Phát hành chứng chỉ tiền gửi với lãi suất cao, vì sao?
VIB phát hành chứng chỉ tiền gửi kỳ hạn dài lãi suất 8,7%/năm | |
Maritime Bank được cấp phép thêm nhiều hoạt động kinh doanh |
VIB vừa hoàn tất đợt phát hành chứng chỉ tiền gửi bằng đồng Việt Nam, lãi suất lên tới 8,7%/năm cho các khách hàng cá nhân và doanh nghiệp siêu nhỏ. Ảnh: T.L |
Đáng chú ý là trường hợp của ngân hàng Sacombank và VIB. Theo đó, kể từ ngày 9/4/2018, Sacombank phát hành chứng chỉ tiền gửi bằng đồng Việt Nam dành cho khách hàng cá nhân và tổ chức. Đây là loại chứng chỉ tiền gửi dài hạn có ghi danh với mệnh giá tối thiểu là 1 triệu đồng, kỳ hạn bảy năm (84 tháng) với mức lãi suất 8,5%/năm (trong năm đầu tiên). Trong khi đó, VIB cũng vừa hoàn tất đợt phát hành chứng chỉ tiền gửi bằng đồng Việt Nam, lãi suất lên tới 8,7%/năm cho các khách hàng cá nhân và doanh nghiệp siêu nhỏ. Chứng chỉ tiền gửi của VIB có mệnh giá tối thiểu 10 triệu đồng với hai lựa chọn kỳ hạn 61 tháng và 84 tháng, lãi suất tương ứng là 8,5%/năm và 8,7%/năm. Trước nữa, SHB cũng đã phát hành chứng chỉ tiền gửi với lãi suất lên tới 8,8%/năm.
Bất ngờ, ngược xu hướng của thị trường
Hiện nay, nhiều ngân hàng đã tiến hành tăng vốn thành công thông qua việc bán cổ phần cho các nhà đầu tư nước ngoài. Bên cạnh đó, nhiều ngân hàng cũng tập trung cơ cấu lại hoạt động tín dụng theo hướng tăng tỷ trọng cho vay ngắn hạn và giảm dần tỷ trọng cho vay trung và dài hạn. Bởi lẽ, cho vay kỳ hạn càng dài thì rủi ro càng lớn. Và, thực ra đó là nhiệm vụ chính của... thị trường chứng khoán, kênh dẫn vốn đã có sự phát triển vượt bậc trong khoảng hai năm trở lại đây.
Do đó, việc một số ngân hàng đẩy mạnh phát hành chứng chỉ tiền gửi vào thời điểm này được xem là khá bất ngờ đối với các chuyên gia phân tích tài chính.
Diễn biến này cũng đi ngược với xu hướng của thị trường, vì có lẽ chưa khi nào hệ thống ngân hàng lại đang thừa nhiều tiền như hiện nay. Nguyên nhân thì ai cũng rõ, đó là dòng vốn ngoại (cả FDI và FII) đang “xếp hàng” để chờ vào thị trường Việt Nam. Số liệu không chính thức cho thấy Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã mua được khoảng 7-8 tỉ đô la Mỹ chỉ tính riêng trong quí 1-2018. Xu hướng này được dự báo sẽ còn tiếp diễn trong những tháng còn lại của năm 2018. NHNN mua được ngoại tệ, đồng nghĩa với việc sẽ bơm ra thị trường khối lượng tiền đồng tương ứng. Do vậy, mặt bằng lãi suất liên ngân hàng hiện đang duy trì ở mức rất thấp, lãi suất kỳ hạn một tháng hiện chỉ dao động quanh mức 1-1,2%/năm. Lợi suất trái phiếu chính phủ (TPCP) hiện đã xuống mức thấp nhất trong lịch sử, chỉ cao hơn một chút so với lợi suất của TPCP Mỹ. Trong khi đó, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tăng trưởng tín dụng trong quí 1-2018 chỉ ở mức 2,23%, thấp hơn so với con số 2,43% của cùng kỳ năm 2017.
Trước bối cảnh như vậy, hàng loạt ngân hàng đã phải hạ lãi suất huy động để giảm chi phí đầu vào. Đáng chú ý nhất là trường hợp của VPBank và BIDV khi hai ngân hàng này đã liên tiếp phải hạ lãi suất huy động ở tất cả các kỳ hạn. Lãi suất huy động kỳ hạn một tháng của BIDV giảm từ 4,8% xuống chỉ còn 4,1%/năm, ngang với mức lãi suất của Vietcombank. Đây cũng đang là mức lãi suất huy động thấp nhất trên thị trường hiện nay.
Do thiếu nguồn vốn dài hạn
Đây không phải là lần đầu tiên các ngân hàng phát hành chứng chỉ tiền gửi kỳ hạn dài với lãi suất cao. Mặc dù vậy, khác với đợt phát hành chứng chỉ tiền gửi của cùng kỳ năm 2017, chứng chỉ tiền gửi của các ngân hàng hiện nay đều có điều khoản được phép tất toán trước hạn. Diễn biến này cho thấy đây chỉ là động thái nhằm cải thiện hệ số cho vay trung và dài hạn của các ngân hàng.
Tuy nhiên, động thái này dường như cũng chỉ diễn ra ở một vài ngân hàng, bởi số liệu cho thấy trong năm 2017 nhiều ngân hàng đã chủ động cơ cấu lại hoạt động theo hướng giảm dần tỷ trọng cho vay trung, dài hạn. Do đó, hệ số này của toàn hệ thống đã được cải thiện đáng kể so với các năm trước đó. Tính đến tháng 12-2017, hệ số nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn của toàn hệ thống ở mức 30%, giảm đáng kể so với con số 34% vào cuối năm 2016.