|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

PAN Group đặt mục tiêu doanh thu vượt 10.000 tỷ đồng

16:06 | 06/04/2021
Chia sẻ
Năm 2021, với tình hình dịch bệnh được kiểm soát, các mảng kinh doanh của PAN Group được dự báo sẽ có phục hồi, tuy nhiên mức độ phục hồi sẽ khác nhau theo từng mảng.
PAN Group đặt mục tiêu doanh thu vượt 10.000 tỷ đồng - Ảnh 1.

Công nhân làm việc trong một nhà máy của PAN Group. (Ảnh: PAN).

CTCP Tập đoàn PAN (PAN Group, mã: PAN) công bố tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên 2021. Trong đó, đề ra kế hoạch đạt 10.025 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 20% so với thực hiện 2020. 

Lợi nhuận trước thuế, lợi nhuận sau thuế và lãi ròng lần lượt dự kiến đạt 495 tỷ đồng, 419 tỷ đồng và 224 tỷ đồng, tương ứng với mức tăng 25%, 26% và 19% so với thực hiện năm ngoái.

Nếu đạt kế hoạch này, PAN Group dự kiến sẽ chi trả cổ tức cho cổ đông với tỷ lệ 5%. Trong đó, chưa rõ bao nhiêu phần trăm là tiền mặt và bao nhiêu là cổ phiếu.

Công ty dự kiến cũng sẽ trích lập quỹ khen thưởng, quỹ phúc lợi từ 3% đến 5% lợi nhuận sau thuế công ty mẹ. Chi trả kinh phí hoạt động, thù lao cho Hội đồng quản trị (HĐQT) và ban kiểm soát 2 tỷ đồng.

PAN Group đặt mục tiêu doanh thu vượt 10.000 tỷ đồng - Ảnh 2.

Kế hoạch kinh doanh năm 2021 của PAN Group. (Nguồn: PAN).

Năm 2021, lãnh đạo PAN Group nhận định khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát, các mảng kinh doanh của PAN được dự báo sẽ có phục hồi, tuy nhiên mức độ phục hồi sẽ khác nhau theo từng mảng.

Mảng giống cây trồng, lương thực (Vinaseed) và thực phẩm, tiêu dùng (BBC, LAF) dự kiến sẽ có sự phục hồi tốt. Trong khi đó, mảng xuất khẩu thủy sản (FMC, ABT) có tăng trưởng so với 2020 nhưng vẫn chịu một phần ảnh hưởng từ các chi phí logistics, xuất nhập khẩu tăng cao trong giai đoạn nửa đầu năm 2021.

Trước đó năm 2020, doanh nghiệp đạt 8.329 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 6,6% so với thực hiện 2019. Động lực tăng trưởng chính cho phần doanh thu này đến từ các mảng xuất khẩu tôm và mảng nông nghiệp.

Về phía lợi nhuận, do ảnh hưởng từ dịch bệnh, kết quả kinh doanh toàn tập đoàn đã sụt giảm trong quý II và quý III/2020, mặc dù có sự phục hồi trong quý IV/2020 nên tính chung cả năm lãi sau thuế của PAN Group ghi nhận giảm 26,3% xuống 333 tỷ đồng.

Lãnh đạo PAN Group nhận định năm 2020, mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch, song tập đoàn vẫn hoàn thành kế hoạch đặt ra. Mặt khác, năm 2020, PAN Group cũng tiến sát đến mục tiêu hợp nhất CTCP Khử trùng Việt Nam (mã: VFG) vào tập đoàn với việc nâng lượng sở hữu lên đến 47,97%.

Cụ thể, tháng 10/2020, PAN Group đã chính thức chào mua công khai để tăng tỷ lệ sở hữu taiaj VFC. Kết quả, tháng 11/2020, tập đoàn đã chào mua thành công 2,1 triệu cổ phần VFC, nâng tỷ lệ sở hữu lên 47,97% vốn điều lệ doanh nghiệp này.

Hiện VFC đang chiếm 7% thị phần nông dược, đứng thứ 2 tại Việt Nam với doanh thu 2.300 tỷ đồng. Công ty cũng chiếm 60% thị phần thuốc khử trùng dùng cho xuất khẩu nông sản, mang về doanh thu xấp xỉ 300 tỷ mỗi năm.

VFC đang sở hữu hệ thống phân phối gồm 16 chi nhánh và 2.500 đại lý trên khắp cả nước. Lãnh đạo PAN Group nhận định VFC là một mắt xích rất quan trọng trong chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp mà tập đoàn đang xây dựng và hoàn thiện.

Ngoài ra, năm 2020, PAN Group cũng đã tiến hành tăng vốn tại CTCP Thực phẩm Sao Ta. Cụ thể, sau khi thực hiện tăng vốn thông qua hình thức bán ưu đãi cho cổ đônhg hiện hữu với tỷ lệ 5:1, giá bán 25.000 đồng/cp, PAN đã gia tăng khoản đầu tư tại Sao Ta lên khoảng 160 tỷ đồng.

Với kết quả đạt được trong năm qua, lãnh đạo PAN Group đã trình ĐHĐCĐ lần này thông qua phương án chi trả cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 5%, tức mỗi cổ đông sở hữu một cổ phiếu PAN sẽ nhận về 500 đồng/cp. Ngoài ra, công ty cũng dự kiến trích quỹ phúc lợi cho người lao động với tỷ lệ 2% lãi ròng 2020, tương ứng 2,23 tỷ đồng.

Kết thúc phiên giao dịch ngày 6/4, cổ phiếu mã PAN của PAN Group dừng ở 28.800 đồng/cp, giảm 19,7% so với đầu năm.

PAN Group đặt mục tiêu doanh thu vượt 10.000 tỷ đồng - Ảnh 3.

Diễn biến giá cổ phiếu PAN. (Nguồn: TradingView).

 

Thiên Trường