|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Ofo - bài học cho thị trường chia sẻ

16:15 | 16/01/2019
Chia sẻ
Trong ngành công nghiệp, sự tăng trưởng chậm lại dẫn đến thời kỳ khó khăn, nhưng đối với ngành công nghệ thì việc thị trường tăng trưởng chậm lại có thể dẫn đến những hậu quả khó lường và Ofo có thể là một ví dụ điển hình cho điều này.
ofo bai hoc cho thi truong chia se Từ hoàng kim cho đến ‘bờ vực’ phá sản của Ofo - startup chia sẻ xe đạp tỉ USD được Alibaba hậu thuẫn
ofo bai hoc cho thi truong chia se

Ofo đang gặp khó khăn và có thể sẽ rất khó để quay trở lại thời hoàng kim của mình. Ảnh: Reuters

Bản chất của công nghệ là sự bành trướng, thậm chí là vượt biên, là toàn cầu hóa. Ofo, công ty ứng dụng chia sẻ xe đạp đi tiên phong rất nổi tiếng tại Trung Quốc, đã đi theo con đường này và như một hậu quả tất yếu khi không thể bành trướng thì viễn cảnh trước mắt của nó là sự phân rã, phá sản. Điều này đang gióng lên một hồi chuông cho các nhà kinh tế rằng thị trường có quy luật của nó, và công nghệ chỉ là tác nhân làm cho thị trường nảy nở, là một thứ men làm cho bột nở chứ không thể thay thế bột trong chiếc bánh.

Những cuộc chiến giành thị phần tốn kém

Cách nay không lâu, thị trường chia sẻ xe đạp được coi là một mảnh đất béo bở và Trung Quốc, vốn được coi là môi trường thử nghiệm công nghệ tốt nhất đã nhanh chóng phát triển lĩnh vực kinh tế chia sẻ này như một giải pháp di chuyển phổ thông tại các nước đang phát triển. Ofo được coi là một công ty chia sẻ xe đạp đi tiên phong tại thị trường đông dân nhất thế giới này và có khi giá trị doanh nghiệp của nó đã đến mức 2 tỉ đô la Mỹ. Đây là một phần thưởng quá lớn cho những người mạo hiểm. Nhưng nay thì tình trạng Ofo hoàn toàn khác.

Hàng triệu người sử dụng Ofo đang xếp hàng đòi lại khoản tiền ký gửi của họ và người sáng lập công ty thừa nhận đang xem xét khả năng phá sản. Hoàn cảnh của Ofo đưa ra một lời cảnh báo nghiêm khắc cho các công ty công nghệ Trung Quốc, những người đã đầu tư hàng rất nhiều vào lĩnh vực cho thuê hay chia sẻ xe đạp và mang giao thức ăn. Cách nay không lâu, Ofo cũng đã vội vã chạy đua ra thị trường nước ngoài nhằm đè bẹp các đối thủ tại đó, nhưng nay thì bị thúc thủ ngay trong sân nhà.

Ofo từng là một hiện tượng, thậm chí là một biểu tượng của sự trẻ trung. Những chiếc xe đạp của Ofo cùng với đối thủ chính của nó là Mobike có thể được nhìn thấy ở mọi góc phố với số lượng đông đến kinh ngạc. Các chương trình quảng cáo rầm rộ của Ofo có sự góp mặt của các ngôi sao nhạc pop và những thanh niên sành điệu đạp xe quanh các khu vực sầm uất nhất của các thị trấn.

Trên thực tế, sự nổi lên nhanh chóng của Ofo đã tạo nên một làn sóng đầu tư, và rồi hàng chục đối thủ nhỏ hơn cũng xuất hiện trước khi rời khỏi cuộc chơi, để lại thị trường cho ba người chơi chính là Ofo và Hellobike được hậu thuẫn bởi Alibaba, và Mobike được tài trợ bởi Tencent. Những cuộc chiến tốn kém để giành thị phần đã diễn ra giữa các công ty này.

Ofo và các đối thủ của nó đã phải vật lộn để biến sự nổi tiếng thành lợi nhuận. Hậu quả thật đáng sợ khi Ofo rơi vào tình trạng nguy hiểm vì các khoản nợ phải trả cho các nhà cung cấp phương tiện đã đến hạn và nhu cầu lấy lại tiền gửi của người dùng đã tăng lên. Tình trạng này không chỉ diễn ra ở Ofo mà ở nhiều doanh nghiệp khác. Maxwell Zhou, người sáng lập Công ty Metaapp.cn, vốn là một cựu nhân viên của Mobike, nói: “Tất cả lợi nhuận đều bị ăn mòn bởi sự cạnh tranh”.

