|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Nguy cơ bán giải chấp đẩy thị trường chứng khoán lao dốc, Trung Quốc lập kế hoạch hỗ trợ 100 tỉ NDT

10:21 | 24/10/2018
Chia sẻ
Lo ngại nhiều cổ phiếu có thể bị bán giải chấp, làm trầm trọng thêm đợt suy giảm của thị trường chứng khoán, 11 công ty chứng khoán tại Trung Quốc sẽ thành lập một kế hoạch quản lí tài sản trị giá 100 tỉ nhân dân tệ (14,5 tỉ USD) để giảm áp lực “thế chấp cổ phiếu” đối với các công ty có triển vọng phát triển tốt.
nguy co ban giai chap day thi truong chung khoan lao doc trung quoc lap ke hoach ho tro 100 ti ndt Giới chức Trung Quốc đồng loạt lên tiếng trấn an thị trường chứng khoán

Một loạt các bình luận từ các quan chức Trung Quốc trong vài ngày qua được đưa ra nhằm cam kết hỗ trợ cho các doanh nghiệp tư nhân với các vấn đề về nguồn tài chính, trong khi Bắc Kinh tìm cách giảm bớt lo ngại về việc bán tháo cổ phiếu.

Vấn đề gây lo ngại là sự sụt giảm của giá cổ phiếu sẽ gây ra việc bán các cổ phần đang được dùng làm tài sản thế chấp, và dẫn đến đà giảm sâu hơn của thị trường chứng khoán Trung Quốc.

Một trong những biện pháp can thiệp mới nhất của Bắc Kinh là việc Hiệp hội Chứng khoán Trung Quốc thông báo hôm thứ Hai tuần này rằng 11 công ty chứng khoán sẽ lập kế hoạch quản lý tài sản trị giá 100 tỉ nhân dân tệ (14,5 tỉ USD) để giảm áp lực “thế chấp cổ phiếu” đối với các công ty có triển vọng phát triển tốt.

Trong một giao dịch tài trợ có thế chấp, các công ty sử dụng một phần cổ phiếu của mình làm tài sản thế chấp để nhận các khoản vay. Nếu giá cổ phiếu giảm xuống dưới mức đã được thỏa thuận, người cho vay sẽ bán cổ phiếu để nhận lại tiền, qua đó gây ra sự bất ổn của thị trường chứng khoán.

Bất chấp động thái mới nhất của Bắc Kinh và các biện pháp gần đây khác để hỗ trợ các doanh nghiệp địa phương, cổ phiếu đóng cửa phiên thứ Ba (23/10) giảm mạnh, xóa đi phần nào thành quả hồi phục trong hai phiên trước đó.

Chỉ số tổng hợp Thượng Hải (Shanghai Composite) đã giảm hơn 20% trong năm nay trong bối cảnh lo ngại về suy thoái kinh tế và căng thẳng gia tăng với Mỹ, đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc. Đây là một trong những thị trường chứng khoán giảm mạnh nhất thế giới trong năm 2018.

Hầu hết các nhà phân tích cho rằng các cổ phiếu làm tài sản thế chấp không gây ra rủi ro toàn hệ thống vào lúc này. Nhưng vấn đề này lại chỉ ra những thách thức mà các doanh nghiệp tư nhân của Trung Quốc, khu vực đóng góp tới 80% công ăn việc làm của nền kinh tế, đang phải đối mặt.

nguy co ban giai chap day thi truong chung khoan lao doc trung quoc lap ke hoach ho tro 100 ti ndt

Sự phổ biến của việc dùng cổ phần làm tài sản thế chấp một phần chính là kết quả của các hành động của chính quyền Trung Quốc. Các ngân hàng Trung Quốc thích cho các doanh nghiệp nhà nước vay, trong khi chính phủ liên tiếp tấn công khu vực ngân hàng phi chính thức (shadow banking) – kênh tài trợ vốn thay thế chính của các doanh nghiệp tư nhân. Kết quả là, nhiều công ty Trung Quốc, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đã quay sang dùng cổ phiếu của mình làm tài sản thế chấp để nhận các khoản vay.

Theo một số nhà phân tích tài chính, giá trị cổ phiếu bị đem thế chấp để vay tiền chiếm khoảng 10% (khoảng 4.000 tỉ nhân dân tệ, tương đương 580 tỉ USD) giá trị vốn hóa của các cổ phiếu loại A được giao dịch ở Trung Quốc đại lục.

Nhà chiến lược thị trường Golder Lau của Goldman Sachs cho biết, giá trị các khoản vay được thế chấp bằng cổ phiếu là khoảng 1.000 tỉ nhân dân tệ (144 tỉ USD), và các khoản vay này đang phải đối mặt với nguy cơ bị gọi ký quỹ. Con số này tăng thêm khoảng 100 tỉ NDT nếu thị trường chứng khoán giảm 5%, báo cáo của ông Lau cho biết.

Ông Lau chỉ ra rằng chính quyền ở Bắc Kinh, Thâm Quyến và Hàng Châu đã thông báo tuần trước rằng các quỹ sẽ được thành lập để giúp các công ty địa phương gặp khó khăn trong việc chia sẻ.

"Trong bối cảnh đòn bẩy cao và tâm lí bi quan trong cả nền kinh tế thực và thị trường tài chính, điều quan trọng là chính phủ phải khôi phục niềm tin vào nhân dân", các nhà chiến lược thị trường toàn cầu của JP Morgan, Marcella Chow và Chaoping Zhu nhận định

Các nhà chiến lược này cho biết các biện pháp nới lỏng tiền tệ và tăng đòn bẩy mà chính quyền Bắc Kinh đã được sử dụng trong giai đoạn thị trường sụp đổ và kinh tế suy yếu năm 2015 có thể không còn hiệu quả nữa, và nhiều cải cách thuế hơn cần được thực thi.

Việc công bố kế hoạch tài trợ 100 tỷ NDT diễn ra vào thứ Hai, một ngày sau cuộc họp của Ủy ban phát triển và Ổn định tài chính của Hội đồng Nhà nước.

Cũng trong tuần qua, các tổ chức tài chính lớn đã công bố kế hoạch huy động vốn trái phiếu và các kênh tài trợ vốn mới, chính phủ đã ban hành dự thảo giảm tạm thời thuế thu nhập cá nhân và các nhà quản lý tài chính hàng đầu đã có những phát biểu hỗ trợ cho nền kinh tế và thị trường.

Xem thêm

Kiên Dương