Phát triển chăn nuôi heo, gia cầm an toàn sinh học
Theo Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi Nguyễn Văn Trọng, từ tháng 2/2019, bệnh dịch tả heo châu Phi xảy ra và đến nay vẫn diễn biến phức tạp, gây thiệt hại lớn cho người chăn nuôi và xã hội.
Do vậy, để đảm bảo chủ động nguồn thực phẩm cuối năm 2019, đặc biệt là dịp Tết Nguyên đán, các địa phương cần có định hướng và giải pháp để phát triển chăn nuôi heo và gia cầm bền vững trong thời gian tới.
Cục trưởng Cục Thú y Phạm Văn Đông cho hay, từ đầu tháng 2/2019 đến ngày 3/9/2019, bệnh dịch tả heo châu Phi đã xảy ra tại trên 7.000 xã thuộc hơn 600 huyện của 63 tỉnh, thành phố với tổng số heo tiêu hủy gần 4,7 triệu con, với tổng trọng lượng là 270 nghìn tấn (chiếm 7% tổng trọng lượng thịt heo của cả nước).
Theo Cục Chăn nuôi, thời gian tới Cục sẽ triển khai đồng bộ các nhóm giải phát triển chăn nuôi heo và gia cầm bền vững. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN
Theo nhận định của Cục Thú y, hiện số xã và số heo buộc phải tiêu hủy theo ngày hoặc theo tháng có chiều hướng giảm.
Tuy nhiên, do chưa có thuốc điều trị và vắcxin phòng bệnh; virut tồn tại lâu ngoài môi trường, có sức đề kháng rất cao, đường lây truyền rất đa dạng, khó kiểm soát; chăn nuôi hộ gia đình, nhỏ lẻ, mật độ rất cao, khó thực hiện các biện pháp an toàn sinh học.
Do đó, thời gian tới, nguy cơ bệnh dịch tạ heo châu Phi tiếp tục phát sinh và lây lan theo 3 hướng sau: lây lan nhanh đến các địa bàn chưa có dịch, tái phát tại các ổ dịch cũ đã qua 30 ngày, có thể xâm nhiễm vào các cơ sở chăn nuôi tập trung, quy mô lớn.
Giải pháp hạn chế dịch bệnh trên heo nói chung và bệnh dịch tả heo châu Phi nói riêng là áp dụng biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học.
Đây là “vũ khí” số một để phòng, chống dịch bệnh; đồng thời, thường xuyên tổ chức phun độc sát trùng nhằm cắt đứt mầm bệnh, kết hợp với sử dụng các chế phẩm an toàn sinh học trong chăn nuôi - ông Đông nêu vấn đề.
Theo Cục Chăn nuôi, thời gian tới Cục sẽ triển khai đồng bộ các nhóm giải phát triển chăn nuôi heo và gia cầm bền vững. Cụ thể, xác định rõ đặc trưng, lợi thế cạnh tranh của từng vùng đối với chăn nuôi heo để điều chỉnh, tập trung nguồn lực cho sản xuất; từng bước xây dựng chuỗi giá trị sản xuất, nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm thịt heo.
Đồng thời, tập trung khai thác và giữ vững được thị phần sản phẩm thịt heo, thị trường trong nước thông qua các chủng loại sản phẩm từ thịt heo đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng trong nước.
Thứ trưởng Bộ Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến chia sẻ, khi xảy ra dịch tả heo châu Phi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo cơ cấu lại sản xuất để bù đắp lại phấn thiếu hụt sản lượng thịt heo khoảng 7%.
Chăn nuôi an toàn sinh học đã được chú trọng nhiều năm qua và trong điều kiện dịch tả heo châu Phi đang xảy ra thì vấn đề này càng quan trọng. Bởi điều này sẽ đảm bảo được sản phẩm chất lượng và phát triển bền vững, đáp ứng được nhu cầu thực phẩm cho những tháng cuối năm nay.
Các địa phương cần phát huy lợi thế về khả năng sản xuất một số giống heo, gia cầm nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, khả năng cạnh tranh và giá trị gia tăng; trong đó, phát triển nhanh quy mô đàn heo ngoại theo hướng trang trại, công nghiệp, an toàn sinh học ở nơi có điều kiện đất đai, kiểm soát dịch bệnh và môi trường - Thứ trưởng yêu cầu.
Cùng đó, tổ chức lại sản xuất theo hướng phần lớn chăn nuôi heo trang trại, công nghiệp, chăn nuôi an toàn sinh học; ưu tiên phát triển chăn nuôi bền vững theo theo hướng hữu cơ, an toàn sinh học bổ sung chế phẩm gắn sản xuất theo chuỗi sản phẩm; đặc biệt chú trọng đến khâu giết mổ, chế biến và tiêu thụ sản phẩm.