[Phần 1] Chứng khoán thế giới chao đảo, vốn hóa hai sàn trong nước mất hơn 16 tỉ USD trong 15 phiên, điều gì đang diễn ra?
Vì đâu thị trường chứng khoán Mỹ gần đây liên tục lao dốc? |
Thị trường chứng khoán thế giới chao đảo
Diễn biến tháng 10, thị trường chứng khoán toàn cầu chứng kiến sự biến động lớn. Trên thị trường chứng khoán Mĩ, chỉ số Dow Jones giảm 831,83 điểm trong phiên giao dịch 10/10 (theo giờ Mỹ). Đây là phiên giảm điểm mạnh nhất kể từ đầu năm 2018, đồng thời là chuỗi giảm dài nhất kể từ tháng 11/2016.
Tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới – Trung Quốc, thị trường chứng khoán nước này chứng kiến làn sóng bán tháo cổ phiếu. Diễn biến cùng chiều với các thị trường khác, phiên 11/10, chỉ số Shanghai Composite giảm 5,22% về 2.583,46 điểm. ghi nhận phiên giao dịch tồi tệ nhất kể từ tháng 2/2016.
Trong một tháng gần đây, chỉ số Dow Jones và Shanghai Composite có mức giảm lần lượt là 7,21% và 7,55%. Tồi tệ hơn, thị trường chứng khoán Trung Quốc còn tiềm ẩn nguy cơ giải chấp 613 tỉ USD cổ phiếu đang được các công ty thế chấp để vay tiền, nếu bán tháo tiếp tục.
Diễn biến chỉ số Shanghai Composite và Dow Jones trong một tháng gần đây. Nguồn: Investing.com |
Tại một số quốc gia châu Á khác, thị trường chứng khoán cũng biến động mạnh. Chỉ số Kospi của Hàn Quốc phiên 25/10 giảm 1,63%, đóng cửa ở 2.063,3 điểm, ghi nhận mức giảm 12,4% trong một tháng gần đây. Đây là ngưỡng thấp nhất của chỉ số Kospi kể từ tháng 4/2017. Diễn biến cùng chiều, chỉ số Nikkei 225 giảm 11,5% kể từ ngày 26/9, kết phiên 25/10 ở 21.268,73 điểm.
Vốn hóa sàn HOSE giảm hơn 320.000 tỉ đồng trong 15 phiên giao dịch gần đây
Chịu tác động của thị trường chứng khoán thế giới, thị trường Việt Nam đã có chuỗi giảm điểm mạnh nhất kể từ ngày 11/7. Kết phiên 25/10, VN-Index ở 910,17 điểm. Như vậy, so với mức điểm số cao nhất kể từ đợt phục đầu tháng 7 là 1.023,62 điểm vào ngày 4/11, VN-Index đã giảm 11%.
Theo số liệu từ Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM (HOSE), vốn hóa thị trường sàn HOSE tại ngày 25/10 đạt 2.924.466 tỉ đồng, giảm 360.886 tỉ đồng, tương đương mức giảm gần 11% so với số liệu ghi nhận ngày 4/10. Chỉ tính riêng phiên giao dịch 11/10, giá trị vốn hóa sàn HOSE “bốc hơi” 154.388 tỉ đồng.
Nguồn: Phan Quân tổng hợp từ HOSE |
So với mức 995,77 điểm của đầu năm 2018, VN-Index đã giảm 8,6%. Tuy nhiên, tổng giá trị vốn hóa thị trường sàn HOSE tăng 280.316 tỉ đồng, tương đương tỉ lệ tăng 10,6%. Đáng lưu ý, sự tăng trưởng về giá trị vốn hóa của sàn HOSE chủ yếu đến từ hai thương vụ tỷ USD là CTCP Vinhomes (Mã: VHM) và Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techombank, mã: TCB).
Nguồn: Phan Quân tổng hợp |
Ngày 17/5, Vinhomes đưa gần 2,7 tỉ cổ phiếu VHM niêm yết trên sàn HOSE. Giá cổ phiếu VHM đóng cửa phiên 25/10 ở 68.500 đồng/cp, tương đương giá trị vốn hóa của Vinhomes đạt 229.442 tỉ đồng. Bên cạnh đó, ngày 4/6, Ngân hàng Techcombank niêm yết cổ gần 1,2 tỉ cổ phiếu TCB trên sàn HOSE. Với số lượng cổ 3,56 tỉ cổ phiếu đang lưu hành (sau chia cổ tức), giá trị vốn hóa của Techcombank tại ngày 25/10 là 93.088 tỉ đồng.
