|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Phần Lan chính thức gia nhập NATO, Nga doạ sẽ đáp trả

20:30 | 04/04/2023
Chia sẻ
Vào ngày 4/4, Phần Lan đã chính thức trở thành thành viên thứ 31 của liên minh quân sự lớn nhất hành tinh NATO.

 

Quốc kỳ Phần Lan bay phất phới bên cạnh cờ của liên minh quân sự NATO. (Ảnh: Reuters).

Khoảnh khắc lịch sử của Phần Lan

Hôm nay (ngày 4/4), Phần Lan đã trở thành thành viên chính thức của liên minh quân sự NATO. Quốc gia Bắc Âu này quyết định xin gia nhập NATO sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin đem quân tấn công Ukraine vào năm ngoái.

Điều 5 của hiệp ước NATO quy định bất cứ cuộc tấn công nào nhằm vào một nước thành viên cũng được coi là đòn tấn công nhằm vào liên minh và cả khối NATO sẽ phối hợp đáp trả.

Theo CNBC, Phần Lan là thành viên thứ 31 của liên minh quân sự lớn nhất hành tinh. Đây là một cột mốc lịch sử đối với Phần Lan, quốc gia đã đi theo con đường trung lập trong nhiều thập kỷ qua.

Trong một tuyên bố bằng văn bản, Tổng thống Sauli Niinisto cho hay: “Tư cách thành viên NATO của Phần Lan không nhằm mục đích chống lại bất kỳ ai, hay sẽ thay đổi nền tảng hoặc mục tiêu chính sách đối ngoại và an ninh của Phần Lan”.

Ông Niinisto đưa ra bình luận ngay sau khi Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Pekka Haavisto bàn giao các tài liệu gia nhập tại trụ sở của NATO ở Brussels, trước sự chứng kiến của Tổng thư ký khối Jens Stoltenberg và Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken.

Các nhà chức trách tại Helsinki nhận thấy rằng sau khi Nga tấn công Ukraine vào tháng 2 năm ngoái, Phần Lan không còn an toàn nữa và đã nộp đơn xin gia nhập NATO vài tháng sau đó.

Phần Lan có chung đường biên giới dài hơn 1.330 km với Nga, cũng là đường biên giới dài nhất giữa một nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) với Nga. Theo CNBC, đường biên giới giữa NATO và Nga sẽ tăng gấp đôi sau khi Phần Lan gia nhập.

Cùng ngày 4/4, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết Nga sẽ theo dõi chặt chẽ bất kỳ động thái triển khai quân sự nào của NATO ở Phần Lan. Đồng thời, ông Peskov nhấn mạnh Moscow sẽ “đáp trả” sau việc gia nhập này, theo Reuters.

Còn Thụy Điển thì sao?

Phần Lan nộp đơn xin gia nhập NATO cùng lúc với Thụy Điển. Tuy nhiên, giới quan sát vẫn chưa rõ tương lai của Stockholm sẽ ra sao.

Quyết định gia nhập liên minh quân sự lớn nhất hành tinh cũng đánh dấu một bước ngoặt lịch sử đối với Thụy Điển, bởi nước này đã theo đuổi chính sách quân sự độc lập trong hơn 200 năm qua.

Hungary và Thổ Nhĩ Kỳ, hai quốc gia NATO khác, vẫn chưa chấp thuận việc Thụy Điển gia nhập.

Chia sẻ với CNBC hồi cuối tháng 3, một quan chức ở Stockholm cho biết Thụy Điển vẫn đang nỗ lực đàm phán với giả định là nước này sẽ trở thành thành viên chính thức của NATO vào tháng 7, khi các nguyên thủ quốc gia thuộc khối quân sự nhóm họp.

Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố sẽ tiếp tục ngăn Thụy Điển gia nhập NATO, trừ khi Stockholm tích cực trấn áp các nhóm bị đặt ngoài vòng pháp luật ở Thổ Nhĩ Kỳ, bao gồm Đảng Công nhân người Kurd.

Hồi tháng 1 năm nay, những người biểu tình cực hữu đã đốt một cuốn Kinh Quran và hô khẩu hiệu chống Hồi giáo trước Đại sứ quán Thổ Nhĩ Kỳ ở Stockholm. Ankara ngay lập tức lên án hành động đó, cũng như chỉ trích việc Thụy Điển cấp phép cho nhóm cực hữu tổ chức biểu tình.

Trong cuộc họp của NATO tại Madrid vào tháng 6 năm ngoái, Thụy Điển, Phần Lan và Thổ Nhĩ Kỳ đã ký một thoả thuận nhằm vạch ra con đường dẫn đến một biện pháp thoả hiệp. Trong đó, Ankara kêu gọi Thụy Điển tăng cường các chính sách chống khủng bố.

Trao đổi với CNBC vào tháng 2 năm nay, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Thụy Điển Tobias Billström cho biết đất nước của ông đã thực hiện xong phần việc trong thoả thuận với Thổ Nhĩ Kỳ.

Khả Nhân