|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Tại sao Trung Quốc hứa sát cánh cùng Nga nhưng lại chần chừ không ký thỏa thuận khí đốt?

07:40 | 24/03/2023
Chia sẻ
Trung Quốc quyết tâm ủng hộ Nga trong cuộc đối đầu với phương Tây. Tuy nhiên, Bắc Kinh lại chần chừ không đặt bút ký vào thỏa thuận xây dựng đường ống Sức mạnh Siberia 2 do những lo ngại về an ninh năng lượng, khả năng thừa cung.

Hứa cùng sát cánh

Theo Bloomberg, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã dùng hai ngày thảo luận tại Moscow để thể hiện sự sẵn sàng kề vai sát cánh nhằm chống lại trật tự thế giới do Mỹ dẫn đầu. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Trung Quốc lại không đặt bút ký vào đề xuất mà Tổng thống Vladimir Putin đã mong muốn từ lâu: cam kết mua thêm nhiều khí đốt.

Chuyến thăm đầu tiên của Chủ tịch Tập Cận Bình tới Nga sau khi xung đột Ukraine nổ ra được đánh giá là chiến thắng chính trị đối với cả hai nhà lãnh đạo.

Ông Tập có cơ hội đẩy lùi ảnh hưởng của Mỹ và xây dựng hình ảnh bản thân như một nhà lãnh đạo toàn cầu, nhất là sau khi vừa giúp Arab Saudi và Iran tái lập quan hệ ngoại giao.Trong khi đó, Tổng thống Putin cho thấy Nga đang nhận được sự ủng hộ của một trong những quốc gia quyền lực nhất thế giới, ngay cả khi Mỹ và các đồng minh cố gắng cô lập Moscow.

 

Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Putin hôm 20/3. (Ảnh: Điện Kremlin).

Tuy nhiên, cuộc gặp gỡ lại không mang lại nhiều kết quả rõ ràng về các thỏa thuận năng lượng. Bloomberg cho rằng Trung Quốc đang không muốn quá gần Nga nhằm tránh các biện pháp trừng phạt kinh tế mạnh mẽ hơn từ phương Tây. 

Ông Dongshu Liu, Phó Giáo sư về chính trị Trung Quốc tại Đại học Thành phố Hong Kong nhận định: “Chủ tịch Tập muốn đạt được sự cân bằng: Bắc Kinh muốn Nga sống sót, nhưng không muốn bị xem là đang hoàn toàn ủng hộ Moscow”.

“Vấn đề là khi cuộc chiến kéo dài, nếu Nga trở nên thất thế và cần đến sự hỗ trợ về kinh tế và quân sự từ Trung Quốc để có thể tồn tại thì Bắc Kinh sẽ làm gì? Khi đó, Bắc Kinh sẽ phải đưa ra lựa chọn quan trọng”, ông nói.

Không ký thỏa thuận năng lượng

Tuyên bố chung giữa Nga và Trung Quốc sau hội nghị thượng đỉnh bao gồm nhiều vấn đề, như nỗ lực chống lại Mỹ, ngăn cản “cách mạng màu”, kêu gọi điều tra vụ nổ đường ống Nord Stream cũng như bày tỏ lo ngại về thỏa nhuận AUKUS và yêu cầu NATO tôn trọng “sự đa dạng của các nền văn minh”.

Tuy nhiên, ông Tập lại không đưa ra một cam kết rõ ràng hay thông qua dự án đường ống khí đốt Sức mạnh Siberia 2 - mắt xích quan trọng trong nỗ lực chuyển hướng dòng năng lượng của Nga sang phương Đông .

Sức mạnh Siberia có khả năng vận chuyển 55 tỷ m3 khí đốt mỗi năm, tương đương với đường ống Nord Stream 2 vừa bị phá hủy.

Sau cuộc hội đàm, Tổng thống Putin cho biết đường ống mới đã được thảo luận và “gần như tất cả” nội dung đã được thống nhất. Tuy nhiên, tuyên bố chung về đường ống này lại khá mập mờ.

Wall Street Journal (WSJ) dẫn lời công ty phân tích BKS: "Thỏa thuận [về đường ống Sức mạnh Siberia 2] đã được thảo luận dưới hình thức này hay hình thức khác kể từ năm 2004 hoặc sớm hơn. Nhưng vấn đề giá cả khiến thỏa thuận không thành công. Nếu khía cạnh này không sớm được giải quyết, các cuộc đàm phán vẫn còn ở phía trước và thành công sẽ không được đảm bảo".

Vì sao Bắc Kinh bắt Nga chờ đợi?

Ông Konstantin Simonov, Giám đốc Quỹ An ninh Năng lượng Quốc gia Nga, cho biết ông Tập và ông Putin đã được dự kiến sẽ ký thỏa thuận trong cuộc gặp.

