OPEC+ mắc kẹt trong cơn bão lạm phát do chính mình góp sức tạo nên
Theo hãng tin Bloomberg, để hiểu được khó khăn mà liên minh dầu mỏ OPEC+ đang phải đối mặt, ta có thể bắt đầu bằng việc ghé thăm một cửa hàng IKEA.
Một thập kỷ trước, nếu gã khổng lồ đồ nội thất Thụy Điển chấp nhận thanh toán bằng dầu thô, OPEC+ đã có thể trang bị gần hai tủ sách cho phòng hội nghị tại Vienna chỉ với một thùng dầu thô. Tuy nhiên, hiện nay, OPEC+ không thể mua nổi một chiếc tủ sách.
Giá dầu thô không chỉ giảm 25% so với cuối năm ngoái xuống 75 USD/thùng, mà khi so với các loại hàng hóa khác, "vàng đen" còn trở nên rẻ hơn.
Trong cuộc chạy đua chống lại lạm phát, OPEC+ đang thua cuộc. Tuy nhiên, OPEC+ cũng là một đồng phạm khiến cho giá cả trở nên đắt đỏ hơn. Giờ đây, tổ chức do Arab Saudi và Nga dẫn dắt đang nhận thấy rằng sức mua của một thùng dầu không theo kịp với đà tăng giá cả toàn cầu.
Các nhà sản xuất hàng hóa phải luôn phải chiến đấu với lạm phát. Giả thuyết Prebisch-Singer nói rằng trong dài hạn, giá của hàng hóa sơ cấp, chẳng hạn như dầu mỏ, kim loại, sẽ giảm so với giá của hàng hóa chế tạo. Cho dù các nhà sản xuất hàng hóa sơ cấp nâng giá đến mức nào, chi phí của mọi thứ khác cuối cùng cũng sẽ tăng nhanh hơn.
Đó là lý do tại sao hai nhà kinh tế học Raul Prebisch và Hans Singer lập luận rằng các nước sản xuất hàng hóa sơ cấp phải đa dạng hóa nền kinh tế, công nghiệp hóa nếu muốn có một tương lai tốt đẹp hơn.
Tất nhiên, trong ngắn hạn, giá hàng hóa sơ cấp có thể vượt xa giá hàng hóa sản xuất, giúp cải thiện điều kiện thương mại của những quốc gia giàu tài nguyên thiên nhiên.
Trong phần lớn giai đoạn đầu của thập niên 2000, hàng hóa sơ cấp đã chiếm ưu thế. Vào năm 2010, ông Glenn Stevens, khi đó là Thống đốc của Ngân hàng trung ương Australia đã giải thích tại sao Australia, một quốc gia giàu khoáng sản, khí đốt và ngũ cốc, lại đang hưởng lợi.
“5 năm trước, một chuyến tàu chở quặng sắt có giá trị tương đương khoảng 2.200 chiếc tivi màn hình phẳng. Ngày nay, chuyến tàu này có giá tương đương 22.000 chiếc tivi màn hình phẳng”, ông nói.
Ông Stevens đưa ra phát biểu trên vào thời điểm đỉnh cao của siêu chu kỳ hàng hóa, khi giá quặng sắt, dầu mỏ, đồng và những tài nguyên thiên nhiên khác nhảy vọt do nhu cầu khổng lồ của Trung Quốc.
Giá hàng hóa không theo kịp lạm phát
Hiện nay, giá hàng hóa sơ cấp vẫn ở mức cao kỷ lục, nhưng đã không theo kịp với lạm phát toàn cầu. Thay vì sử dụng TV màn hình phẳng, vốn phụ thuộc vào sự tiến bộ công nghệ và có giá cả biến động mạnh, Bloomberg tìm tới một thước đo khác: tủ sách “Billy” của IKEA.
Được sản xuất từ năm 1979, tủ sách này hiện xuất hiện ở khắp mọi nơi và cũng như có đầy đủ dữ liệu giá cả từ 44 năm trước. Đỉnh điểm vào năm 2012, một thùng dầu mua được gần hai tủ sách “Billy”. Tuy nhiên, đến năm 2023, một thùng không mua nổi một tủ sách. Như vậy, tại cửa hàng IKEA, một thùng dầu của năm 2023 bằng với năm 2005.
Để có lại sức mua như một thập kỷ trước, OPEC+ sẽ phải nâng giá dầu trung bình lên 155 USD/thùng - gấp hơn hai lần hiện nay. Trở lại năm 2013, khi giá dầu trung bình khoảng 108 USD/thùng, tủ sách “Billy” có giá 395 krona Thụy Điển (SEK). Ngày nay, tủ sách này có giá gần gấp đôi: 799 SEK.
Tại các quốc gia OPEC+, nơi nhập khẩu phần lớn hàng hóa chế tạo, lạm phát đã trở thành một vấn đề lớn. Khi được điều chỉnh theo lạm phát, mức giá 75 USD/thùng dầu của năm 2023 có sức mua chỉ tương đương với mức giá 55 USD/thùng vào một thập kỷ trước. Tại thời điểm 10 năm trước, giá dầu danh nghĩa đã trên 100 USD/thùng.
OPEC+ tất nhiên không phải lý do duy nhất khiến lạm phát tăng cao. Còn nhiều nguyên nhân khác, chẳng hạn như sự chậm trễ của các ngân hàng trung ương trong hoạch định chính sách, tác động của COVID đến chuỗi cung ứng, xung đột Ukraine và các lệnh trừng phạt của Mỹ - châu Âu lên Nga, đã cùng kéo giá cả lên cao hơn.
Hàng hóa của OPEC+ đang mất dần sức mua. Giai đoạn từ năm 2000-2020, liên minh này đã giành lợi thế. Nhưng trong thập kỷ tới, câu chuyện có thể sẽ ngược lại.