PAN Group giữ lại lợi nhuận năm 2022, Chủ tịch Nguyễn Duy Hưng trấn an cổ đông 'cố gắng chờ thêm một chút nữa'
Chiều 26/4, CTCP Tập đoàn PAN (Mã: PAN) tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên 2023 tại quận 1, TP HCM với 60 cổ đông tham dự đại diện số cổ phần tương ứng cho 50,1% số cổ phần có quyền biểu quyết. Đại hội kết thúc với tất cả tờ trình được thông qua.
Năm 2023, PAN đặt kế hoạch doanh thu 15.156 tỷ đồng, tăng 11% so với năm 2022. Lợi nhuận sau thuế kỳ vọng 840 tỷ đồng, tăng 5,8%.
Ban lãnh đạo PAN nhận định các hoạt động kinh doanh trong năm nay sẽ gặp một số khó khăn từ biến động kinh tế vĩ mô cũng như sự suy giảm về cầu tiêu dùng từ thế giới cũng như nội địa. Do đó, kế hoạch kinh doanh của tập đoàn trong năm 2023 được xây dựng với kịch bản thận trọng.
Về định hướng kinh doanh, đối với mảng giống cây trồng, lương thực và thuốc bảo vệ thực vật, khử trùng, Tập đoàn dự kiến sẽ có được tốc độ tăng trưởng tốt do nhu cầu lương thực thiết yếu tăng cao, thúc đẩy hoạt động sản xuất nông nghiệp, tạo thuận lợi cho sản xuất kinh doanh giống và sản phẩm bảo vệ thực vật. Trong đó, doanh thu và lợi nhuận mảng kinh doanh nông nghiệp dự kiến tăng từ 10% đến 15% trong năm 2023.
Đối với mảng thực phẩm bánh kẹo, Tập đoàn dự kiến hoạt động cốt lõi có tăng trưởng tốt theo sự phục hồi dần của sức cầu nội địa; cùng với đó là động lực tăng trưởng từ các mặt hàng sản phẩm mới sẽ giúp tăng doanh thu và lợi nhuận.
Trong đó, riêng mảng bánh kẹo, doanh thu dự kiến tăng 15%, lợi nhuận trước thuế từ hoạt động cốt lõi dự kiến tăng trưởng mạnh hơn 2 lần so với năm 2022 (loại trừ lợi nhuận bất thường từ giao dịch chuyển nhượng nhà máy).
Đối với mảng hạt, doanh thu có tăng trưởng nhẹ và lợi nhuận tăng trưởng tốt trên 10% do dự kiến trong năm 2023, Tập đoàn không chịu nhiều rủi ro và phát sinh lỗ từ tỷ giá như năm 2022.
Đối với mảng tôm, kế hoạch doanh thu gần như tương đương năm 2022, nhưng lợi nhuận trước thuế dự kiến tăng tốt 20%, được tạo bởi biên lợi nhuận cao hơn khi khai thác toàn bộ diện tích ao tự nuôi trong năm 2023.
Đối với mảng cá tra, Tập đoàn PAN cho biết chịu ảnh hưởng khá mạnh trong bối cảnh thị trường xuất khẩu cũng như điều kiện kinh doanh trong nước (nguồn cung và giá cá), dự kiến doanh thu giảm 3-5% và lợi nhuận trước thuế giảm từ 15% đến 20% so với năm 2022.
Về cổ tức, đối với năm 2022, PAN trình cổ đông không trả cổ tức để dành nguồn lực cho các hoạt động cân đối nguồn vốn và đầu tư phát triển. Cho năm 2023, mức cổ tức dự kiến ít nhất là 5% bằng tiền (500 đồng/cp) nếu đạt kế hoạch.
Khi được cổ đông hỏi về lý do không chia cổ tức năm 2022, ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT cho biết bản thân là cổ đông lớn nhất và cũng rất trăn trở khi không được chia. Tuy nhiên, PAN đang thấy nhiều cơ hội nên đầu tư rất nhiều để tạo nên giá trị cho tương lai. Do đó, PAN cần phải kiểm soát dòng tiền để ít nhất là trong năm 2023 có thể chia cổ tức bằng tiền cho cổ đông, ông Hưng hứa.
"Chúng ta cố gắng chờ một chút nữa thôi", Chủ tịch Nguyễn Duy Hưng trấn an cổ đông.
*Thảo luận:
Câu hỏi: Khi nào công ty sẽ triển khai lại kế hoạch tăng vốn?
Ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT hiện thị trường đang gặp khó khăn, riêng giá cổ phiếu PAN, đang thấp hơn giá trị sổ sách, thấp hơn giá thanh lý. Nếu thị trường không hồi phục, công ty sẽ chưa nghĩ tới việc tăng vốn.