Như vậy, nếu loại trừ Vinhomes và Techcombank, giá trị vốn hóa sàn HOSE giảm hơn 42.200 tỉ đồng so vời thời điểm đầu năm 2018.
Kể từ đầu năm 2018, sàn HOSE cũng chứng kiến một số thương vụ chào sàn với những doanh nghiệp có quy mô trung bình với giá trị vốn hóa tại ngày 25/10 như TPBank (16.312 tỉ đồng), Gelex (10.123 tỉ đồng), Yeah1 (8.471 tỉ đồng), Dịch vụ Hàng Hóa Sài Gòn (7.048 tỉ đồng), Văn Phú Invest (6.760 tỉ đồng), Hải Phát (4.125 tỉ đồng) CEN Land (2.105 tỉ đồng)…
Bên cạnh đó, tính từ đầu năm 2018, theo số liệu thống kê của HOSE, đã có 7,8 tỉ cổ phiếu niêm yết bổ sung, 5,8 tỉ cổ phiếu niêm yết lần đầu và 380 triệu cổ hủy niêm yết. Số mã chứng khoán niêm yết trên HOSE tính đến 25/10 là 370 mã với tổng số gần 74,2 tỉ cổ phiếu, tăng 21 mã.
HNX-Index giảm 13,3% so với đầu năm, vốn hóa mất 16,8% giá trị
Phiên 25/10, HNX-Index ghi nhận chuỗi phiên giảm thứ 5 liên tiếp, đóng cửa ở 103,1 điểm, tương đương giá trị vốn hóa sàn HNX ước tính 187.292 tỉ đồng. So sánh với số liệu cao nhất ngày 4/10, giá trị vốn hóa sàn HNX giảm 9,5% chỉ trong 15 phiên giao dịch.
Nguồn: Phan Quân tổng hợp từ HNX |
Như vậy, chỉ số HNX có mức giảm 13,3% so với thời điểm đầu năm 2018. Bên cạnh đó giá trị vốn hóa trên sàn này ghi nhận mức giảm 16,8%, tương đương giá trị 37.797 tỉ đồng. Nguyên nhân là một số cổ phiếu chuyển niêm yết từ HNX sang HOSE (VPI, PHC, TTB và một số cổ phiếu hủy niêm yết trên HNX sang giao dịch trên UPCoM như (PVX, PIV, CCC, …). Tính đến 25/10, tổng công ty niêm yết trên HNX là 374 đơn vị, giảm 10 doanh nghiệp so với đầu năm 2018.
Nguồn: Phan Quân tổng hợp từ HNX |
Trong nguy có cơ, chứng khoán Việt Nam kì vọng từ khối ngoại và nâng hạng thị trường
Mặc dù sụt giảm về điểm số và giá trị vốn hóa so với thời điểm đầu năm 2018, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn đón nhận những thông tin tích cực từ hoạt động giao dịch của khối ngoại và việc lọt vào danh sách theo dõi nâng hạng thị trường.
Theo số liệu tổng hợp từ CTCP Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC), trong 9 tháng đầu năm 2018, các nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng gần 1,4 tỉ USD trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Trong khi đó, khối ngoại lại bán ròng mạnh tại một số quốc gia khác như Nhật Bản (59,2 tỉ USD), Thái Lan (6,5 tỉ USD), Đài Loan (5,7 tỉ USD)… Đây là điểm tích cực của thị trường Chứng khoán Việt Nam so với một số thị trường chứng khoán châu Á khác.
Nguồn: Chứng khoán BSC tổng hợp. |
Trong diễn biến khác, ngày 27/9, tổ chức FTSE Russell đưa Việt Namvào danh sách theo dõi nâng hạng thị trường chứng khoán mới nổi cùng với Tanzania và Agrentina. Theo đánh giá của Chứng khoán BSC, quỹ ETF sẽ phân bổ lại tỷ trọng mua vào ở thị trường Việt Nam khoảng 1,6 tỉ USD. Khi Việt Nam vào danh mục thị trường mới nổi sơ cấp của FTSE, các quỹ ETF có thể sẽ mua vào 677 triệu USD.
Điều này đồng nghĩa thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ thu hút được một lượng tiền nóng từ các quỹ ETF trong khoảng thời gian trước và sau khi được chính thức xếp hạng. Hoạt động mua ròng khối ngoại chưa kể các quỹ mở, quỹ đóng có thể tham gia do các quy định hạn chế đầu tư vào thị trường cận biên.