn lĩnh vực năng lượng tái tạo.
Hiện tại, cơ chế giá vẫn là trở ngại lớn nhất, sau đó khả năng tiếp cận các nguồn tài chính để phát triển năng lượng tái tạo. "Chúng tôi hy vọng trong thời gian tới, Bộ Công Thương, Thủ tướng Chính phủ có những điều chỉnh phù hợp để khuyến khích các nhà đầu tư tư nhân trong nước cũng như nước ngoài đang "xếp hàng" để đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo ở Việt Nam" - ông Phạm Hồng Sơn nhấn mạnh.
Theo ông Đặng Văn Thành, TTC đang tập trung phát triển các dự án điện mặt trời với 1.000 MW trước ngày 30/6/2019. Trong năm 2018, dự kiến sẽ khởi công các dự án điện mặt trời tại Bến Tre, Tây Ninh, Long An, Bình Thuận, Ninh Thuận. Để phát triển năng lượng tái tạo, chính phủ cần tạo cơ chế công bằng và định hướng rõ ràng để các DN cùng tham gia, đáp ứng nhu cầu phát triển năng lượng. Bên cạnh đó, xây dựng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia đến năm 2030 và tầm nhìn 2050, trong đó có việc quy hoạch tỷ trọng năng lượng tái tạo 30% vào năm 2030…
Theo Bộ Công Thương, một trong các mục tiêu của ngành năng lượng Việt Nam thời gian tới đó là thúc đẩy phát triển các dạng năng lượng tái tạo nhằm đảm bảo cung cấp đầy đủ năng lượng với chất lượng cao cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội. |