Ông Simonov nhận định: "Gazprom cần hợp đồng, bởi năm ngoái công ty đã cắt giảm hơn 80 tỷ m3 khí đốt đến Liên minh châu Âu. Năm nay Gazprom có thể mất thêm 30 đến 40 tỷ mnữa".

Nga đang cần Trung Quốc để bù đắp thị trường châu Âu.

Sự im lặng của Bắc Kinh thoạt nhìn thật vô lý. Trung Quốc là nhà nhập khẩu LNG lớn nhất thế giới, và tiêu thụ khí đốt nhiều thứ 3, chỉ sau Mỹ và Nga. Với cam kết đạt đỉnh phát thải vào năm 2030, dòng khí đốt từ Sức mạnh Siberia 2 có thể là chìa khóa để giúp Trung Quốc giảm sự phụ thuộc vào than đá.

Tuy nhiên, một bài học quan trọng trong vài năm vừa qua là sự thiết yếu của an ninh năng lượng. Đường ống mới sẽ tăng gấp đôi dòng khí đốt xuất khẩu từ Nga tới Trung Quốc, và cho Moscow khoảng 1/2 thị trường nhập khẩu tại quốc gia tỷ dân - sự thống trị tương tự như với châu Âu vào năm 2021.

Để không lặp lại sai lầm như châu Âu, Trung Quốc đang xây dựng đường ống vận chuyển 30 tỷ m3 khí đốt từ Turkmenistan - một đối tác dễ kiểm soát hơn Nga. Ông Batt Odgerel, nhà nghiên cứu cao cấp tại Quỹ Nghiên cứu Chính sách Năng lượng nói rằng có nhiều quốc gia đang cố gắng bán khí đốt, bao gồm Mỹ, Qatar, Australia và Turkmenistan.

"Trừ khi Nga đưa ra mộtmức chào giá rất tuyệt vời, Trung Quốc có thể đợi bao lâu tùy thích. Khí đốt bổ sung từ Nga là không cần thiết đặc biệt sau khi kinh tế Trung Quốc chậm lại do phong tỏa COVID", ông nhận định.

Ngoài ra, khí hóa lỏng (LNG) cũng đang trở nên hấp dẫn hơn. Châu Âu nhận thấy rằng việc nhập khẩu LNG giúp các nhà nhập khẩu trở nên linh hoạt hơn về nguồn cung, thay vì các hợp đồng mua bán khí đốt qua đường ống dài hạn, yêu cầu cơ sở hạ tầng tốn kém.

Tương tự, kể từ năm 2021, Trung Quốc đã ký kết hợp đồng mua LNG với tốc độ kỷ lục. Tổ chức Năng lượng Quốc tế (IEA) ước tính rằng tất cả hợp đồng hiện nay sẽ khiến Trung Quốc thừa nguồn cung vào năm 2030.

Đồng thời, nguồn khí đốt trong nước đã tăng gấp đôi kể từ năm 2012. Gã khổng lồ dầu khí PetroChina đang trong quá trình chuyển đổi thành nhà sản xuất khí đốt. Vào năm 2020, hơn một nửa sản lượng của tập đoàn này là khí methane (CH4).

 Đường ống Sức mạnh Siberia 2 sẽ giúp Nga chiếm hơn một nửa thị phần khí đốt của Trung Quốc. 

Nhu cầu năng lượng Trung Quốc cũng đang có sự thay đổi. Theo IEA, tiêu thụ khí đốt của Trung Quốc tăng khoảng 12% mỗi năm trong những năm 2010, nhưng sẽ chỉ tăng 2% mỗi năm vào thập kỷ này. Năng lượng tái tạo đang ngày càng trở thành xương sống của lưới điện.

Theo BP, hoạt động sản xuất điện từ khí đốt ở Trung Quốc sẽ hầu như không tăng từ nay đến 2030. Việc sử dụng máy bơm nhiệt (dùng điện để sưởi ấm) ngày càng tăng sẽ thay thế nguồn nhiệt từ khí đốt. Hiện Trung Quốc đang sản xuất khoảng 40% máy bơm nhiệt toàn cầu. 

Mức tiêu thụ khí đốt sẽ chỉ tăng với các ngành công nghiệp, tuy nhiên, nhu cầu vẫn sẽ được đảm bảo với những hợp đồng hiện có.

Ngoài ra, mặc dù khí đốt phát thải ít carbon hơn so với than đá hay dầu, nhiên liệu này lại có thể gây rò rỉ methane cũng như lãng phí khi khai thác. Methane là loại khí gây hiệu ứng nhà kính mạnh hơn rất nhiều so với CO2.

Minh Quang