|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Nền kinh tế Nga bắt đầu đổ vỡ, giới tài phiệt cảnh báo: ‘Chúng ta sẽ không còn tiền vào năm sau’

20:25 | 29/03/2023
Chia sẻ
Tổng thống Putin có lẽ không ngờ rằng Nga sẽ phải đối mặt với hàng loạt thử thách, đặc biệt là trên mặt trận kinh tế.

(Ảnh minh họa: Financial Times). 

Những tháng đầu của cuộc chiến giữa Nga và Ukraine đã khiến giá dầu mỏ và khí đốt tăng cao, mang đến nguồn thu khổng lồ cho Moscow. Nhưng tình thế đã đảo ngược.

Khi cuộc chiến kéo dài sang năm thứ hai và và các biện pháp trừng phạt của phương Tây ngày càng nặng nề hơn, doanh thu của chính phủ Nga bị siết chặt. Nền kinh tế nước này cũng đi vào quỹ đạo tăng trưởng thấp hơn.

Các mặt hàng xuất khẩu lớn nhất của Nga, bao gồm khí đốt và dầu mỏ, đã mất đi những khách hàng chủ chốt. Tài chính của chính phủ Nga cũng gặp căng thẳng.

Kể từ tháng 11 năm ngoái, tỷ giá ruble so với USD đã lao dốc 20%. Lực lượng lao động hẹp lại khi người trẻ phải ra chiến trường hoặc bỏ sang nước khác để tránh lệnh động viên. Sự không chắc chắn khiến doanh nghiệp hạn chế đầu tư.

Ông Alexandra Prokopenko, cựu quan chức ngân hàng trung ương Ng, dự đoán: “Nền kinh tế Nga đang bước vào giai đoạn thoái trào dài hạn”. Ông Prokopenko đã rời Nga một thời gian.

 

Chưa có dấu hiệu nào cho thấy những rắc rối kinh tế nói trên đủ sức để cản trở khả năng tham chiến của Nga trong ngắn hạn. Nhưng sự thiếu hụt của doanh thu nhà nước cho thấy khó khăn lớn trong việc dung hòa giữa chi phí quân sự ngày càng cao với các khoản trợ cấp và chi tiêu xã hội để giúp đỡ người dân.

Tỷ phú Nga Oleg Deripaska cảnh báo rằng nước này đang cạn kiệt tiền mặt. Ông phát biểu tại một hội nghị kinh tế trong tháng 3: “Nga sẽ không còn tiền vào năm tới, chúng ta cần các nhà đầu tư nước ngoài”. 

Ván cược sai lầm

Năm ngoái, Tổng thống Putin đánh cược rằng ông có thể dùng nguồn cung năng lượng của Nga để hạn chế sự hỗ trợ mà châu Âu dành cho Ukraine. Đây là một trong những nguyên nhân chính khiến triển vọng của Nga xấu đi.

Thay vì cắt giảm sự hỗ trợ cho Kiev, chính phủ các nước châu Âu đã hành động nhanh chóng để tìm nguồn cung dầu khí mới. Hầu hết các dòng khí đốt của Nga tới châu Âu đã ngừng chảy. Giá khí tự nhiên toàn cầu cũng giảm rõ rệt sau khi tăng mạnh trong một khoảng thời gian.

Nga đang phải bán dầu cho Trung Quốc và Ấn Độ với giá thấp hơn giá thế giới. Nước này cũng quyết định cắt giảm sản lượng dầu khoảng 5% cho đến tháng 6. Bộ Tài chính Nga cho biết giá dầu thô Ural trung bình trong tháng 2 là 49,6 USD/thùng. Cũng trong tháng đó, dầu thô Brent được giao dịch với giá khoảng 80 USD/thùng, tờ Wall Street Journal (WSJ) cho biết. 

Kết quả là doanh thu từ năng lượng của chính phủ Nga trong hai tháng đầu năm nay đã giảm gần một nửa so với năm ngoái. Thâm hụt ngân sách ngày càng lớn. Lỗ hổng tài khóa trong hai tháng đó lên đến 34 tỷ USD, tương đương hơn 1,5% tổng sản lượng kinh tế của đất nước.

 

Trong bài diễn văn cấp quốc gia tháng trước, có vẻ Tổng thống Putin cũng ngầm thừa nhận những hiểm nguy mà Nga đang đối mặt.

Ông phát biểu: “Quốc phòng là ưu tiên hàng đầu, nhưng khi thực hiện các nhiệm vụ chiến lược trong lĩnh vực này, chúng ta không nên lặp lại sai lầm quá khứ và không nên phá hủy nền kinh tế quốc gia”.

Thiếu thốn trăm bề

Ngân hàng trung ương Nga cảnh báo rằng sự giảm sút của xuất khẩu, tình trạng thiếu hụt lao động và chi tiêu tăng cường của chính phủ đang khuếch đại rủi ro lạm phát. Lạm phát của Nga đã leo lên mức 11% trong tháng 2. 

Các lĩnh vực công nghiệp của Nga đang trải qua giai đoạn thiếu hụt lao động tồi tệ nhất kể từ năm 1993, theo đánh giá của Viện Chính sách Kinh tế Gaidar tại Moscow.

Tình trạng chảy máu chất xám sau khi Nga tấn công Ukraine và đợt huy động quân sự hơn 300.000 người đã dẫn đến việc khoảng một nửa doanh nghiệp không có đủ lao động, ngân hàng trung ương Nga cho biết.

Trong chuyến thăm gần đây tới nhà máy sản xuất máy bay, ông Putin cũng nói rằng tình trạng thiếu hụt lao động đang cản trở hoạt động sản xuất quân sự, tờ WSJ đưa tin. 

Doanh nghiệp Nga đang tìm cách thích ứng với các lệnh cấm vận của phương Tây, nhưng trong nhiều lĩnh vực, các phụ tùng rất khó có thể được thay thế. Nhiều năm trước khi bị giáng các đòn trừng phạt hiện tại, Nga đã cố gắng thay thế hàng nhập khẩu bằng hàng hóa tự sản xuất. Tuy nhiên, nước này đạt được rất ít thành công.

Ông Vasily Astrov, nhà kinh tế thuộc Viện Nghiên cứu Kinh tế Quốc tế Vienna, cho biết: “Tình hình bây giờ không khác mấy với việc chúng ta quay trở lại thời Xô Viết, phải tự làm tất cả mọi thứ. Việc thay thế chuẩn xác tất cả máy móc, thiết bị bị thiếu gần như là điều bất khả thi”.

Các nhà phân tích tại ngân hàng trung ương Nga cũng mô tả nước này đang bước vào giai đoạn “công nghiệp hóa đảo ngược”, tức là phụ thuộc vào các công nghệ kém tiên tiến.

Ông Astrov kết luận: “Cuộc khủng hoảng của Nga sẽ không chỉ kéo dài một hay hai năm. Nền kinh tế đang tiến vào quỹ đạo hoàn toàn khác so với trước thời chiến”.

Giang