Ông Trump được đề cử giải Nobel Hòa bình lần 3
Trên mạng xã hội Facebook, ông Jaak Madison - thành viên của đảng dân túy cánh hữu EKRE (Estonia) kiêm thành viên Nghị viện châu Âu, cho biết ông đã đề cử ông Trump cho giải Nobel Hòa bình vì những đóng góp của cựu Tổng thống Mỹ tại Trung Đông.
Năm 2020, Israel và UAE đã đạt được thỏa thuận lịch sử nhằm bình thường hóa quan hệ song phương. Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump được cho là góp công lớn trong thỏa thuận này khi còn đương chức.
"Ông Donald Trump là tổng thống đầu tiên của nước Mỹ trong 30 năm qua không phát động bất kỳ cuộc chiến nào", ông Madison đăng tải trên Facebook cùng đơn đề cử của mình.
"Ngoài ra, dưới sự lãnh đạo của ông Trump, các nước Trung Đông còn tiến tới ký kết nhiều thỏa thuận hòa bình, góp phần đảm bảo ổn định và hòa bình trong khu vực", ông Madison tiếp tục.
Euronews dẫn lời vị chính trị gia châu Âu xác nhận, đề cử của ông được gửi "đúng hai giờ" trước hạn chót 31/1 của Ủy ban Nobel Na Uy.
"Chắc chắn không chỉ mình tôi đề cử cựu Tổng thống Trump, nhưng càng nhiều đề cử thì tỷ lệ thắng giải của ông Trump càng cao. Hãy chờ đợi xem ai chiến thắng giải Nobel Hòa bình năm 2021", ông Madison cho hay.
Đây không phải lần đầu tiên cựu Tổng thống Mỹ được đề cử cho giải thưởng danh giá trên. Tháng 9 năm ngoái, ông Christian Tybring-Gjedde - chính trị gia phe cực hữu người Na Uy, cũng đệ trình tên ông Trump lên Ủy ban Nobel Na Uy.
Ông Tybring-Gjedde cho rằng ông Trump xứng đáng cho giải thưởng cao quý sau "thỏa thuận hòa bình mang tính lịch sử" giữa UAE và Israel. Bên cạnh đó, nhà lập pháp này còn ca ngợi ông Trump đã giúp đỡ giải quyết các cuộc xung đột kéo dài trên toàn cầu cũng như có "những nỗ lực to lớn" trong việc gìn giữ hòa bình thế giới.
Chia sẻ với Fox News, ông Tybring-Gjedde cho hay: "Xét công lao của Tổng thống Trump, tôi cho rằng ông Trump đã cố gắng thúc đẩy hòa bình giữa các nước tích cực hơn các ứng viên cho giải Nobel Hòa bình còn lại".
Trước đó không lâu, 4 giáo sư luật tại Australia cũng đề cử ông Trump cho danh hiệu cao quý, nhấn mạnh công lao của vị cựu tổng thống Đảng Cộng hòa trong thỏa thuận giữa Israel và UAE.
"Ông Trump đàm phán trực tiếp với UAE và Israel, từ đó giúp hai nước Trung Đông xích lại gần nhau..", ông David Flint - một trong 4 vị giáo sư người Australia, khẳng định. 4 học giả còn đề cập đến một khái niệm gọi là Học thuyết Trump.
"Thông qua Học thuyết Trump, ông ấy quyết định Mỹ sẽ không còn tham gia vào các cuộc chiến tranh bất tận, những cuộc chiến không mang lại thành quả gì ngoài việc giết chết hàng nghìn thanh niên Mỹ", ông Flint nhấn mạnh.
"Ông Trump tạo ra hòa bình trên khắp thế giới theo cách mà chưa người tiềm nhiệm nào từng làm được, và ông hoàn toàn xứng đáng cho giải Nobel Hòa Bình", học giả Flint kết luận.
Người tiền nhiệm của ông Trump, cựu Tổng thống Barack Obama đã nhận được giải Nobel Hòa bình chỉ vài tháng sau khi nhậm chức vào năm 2009.
Bất kỳ ai đáp ứng tiêu chí của Quỹ Nobel đều có thể đệ trình đề cử cho giải Nobel Hòa bình. Tên của người được đề cử và các thông tin khác liên quan đến đề cử có thể được giữ kín trong 50 năm.
Theo quy chế của Quỹ Nobel, một đề cử được coi là hợp lệ nếu người đề cử đáp ứng một trong các tiêu chí sau:
- Thành viên quốc hội và chính phủ, cũng như nguyên thủ quốc gia đương nhiệm tại Tòa án Công lý Quốc tế và Tòa án Trọng tài Thường trực ở The Hague (Hà Lan);
- Thành viên của Viện Luật pháp Quốc tế (Institut de Droit International);
- Thành viên của hội đồng quốc tế thuộc Liên đoàn Quốc tế Phụ nữ vì Hòa bình và Tự do;
- Giáo sư đại học, cựu giáo sư (Emeritus Professor do hội đồng khoa bảng của đại học quyết định trao tặng) và phó giáo sư về lịch sử, khoa học xã hội, luật, triết học, thần học và tôn giáo; hiệu trưởng và giám đốc trường đại học (hoặc chức vụ tương đương); giám đốc viện nghiên cứu hòa bình và viện chính sách đối ngoại;
- Người từng được trao giải Nobel Hòa Bình;
- Thành viên ban giám đốc hoặc tương đương của các tổ chức từng được trao giải Nobel Hòa bình;
- Cựu quan chức và quan chức hiện tại của Ủy ban Nobel Na Uy;
- Cựu cố vấn của Ủy ban Nobel Na Uy.
Ủy ban Nobel Na Uy chịu trách nhiệm lựa chọn các ứng viên đủ điều kiện và quyết định người đoạt giải. Ủy ban này gồm 5 thành viên do Storting (Quốc hội Na Uy) chỉ định. Giải Nobel Hòa bình được trao ở thành phố Oslo, Na Uy thay vì tại thành phố Stockholm, Thụy Điển như các giải Nobel Vật lý, Hóa học, Sinh lý, Y học, Văn học và Kinh tế.
Bắt đầu từ tháng 9 hàng năm, Ủy ban Nobel Na Uy sẽ chuẩn bị nhận đề cử. Hạn chót là đầu tháng 2 năm sau. Tiếp đến, trong giai đoạn tháng 2 - 3, ủy ban sẽ sàng lọc và rút ngắn danh sách. Trong giai đoạn tháng 3 - 8, ban cố vấn sẽ đánh giá đề cử. Người đoạt giải Nobel Hòa bình sẽ được quyết định vào tháng 10 và nhận giải vào tháng 12.