Có vẻ như Ofo đã tìm cách thoát ra khỏi thị trường cạnh tranh khắc nghiệt tại quê nhà để đến với các nước tiên tiến hơn, nơi chia sẻ xe đạp mang tính hiếu kỳ thể thao hơn là nhu cầu di chuyển. Mở rộng toàn cầu trở thành một sách lược, và vào lúc cao điểm các đội xe đạp của Ofo xuất hiện tại hơn 20 quốc gia, từ Pháp đến Úc và Mỹ. Tuy nhiên, những người trong công ty cho biết họ đã cố gắng tăng trưởng quá nhanh và thấy mình phải đối mặt với một loạt các rào cản, từ quy định giao thông đến sự phá hoại, và đặc biệt chi phí tăng vọt.

Điều này được một giám đốc công ty xác nhận: “Tất nhiên, có một vấn đề với quản lý vì chúng tôi đã mở rộng quá nhanh”. Vị giám đốc cho biết công ty đã phải rút lui khỏi các thị trường như Israel, Đức và Mỹ, và đã buộc phải bán tài sản, bao gồm một số xe đạp với giá chỉ 2 đô la mỗi chiếc. Tại Nhật Bản, nỗ lực tìm sự hỗ trợ của tập đoàn đầu tư công nghệ SoftBank Group Corp đã không thành công, tệ hại hơn Softbank hậu thuẫn việc Didi Chuxing tiếp quản công ty, tuy rằng Didi vẫn chưa nói gì đến việc mua lại Ofo.

Thảm họa đến từ bẫy tăng trưởng

Trước đây vài năm chẳng mấy ai nghĩ rằng đến lúc nào đó Ofo nằm trong danh sách đen những công ty được cấp tín dụng. Nhưng nay đó là một sự thật phũ phàng. Tại Bắc Kinh, những khách hàng trung thành một thời với Ofo đã xếp hàng trước văn phòng công ty yêu cầu hoàn trả khoản tiền ký gửi để sử dụng dài hạn phương tiện; 12 triệu người khác thì yêu cầu công ty trả nợ trực tuyến.

Trong một bức thư gửi nhân viên một tuần trước lễ Giáng Sinh, Giám đốc điều hành Ofo Dai Wei cho biết công ty đang vật lộn để giải quyết tình trạng thiếu tiền mặt, một phần là do người dùng đòi hoàn lại tiền lại, và phần khác là phải thanh toán cho nhà cung cấp. Vị giám đốc điều hành viết: “Công ty đang chiến đấu với nỗi đau và không một chút hy vọng”.

Hãng tin Reuters cho biết vào ngày 4-12-2018 một tòa án ở Bắc Kinh đã đưa tên Dai Wei vào danh sách đen tín dụng, có nghĩa là từ đây ông bị hạn chế đến các khách sạn ưa thích, đi du lịch hạng nhất, hay gửi con đến trường học đắt tiền. Ngay sau đó Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu Ofo tối ưu hóa thủ tục hoàn trả, nhưng cũng kêu gọi công chúng hãy khoan dung hơn nữa để cho phép việc đổi mới trong nước phát triển mạnh. Và nhiều người cho rằng sẽ rất khó để công ty quay trở lại thời hoàng kim của mình.

Bẫy tăng trưởng rất dễ trở thành thảm họa, đặc biệt đối với các công ty ứng dụng công nghệ mà mục đích chinh phục của nó nhắm đến khống chế các thị trường rộng lớn, thậm chí toàn cầu. Báo cáo của các công ty nghiên cứu thị trường cho biết dịch vụ chia sẻ xe đạp đã hạ thấp mức tăng trưởng từ 600% trong năm trước xuống còn 14,6% trong năm 2018. Tăng trưởng chậm lại dẫn đến tăng mức cạnh tranh.

Trong cuộc cạnh tranh sống còn này hàng chục công ty công nghệ chia sẻ xe đạp tại Trung Quốc đã giải thể, còn lại ba đối thủ chính là Ofo, Mobike và Hellobike, mà cả ba cho đến nay vẫn chưa có đồng xu lợi nhuận nào. Cả ba đều đang phải đốt những khoản tiền lớn, và đòi hỏi nguồn vốn dồi dào. Ofo và Hellobike đều được hỗ trợ bởi Ant Financial Services, công ty tài chính của Tập đoàn Alibaba. Ant Financial sở hữu 36% Hellobike, trong khi vào tháng 3-2018 Ofo cho biết công ty tài chính này đã bảo đảm cấp 866 triệu đô la Mỹ cho vòng góp vốn mới. Trong khi các công ty sống sót phải vật lộn để thích nghi thì những ông chủ phá sản như Wu Shenghua, người sáng lập công ty 3Vbike than thở: “Có vẻ như chia sẻ xe đạp là việc kinh doanh ngu ngốc nhất”.

Ofo đã đến Úc trong sự chào đón nồng nhiệt, và còn được coi là Uber của ngành xe đạp. Nhưng chỉ một năm sau cả Ofo Trung Quốc và Reddy Go bản địa đều tuyên bố chấm dứt hoạt động ngay tại hai thành phố quan trọng nhất là Sydney và Adelaide. Reddy Go gửi tin nhắn đến cho khách hàng rằng họ đang tái cấu trúc công ty, và các thành viên hiện tại có thể chuyển qua bất cứ doanh nghiệp nào nếu không thể chờ đợi quá trình.

