|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Ông Nguyễn Duy Hưng: 'Khó khăn nhất là đầu tư vào nông nghiệp, chậm nhất cũng là đầu tư vào nông nghiệp'

15:27 | 19/06/2020
Chia sẻ
Sản xuất nông nghiệp trong năm nay dự kiến gặp nhiều thách thức do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 tác động lên toàn thị trường, nhưng Chủ tịch The PAN Group - Nguyễn Duy Hưng vẫn tự tin việc hoàn thành kế hoạch đề ra do đã tính toán cẩn thận, kĩ lưỡng.

Chủ tịch lí giải nguyên nhân từ không chia cổ tức thành trả cổ tức tiền mặt

Ông Nguyễn Duy Hưng: 'Khó khăn nhất là đầu tư vào nông nghiệp, chậm nhất cũng là đầu tư vào nông nghiệp' - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Duy Hưng - Chủ tịch The PAN Group

Chiều 18/6, CTCP Tập đoàn PAN (The PAN Group) tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên 2020 tại trung tâm R&D PAN Farm, xã Cổ Đông, TX Sơn Tây, Hà Nội. Cuộc họp năm nay tổ chức theo hình thức trực tuyến kết nối với đầu cầu tại TP HCM.

Trước thềm đại hội, cổ đông lớn Sojitz đặt vấn đề có nên chia cổ tức bằng tiền trong năm 2020 (tờ trình trước đó đề xuất không chia để công ty có nguồn lực ứng phó COVID-19). Chủ tịch HĐQT Nguyễn Duy Hưng cho rằng đây là đề nghị chính đáng, bản thân ông và các tổ chức liên quan là cổ đông lớn nhất cũng mong muốn điều này. 

Tuy nhiên, việc chia cổ tức tiền mặt có thể giảm năng lực tài chính của The PAN Group, làm giảm các cơ hội M&A (Mua bán sáp nhập) trong bối cảnh một năm khó khăn với ngành nông nghiệp do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. 

Nhưng ông Hưng nói rằng, tài chính có thể vay mượn, huy động thêm, còn cổ tức là của các cổ đông, nếu cổ đông đồng thuận sẽ chia. “Chúng ta có thể mất đi một vài cơ hội, chuyện nhỏ, cơ hội lúc nào chẳng có”. 

Do đó, ban lãnh đạo đã tiến hành thay đổi tờ trình phân phối lợi nhuận trong năm 2020 từ không chia cổ tức sang chia tiền mặt tỉ lệ từ 5 - 10%. HĐQT đề nghị được ĐHĐCĐ ủy quyền phê duyệt mức chi trả và thời gian thực hiện. 

Năm 2019, The PAN Group không chia cổ tức do chưa hoàn thành kế hoạch kinh doanh đề ra. Cụ thể doanh thu hợp nhất 7.813 tỉ đồng và lợi nhuận sau thuế 452 tỉ đồng, tương ứng 74% và 80%. 

Ông Nguyễn Duy Hưng nói rằng, ban điều hành thừa nhận việc không đạt mục tiêu, không lí giải. Nhưng ông nói thêm, hoạt động kinh doanh trực tiếp của The PAN Group vẫn tăng trưởng 17%. Một phần chỉ tiêu kinh doanh không như tính toán là do chưa kịp hợp nhất công ty CP Khử trùng Việt Nam (VFC).  

Nền tảng của The PAN Group

Sau 3 - 4 năm huy động vốn và xây dựng, ông Nguyễn Duy Hưng cho rằng The PAN Group đã có đủ cơ sở để phát triển mô hình Farm - Food - Family. 

Trong đó mảng Farm với nền tảng là Vinaseed, VFC, PAN Hulic. Mảng Food với hạt nhân là Bibica, một thương hiệu bánh kẹo nội địa. Ông cho biết, hiện nay The PAN Group đã đạt được thỏa thuận với Lotte nhận chuyển nhượng lại 100% cổ phần. Do COVID-19 mà giao dịch này phải lùi lại, nhưng dự kiến sẽ hoàn thành trong 2 - 3 tháng nữa. Sau khi hoàn tất mua lại Bibica, công ty sẽ cho sáp nhật PAN Food và Bibica làm một. 

Trong năm vừa rồi, công ty cho ra đời PAN Phân phối (PAN CG) và lập tức có lãi. 

