Vì đâu thị trường chứng khoán Mỹ gần đây liên tục lao dốc?
[Infographic] Những lần 'thiên nga đen' xuất hiện và biến động bất thường của thị trường chứng khoán Mỹ |
Chỉ vài tuần trước, chỉ số công nghiệp Dow Jones thiết lập mức điểm cao nhất trong lịch sử. Thế nhưng hôm thứ Tư (24/10), sau vài ngày sụt giảm ba con số, chỉ số này tiếp tục đóng cửa giảm hơn 608 điểm, qua đó xóa đi tất cả thành quả tăng điểm trong năm nay.
Chứng khoán Mỹ 24/10: Dow Jones mất hơn 600 điểm trong phiên bán tháo diện rộng |
Không phải lúc nào cũng có thể xác định lý do thị trường tăng hoặc giảm tại một thời điểm nào, nhưng có một số yếu tố có thể đã góp phần vào việc bán tháo gần đây.
Chắc chắn là theo một số thước đo nhất định, cỗ máy kinh tế Mỹ vẫn đang hoạt động ổn định. Thất nghiệp ở mức thấp nhất trong nhiều thập niên và các doanh nghiệp và người tiêu dùng đã thể hiện sự tin tưởng. Sản lượng kinh tế cũng đang tăng lên. Nhưng:
Biên lợi nhuận có nguy cơ sụt giảm
Giống như các quý trước, các công ty đang báo cáo kết quả tài chính quý III đa phần là tích cực. Nhưng lần này, các lãnh đạo doanh nghiệp đã nói về những thách thức mà họ phải đối mặt do tăng chi phí sản xuất và vật liệu và các mức thuế quan tương đối mới. Một số lãnh đạo doanh nghiệp nói rằng biên lợi nhuận của họ đang bị cắt xén bởi những yếu tố này. Các lãnh đạo cũng nói thêm rằng họ có thể sẽ phải chuyển phần chi phí tăng lên cho khách hàng, thậm chí một số công ty đã nâng giá sản phẩm rồi.
7 trong số 11 lĩnh vực của chỉ số S&P 500 đang trong vùng điều chỉnh, có nghĩa là đã mất ít nhất 10 % kể từ mức cao nhất gần đây nhất. Nhóm cổ phiếu vật liệu, tài chính, năng lượng và công nghiệp chịu thiệt hại nặng nề nhất. Nhóm hàng tiêu dùng thiết yếu là một điểm sáng khi sắp có tháng tăng thứ năm liên tiếp với diễn biến tích cực của Procter & Gamble và các cổ phiếu khác.
Thước đo mức độ sợ hãi của Phố Wall - chỉ số biến động CBOE hiện đang ở mức 25 điểm, cao nhất kể từ khi thị trường sụt giảm vào đầu năm nay.
Lo sợ lãi suất cao hơn
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã tăng lãi suất chuẩn ba lần trong năm nay và dự kiến sẽ tăng thêm một lần nữa trong tháng 12. Fed đã quyết tâm đi trước lạm phát một bước và ra tín hiệu sẵn sàng tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát, bất chấp những chỉ trích liên tục từ Tổng thống Donald Trump.
Tuy nhiên, lãi suất tăng sẽ ảnh hưởng đến mức độ vay tiền của người dân. Cổ phiếu ngân hàng đã có một đợt giảm mạnh trong năm nay do lo ngại về hoạt động cho vay. Doanh số bán nhà mới trong tháng 9 giảm 5.5% xuống mức thấp nhất trong 2 năm và doanh số bán ô tô cũng sụt giảm.
Kinh tế Trung Quốc chậm lại
Ngoài ra còn có những lo lắng về những gì đang xảy ra ở nước ngoài. Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, đang tăng trưởng chậm lại. Tuần trước, nước này thông báo tăng trưởng kinh tế quý III đạt 6,5%, thấp hơn so với mức được mong đợi. Nước này còn bị kéo vào một cuộc chiến thương mại với Mỹ, và cả hai bên đang tích cực đánh thuế lên hàng tỉ USD hàng hóa của nhau. Không có bất kỳ thời gian biểu nào để giải quyết những khác biệt này, mặc dù Tổng thống Trump dự kiến sẽ gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ở Argentina tại hội nghị thượng đỉnh G-20 vào tháng tới.
Giữa căng thẳng thương mại còn có một yếu tố khác: Đồng USD đang mạnh tương đối so với đồng nhân dân tệ của Trung Quốc và các ngoại tệ khác, làm cho hàng hóa của Mỹ đắt hơn. Đây là vấn đề đối với các thị trường mới nổi, vì các nước này vay nợ bằng đồng USD và sẽ gặp khó khăn hơn trong việc trả nợ. Nhu cầu đối với hàng hóa Mỹ cũng sẽ bị ảnh hưởng.
Ả Rập Xê Út, Italia và cuộc bầu cử giữa kỳ
Các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán cũng đang chú ý đến Ả Rập Xê Út và Italia. Giá dầu đã giảm trong thời gian gần đây, nhưng với việc Mỹ ra đòn trừng phạt cắt nguồn cung từ Iran khỏi thị trường dầu mỏ, phần thiếu hụt sẽ do Ả Rập Xê Út và các thành viên OPEC khác quyết định bù đắp.
Italia cũng đang trong giai đoạn đàm phán căng thẳng với Liên minh Châu Âu để tái cấu trúc nợ của nước này.
Cuối cùng, các cuộc bầu cử giữa kỳ của Mỹ đang đến rất gần. Thị trường có thể đang phản ánh mối lo ngại Quốc hội Mỹ sẽ có những thay đổi lớn theo hướng ít nhất một trong hai viện (Hạ viện và Thượng viện) rơi vào tầm kiểm soát của Đảng Dân chủ. Khi đó, một số chính sách giảm giám sát và ủng hộ doanh nghiệp của ông Trump và đang Cộng hòa có thể gặp trở ngại.