|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Ông lớn ngành bia sẽ đi về đâu trong năm 2021?

19:21 | 14/01/2021
Chia sẻ
Dự báo doanh thu năm 2021 của Sabeco sẽ phục hồi 22,1% so với mức thấp của năm 2020, theo Chứng khoán SSI.

Lợi nhuận Sabeco ước đạt 5.400 tỷ đồng trong năm 2020

CTCP Chứng khoán SSI vừa ra báo cáo về thị trường bia tại Việt Nam trong năm 2021, với nhận định rằng thị trường này sẽ tiếp tục đà phục hồi trong thời gian tới, song chỉ phục hồi hoàn toàn vào năm 2022.

Cụ thể, theo SSI ngành bia là một ngành rất nhạy cảm với đại dịch. Năm 2020, kênh phân phối tiêu dùng tại chỗ - kênh chiếm khoảng 70% tổng lượng bia tiêu thụ tại Việt Nam theo Euromonitor, đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng do các biện pháp giãn cách xã hội.

Trong năm 2021, SSI nhận định thị trường bia sẽ tiếp tục đà phục hồi, song phải đến năm 2022 nhu cầu tiêu thụ bia mới có thể phục hồi hoàn toàn như thời điểm trước dịch COVID-19.

Trong đó, ông lớn ngành bia là Tổng CTCP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco, Mã: SAB), được dự báo doanh thu năm 2021 sẽ phục hồi 22,1% so với mức thấp nhất năm 2020, với giá bán trung bình tăng 2% do sự thay đổi trong cơ cấu sản phẩm.

Lợi nhuận sau thuế của SAB ước đạt 5,4 nghìn tỷ đồng, tăng 19,4% so với năm 2020. Mặc dù doanh thu năm 2021 có thể thấp hơn năm 2019, song lãi sau thuế có khả năng vượt năm 2019 do tỷ suất lợi nhuận gộp cải thiện.

Về tỷ lệ chi phí bán hàng trên doanh thu của SAB được dự báo sẽ lần lượt đạt mức 11% và 10,5% cho năm 2020 và 2021, cao hơn mức trong quá khứ 7,6% -9,9% trong giai đoạn 2015-2019.

Trong khi chi phí cho kênh tiêu dùng tài chỗ có thể giảm trong giai đoạn hậu COVID-19, chứng khoán SSI nhận định ông lớn ngành bia sẽ có khả năng tăng chi phí để phát triển sự hiện diện trong kênh thương mại hiện đại, nơi các đối thủ đã cạnh tranh rất mạnh.

Năm 2022, dự báo tăng trưởng doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế của SAB lần lượt là 8,2% và 14,3% so với năm 2021.

Đồ uống lên men từ trái cây trở nên phổ biến hơn

Trong năm 2021, Chứng khoán SSI nhận định xu hướng phát triển sản phẩm vẫn là yếu tố cạnh tranh quyết định đối với các hãng trong ngành. Người tiêu dùng luôn muốn thử các sản phẩm mới, đặc biệt là những người trẻ, nên việc ra mắt sản phẩm mới thành công sẽ rất quan trọng đối với các nhà sản xuất bia để đạt mức tăng trưởng cao hơn toàn ngành.

Trong dài hạn, theo SSI loại đồ uống lên men từ trái cây (cider/perry) ước tính ngày càng trở nên phổ biến hơn mặc dù giá cao, với tỷ lệ CAGR về sản lượng tiêu thụ ước tính là 8% trong giai đoạn 2019-2024, cao hơn bia, rượu mạnh hoặc rượu vang, theo ước tính của Euromonitor.

Trước đó trong năm 2020, bất chấp đại dịch, các thương hiệu bia vẫn tích cực tung ra một số sản phẩm mới. Đơn cử, Heineken giới thiệu Heineken 0.0 tại thị trường Việt Nam, như một phản ứng nhanh đối với Nghị định 100. 

Các công ty bia đã đẩy mạnh sự hiện diện ở tất cả các phân khúc: SAB xuất hiện ở phân khúc cận cao cấp với Saigon Chill vào tháng 10/2020 và Lạc Việt ở phân khúc tiết kiệm, vào tháng 6/2020. Trong khi Đại Việt được Heineken giới thiệu vào tháng 4 để cạnh tranh ở phân khúc giá rẻ hơn.

Ngoài ra theo SSI trong năm 2021 các kênh phân phối mua về nhà cũng dần trở nên quan trọng hơn. Do đó, các công ty bia sẽ bắt đầu tập trung hơn vào kênh này và kênh thương mại hiện đại. Theo đại diện của Sabeco, trong thời gian tới công ty sẽ tiến xa hơn vào kênh thương mại hiện đại.

Về Nghị định 100, theo Công ty Chứng khoán SSI, tác động của nó sẽ giảm dần khi người tiêu dùng bắt đầu tự giác chấp hành các quy định vì sự an toàn của chính họ. Do đó, trong thời gian tới, nghị định này không phải là một yếu tố quan trọng ảnh hưởng tới diễn biến tại thị trường bia ở Việt Nam.

Thiên Trường