Tin nhắn viết: “Chúng tôi rất vui được cung cấp cho bạn và một người bạn một chiếc xe đạp miễn phí (tổng cộng hai chiếc xe đạp) như một dấu hiệu của lòng biết ơn đối với sự trung thành và hỗ trợ của bạn”. Sự kiện này xảy ra chỉ một tháng sau công ty chia sẻ xe đạp Singapore oBike rút lui ra khỏi thành phố Melbourne (Úc) và rồi cũng chấm dứt hoạt động tại Singapore. Đúng là bẫy tăng trưởng đã không chừa một ai. Được sự hỗ trợ hàng tỉ đô la bởi các nhà đầu tư lớn như Alibaba, Ofo cũng như các công ty chia sẻ xe đạp khác tưởng đã tạo nên phong cách mới với việc hình thành những chiếc xe không bến, tạo thành những trận bão quét qua các thành phố.

Những chiếc xe đạp có thể được khóa và mở khóa ở bất cứ đâu thông qua một ứng dụng điện thoại thông minh, điều đó có nghĩa là người dùng không phải đưa chúng trở lại các trạm được chỉ định. Nhưng nay thì mọi chuyện đã khác, và như giáo sư Jeffrey Towson tại Đại học Bắc Kinh nói: “Họ bị đánh bại bởi lòng ham chiến thắng”.

Tìm cách thích nghi hay phá sản

Hellobike cho biết đối thủ lớn hơn của họ là Ofo đã đề xuất việc sáp nhập hai công ty với nhau. Thỏa thuận đó sẽ làm cho thực thể kết hợp trở thành người chơi thống trị trên thị trường. Nó cũng sẽ được bổ sung vì Ofo tập trung vào các thành phố hạng nhất của Trung Quốc, trong khi Hellobike mạnh hơn ở các thành phố hạng hai và ba.

Cảnh ngổn ngang các chiếc xe đạp bị bỏ lại bên đường phố, hư hỏng, xuống màu chắc hẳn không khỏi khiến nhiều người băn khoăn và tự hỏi: họ, những công ty tạo nên làn sóng thời thượng đó đã làm gì sai? Việc mở rộng quá mức dẫn đến một loạt các vụ phá sản và hàng đống xe đạp bị tạm giữ trên các bãi cỏ. Ofo đã sống sót sau sự rung chuyển đó, nhưng nay là lúc công ty phải đấu tranh để theo kịp các đối thủ trong việc thích nghi với hoàn cảnh.

Mobike được mua lại vào tháng 4-2018 bởi một công ty khởi nghiệp công nghệ lớn hơn, Meituan Dianping, trong khi Hellobike gia nhập lực lượng với công ty thanh toán kỹ thuật số khổng lồ Ant Financial. Cả Meituan và Ant với hàng trăm triệu thành viên có thể dùng đó để cung cấp một số dịch vụ. Ngược lại quan hệ đối tác đã cho các đối thủ của Ofo quyền truy cập vào nhiều người dùng hơn và cũng cho phép họ cung cấp cho người dùng của họ nhiều dịch vụ hơn, chẳng hạn như đi xe và giao thức ăn.

Có thể tạm gọi Hellobike và Mobike đang yên phận, nhưng Ofo vẫn còn bấp bênh. Những người theo dõi sát tình hình đã cho rằng Ofo sẽ được đại gia trong ngành chia sẻ xe hơi vốn đã có thành tích đánh bại Uber trên đất Trung Quốc mua lại, nhưng nay thì điều đó sẽ không xảy ra. Didi đã chọn một công ty chia sẻ xe đạp khác, nhỏ hơn, tên là Bluegogo, và ra mắt dịch vụ chia sẻ xe đạp của riêng họ. Điều này càng làm cho Ofo lúng túng.

Trước đó, trong tháng 7-2018, Ofo đã chịu một cú đòn khác khi Mobike cho biết người dùng không còn cần phải trả tiền đặt cọc cho các dịch vụ của mình, và ngay sau đó Hellobike cũng làm như vậy, trong khi phí chia sẻ phương tiện của Ofo vẫn là từ 99 đến 199 nhân dân tệ, tương đương 14-28 đô la. Ofo không đủ khả năng để thực hiện bước đi tương tự. Bởi vì sự nhiệt tình của nhà đầu tư đã suy yếu, tiền mặt thấp vì sự mở rộng toàn cầu tốn kém và các nhà cung cấp bắt đầu yêu cầu thanh toán. Số hóa các hoạt động kinh tế, rõ ràng, đang tạo ra rất nhiều cơ hội nhưng đồng thời cũng là một trận chiến với cả những cái bẫy công nghệ khá xa lạ so với thời đại công nghiệp.

Xem thêm

Anh Vũ