Chứng khoán Mỹ thu hẹp đà giảm sau khi ông Trump hoãn áp thuế Mexico
Theo CNBC, trong phiên giao dịch ngày 3/2, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones đã giảm 123 điểm, tương đương 0,28% và đóng cửa ở mức 44.422 điểm. Giữa phiên, có lúc Dow Jones từng mất tới 666 điểm, tương đương 1,5%.
Tương tự, chỉ số S&P 500 đóng cửa giảm 0,76% xuống 5.995 điểm. Chỉ số thiên về công nghệ Nasdaq Composite tụt 1,2%, kết thúc ở mức 19.392 điểm.
Đầu phiên, thị trường lao dốc sau khi Tổng thống Donald Trump áp thuế 25% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Canada và Mexico, cũng như 10% với hàng hóa Trung Quốc. Thông tin này đã gây ra một đợt bán tháo cổ phiếu trên phạm vi toàn cầu.
Tuy nhiên, một bài đăng của Tổng thống Mexico Claudia Sheinbaum sau cuộc trò chuyện với ông Trump dường như đã xoa dịu tâm lý của nhà đầu tư.
“Chúng tôi đã có một cuộc trò chuyện tốt đẹp với Tổng thống Trump, với sự tôn trọng sâu sắc mối quan hệ và chủ quyền của hai nước. Chúng tôi đã đạt được một loạt các thoả thuận”, bà Sheinbaum cho hay.
Sau đó, ông Trump cũng xác nhận về thỏa thuận tạm thời trên Truth Social: “Đó là một cuộc trò chuyện rất thân thiện, trong đó bà Sheinbaum đồng ý điều động ngay lập tức 10.000 lính Mexico tại biên giới giữa hai nước”. Ông Trump tiết lộ thêm rằng các cuộc đàm phán cho một thỏa thuận lâu dài hơn sẽ tiếp tục trong tháng này.
Sau thông tin trên, iShares MSCI Mexico ETF (EWW) theo dõi các cổ phiếu Mexico đã phục hồi và đóng cửa cao hơn 2%.
Việc tạm dừng áp thuế đối với Mexico đã củng cố quan điểm lạc quan của một số nhà đầu tư rằng thuế quan đối với tất cả các quốc gia có thể là công cụ đàm phán của Tổng thống Trump. Do đó, các nhà đầu tư không nên phản ứng thái quá ngay từ đầu.
“Chúng tôi vẫn nghĩ rằng Mỹ sẽ không áp thuế quan kéo dài lên các đồng minh như Canada hay Mexico”, ông Thierry Wizman, chiến lược gia ngoại hối và tỷ giá toàn cầu tại Macquarie, cho biết.
“Nhượng bộ là cách ‘dễ dàng hơn’ để giải quyết ‘vấn đề’ của ông Trump (theo quan điểm chi phí - lợi ích và lý thuyết trò chơi). Ông Trump thích thực hiện ‘thỏa thuận’. Áp lực chính trị và thị trường cũng sẽ gây sức ép lên các bên để đưa ra sự nhượng bộ, tương tự như năm 2018”, vị chuyên gia cho biết thêm.