Năm ngoái, PAN ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng tốt. Tuy nhiên ông Hưng thừa nhận điều chưa tốt của PAN chính là vấn đề kiểm soát dòng tiền và năm nay sẽ tập trung ưu tiên.
Vì sao giá cổ phiếu PAN thấp nhưng công ty không mua cổ phiếu quỹ?
Ông Hưng trả lời, thực tế phải nhìn lại tài chính của công ty, nguồn tiền không phải lúc nào cũng vô tận. Năm 2022, PAN đã chi ra số tiền lớn mua lại cổ phiếu của Bibica, tăng tỷ lệ sở hữu lên 98%, bên cạnh đó còn tăng đầu tư vào CTCP Thực phẩm Sao Ta (Mã: FMC) nhằm tích luỹ cho dài hạn.
Chia sẻ kết quả kinh doanh quý I?
Chia sẻ tại đại hội, ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Tài chính của PAN cho biết quý I, doanh thu ước đạt 2.500 tỷ đồng, tương đương cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ là 45 tỷ đồng, giảm so với mức 77 tỷ đồng cùng kỳ. Tuy nhiên, nếu bóc tách ra, trong 77 tỷ đồng năm trước có lợi nhuận từ chuyển nhượng tài sản của Bibica (BBC). Do đó, về bản chất, lợi nhuận quý I/2023 tăng 17% so với cùng kỳ năm ngoái.
Cơ sở nào để Sao Ta kỳ vọng lợi nhuận tăng trưởng tốt dù doanh thu tăng không nhiều?
Thành viên HĐQT Sao Ta cho biết, kế hoạch 2023 của công ty là doanh thu tăng 10% lên 5.900 tỷ, lợi nhuận tăng hơn 20% lên 400 tỷ. Có hai lý do. Thứ nhất năm ngoái Sao Ta đã mua lại 203 ha vùng nuôi của công ty Vĩnh Thuận, nâng tổng diện tích lên 550 ha. Hiện công ty đang triển khai ao nuôi, dự kiến quý II sẽ hoàn tất hạ tầng và đưa vùng nuôi hoạt động vào quý III. Lúc đó số vùng nuôi của Sao Ta sẽ có 600 ao nuôi.
Với vùng nuôi lớn, Sao Ta có thể ra được sản phẩm tiếp cận được với những thị trường khó tính cần truy xuất nguồn gốc rõ ràng. Cuối năm 2021 và năm 2022, Sao Ta đã xây dựng thêm nhiều nhà máy, cơ sở sản xuất mới cho phép công ty tổ chức sản xuất chuyên môn hơn, từ đó giúp tiết kiệm chi phí.
Triển vọng của ngành thủy sản năm 2023?
Thông thường, mảng thuỷ sản đóng góp trên 50% doanh thu và 40% lợi nhuận cho PAN. Thuỷ sản có hai mảng là tôm và cá tra. Đối với mảng tôm, lợi nhuận dự kiến tăng 20%, nhưng cục diện ngành cá tra khó khăn hơn với lợi nhuận dự kiến giảm 10%. Tuy nhiên, quy mô mảng tôm của Sao Ta lớn hơn nhiều so với cá tra.
Ban lãnh đạo PAN nói thêm, hiện nhu cầu tiêu thụ cá tra đang giảm. Vĩnh Hoàn (Mã: VHC), đơn vị xuất khẩu cá tra top 1 Việt Nam còn đặt kế hoạch chỉ bằng 50% năm ngoái, điều này cho thấy thị trường sẽ khó khăn như thế nào.
Riêng đối với Sao Ta, công ty sẽ tập trung vào chế biến sâu nhiều hơn và kết quả cho thấy đến hiện tại doanh thu và lợi nhuận vẫn tăng trưởng.
Nhìn về dài hạn, đại diện PAN khẳng định "Ngành thủy sản nói chung dư địa tăng trưởng vẫn còn rất nhiều, mấu chốt là chỉ cần đầu tư đúng".
Công ty có dự định thay đổi phân khúc khách hàng của Bibica lên cao cấp không?
Năm 2022, Bibica ghi nhận kết quả kinh doanh tốt, phục hồi. Đối với năm 2023, sau khi phát triển tương đối rộng, công ty sẽ chú trọng phát triển theo chiều sâu các nhãn hàng, trong đó tập trung vào 3 nhãn hàng bánh, 3 nhãn hàng kẹo. Công ty sẽ có nhiều hoạt động marketing hơn trong năm nay để tăng độ nhận diện thương hiệu.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/