Trong sản xuất nông sản xuất khẩu, Lafooco từ lỗ rất nặng đến nay đã có lợi nhuận đáng kể. Công ty này đã dừng toàn bộ hoạt động kinh doanh nhân điều sang kinh doanh giá trị gia tăng, đơn đặt hàng ngày càng nhiều nhưng hạn chế là qui mô không lớn. 

Thời gian gần đây, The PAN Group bắt tay tập đoàn Sojitz đưa hạt điều sang nhật. Trong tương lai, Lafooco có thể mở rộng sang xuất khẩu hoa quả sấy, và cà phê với SHIN. 

Các thành viên khác trong hệ sinh thái The PAN Group như CTCP XNK Thủy sản Bến Tre (ABT) muốn tăng cường áp dụng công nghệ vào sản xuất, hay Nước mắm 584 sẽ xây nhà máy vào cuối tháng này… cũng được Chủ tịch Nguyễn Duy Hưng tiết lộ. 

Ông Hưng nói nhiều về tiềm năng xuất khẩu nông sản vào thị trường Nhật Bản - sân nhà của cổ đông chiến lược Sojitz; nhưng vấn đề là làm sao có thể tổ chức nguồn nguyên liệu có thể truy dẫn được. Fimex - thành viên chuyên sản xuất tôm của The PAN Group đang có kế hoạch lập công ty xuất khẩu nông sản sang thị trường Nhật và bán nội địa. 

Nói về ngành tôm, năm vừa rồi và cả năm nay toàn thị trường gặp khó khăn nhưng theo ông Hưng Fimex có cơ hội để vươn lên. Fimex tập trung vào thị trường đắt tiền vốn ít bị ảnh hưởng hơn, năm nay công ty vẫn đặt mục tiêu tăng trưởng 7% và ban lãnh đạo công ty này hoàn toàn tự tin có thể đặt được. 

Trong ba năm tới, Fimex có ý tưởng hướng đến cạnh tranh tại thị trường Mỹ, hiện nay công ty tập trung chủ yếu tại Châu Âu và Nhật Bản. 

"Khó khăn nhất là đầu tư vào nông nghiệp, chậm nhất cũng là đầu tư vào nông nghiệp"

Khi được hỏi về việc tại sao The PAN Group huy động vốn nhiều mà kết quả kinh doanh vẫn chưa cải thiện, ông Hưng nói rằng: “Khó khăn nhất là đầu tư vào nông nghiệp, chậm nhất cũng là đầu tư vào nông nghiệp. Một năm với công ty nông nghiệp trôi qua rất nhanh, thậm chí được một vụ mất một vụ”.

Nhưng Chủ tịch The PAN Group lưu ý phải nhìn vào những gì mà công ty đã đạt được, vị trí số một ngành giống, sở hữu gần 50% công ty cung cấp vật tư nông nghiệp top đầu phía Nam. 

Ông Hưng nói rằng để một doanh nghiệp khác muốn sở hữu một nền tảng như vậy sẽ phải mất rất nhiều tiền. Vấn đề là làm sao tận dụng được lợi thế hiện có để đem về hiệu quả kinh doanh, mang lại cổ tức cho cổ đông.

Cổ tức cũng sẽ là vấn đề năm nay The PAN Group gây áp lực mạnh với các công ty thành viên. Những năm trước, chủ trương của tập đoàn là để dành nguồn lực đầu tư, nhưng khi đầu tư đã xong, phần lãi dư sẽ được chia về công ty mẹ. 

 Nhận định về triển vọng kinh doanh trong nửa cuối năm 2020 vẫn là khó khăn, nhất là với ngành nông nghiệp, ông Nguyễn Duy Hưng vẫn nghĩ rằng The PAN Group sẽ hoàn thành kế hoạch kinh doanh. Một phần do việc xây dựng chỉ tiêu đã chặt chẽ hơn. 

Tại đại hội năm nay, cổ đông The PAN Group thông qua một số vấn đề chú ý khác bao gồm việc thay đổi tổ chức quản lí, miễn nhiệm các thành viên Ban kiểm soát thay bằng Tiểu ban Kiểm toán nội bộ trực thuộc HĐQT. 

Thay thế một thành viên HĐQT nhiệm kì 2018 - 2022 là ông Miyabe Toshiaki bằng ông Manabu Ueda theo đề cử của cổ đông Sojitz. 

Đông A

Đại biểu đề nghị lùi thời gian tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia, rượu thêm một năm
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng nên ban hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt vào năm tới nhưng thời gian áp dụng thì lùi lại một năm để cả người tiêu dùng và doanh nghiệp có thời gian chuyển đổi hành vi, chuyển đổi sản xuất.