|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Pfizer/BioNTech muốn tiêm lên mũi thứ ba để đối phó biến chủng Delta

10:11 | 09/07/2021
Chia sẻ
Pfizer và BioNTech hiện đang phát triển các mũi tiêm tăng cường nhắm tới biến chủng Delta và dự kiến ​​sẽ sớm xin Mỹ cấp phép cho liều vắc xin thứ ba.

Theo tuyên bố vào ngày 8/7, Pfizer và BioNTech cho biết họ đang phát triển một mũi tiêm vắc xin COVID-19 tăng cường nhằm mục tiêu chống lại biến chủng Delta (biến chủng vi rút lần đầu tiên được phát hiện tại Ấn Độ) khi mối lo ngại về biến chủng này đang tăng cao, đặc biệt tại Hoa Kỳ, CNBC đưa tin.

Pfizer muốn tiêm lên mũi thứ ba và đang phát triển mũi tiêm tăng cường chống lại biến chủng Delta - Ảnh 1.

Pfizer và BioNTech đang phát triển mũi tiêm tăng cường để nhắm vào biến chủng Delta. (Ảnh: Insider).

Mặc dù các nhà sản xuất tin rằng mũi tiêm thứ ba của loại vắc xin hai liều của họ có khả năng duy trì hiệu quả bảo vệ cao nhất để chống lại tất cả các biến chủng COVID-19 hiện tại, gồm cả biến chủng Delta. Tuy nhiên, họ vẫn giữ thái độ "cảnh giác" và tiến hành phát triển thêm một phiên bản vắc xin tăng cường.

"Như đã thấy trong các bằng chứng thực tế được công bố từ Bộ Y tế Isreal, hiệu quả của vắc xin đã giảm sau 6 tháng kể từ khi tiêm chủng, đồng thời biến chủng Delta đang trở thành biến chủng chính, chiếm phần lớn số ca nhiễm trong nước", công ty cho biết.

Trước đó vào ngày 5/7, các quan chức Isreal đã báo cáo sự sụt giảm hiệu quả của vắc xin Pfizer-BioNTech trong việc ngăn ngừa nhiễm vi rút COVID-19, tuy nhiên vẫn hiệu quả cao trong việc hạn chế nguy cơ mắc bệnh nặng.

Các công ty cho biết: "Dựa trên những số liệu hiện có, chúng tôi tin rằng có thể cần tiêm liều vắc xin thứ ba trong vòng từ 6 - 12 tháng sau khi đã tiêm chủng đầy đủ hai liều". Dự kiến nghiên cứu lâm sàng sẽ bắt đầu vào tháng 8, tùy thuộc vào sự phê duyệt của cơ quan quản lý.

Cũng trong ngày 8/7, các nhà tổ chức Thế vận hội cho biết họ sẽ cấm tất cả khán giả vào xem các trận đấu, sau khi Nhật Bản ban bố tình trạng khẩn cấp nhằm hạn chế làn sóng lây nhiễm COVID-19 cũng như biến chủng Delta.

Biến chủng Delta đã được Tổ chức Y tế Thế giới ước tính có khả năng lây truyền cao hơn khoảng 55% so với biến chủng Alpha (biến chủng lần đầu tiên được phát hiện tại Anh). Các nhà khoa học cho biết, dựa vào các bằng chứng hiện tại cho thấy Pfizer có hiệu quả cao trong việc ngăn ngừa bệnh nặng và tử vong, tuy nhiên có thể kém hiệu quả hơn trong việc ngăn ngừa các triệu chứng nhẹ từ biến chủng Delta.

Gần đây, Giám đốc CDC, tiến sĩ Rochelle Walensky cho hay có khoảng 1.000 quận ở Mỹ có tỷ lệ tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 dưới 30%, chủ yếu nằm ở khu vực Đông Nam và Trung Tây. Đồng thời, tại các khu vực này cũng cho thấy sự lan rộng ngày càng nhanh của biến chủng Delta.

Các CEO của Pfizer và BioNtech đã nhiều lần cho biết, mọi người có thể sẽ cần tiêm nhắc lại hoặc tiêm liều thứ ba, trong vòng 12 tháng kể từ khi tiêm chủng đầy đủ, bởi khả năng miễn dịch của vắc xin sẽ suy yếu theo thời gian. Ngoài ra, cũng có khả năng sẽ cần phải tiêm bổ sung mỗi năm.

Phương Trang

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.