|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Khối ngoại bán ròng 6.700 tỷ đồng trong tháng đầu năm, đâu là tâm điểm?

08:26 | 04/02/2025
Chia sẻ
Sau một năm 2024 bán ròng kỷ lục, động thái rút vốn của các NĐT nước ngoài chưa có dấu hiệu hạ nhiệt trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

VN-Index đóng cửa tháng đầu tiên của năm 2025 tại 1.265,05 điểm, giảm nhẹ 1,73 điểm tương đương 0,14% so với tháng 12/2024.

Giá trị giao dịch bình quân phiên giảm mạnh 23,4% về mức 11.406 tỷ đồng – tiệm cận vùng đáy 3 năm về thanh khoản. Tổng giá trị giao dịch bình quân phiên trên 3 sàn đạt 12.836 tỷ đồng trong tháng 1. Tính riêng khớp lệnh, thanh khoản bình quân phiên ở mức 10.719 tỷ đồng, giảm 20,7% so với mức bình quân tháng 12 và thấp hơn 42,4% so với mức bình quân 1 năm.

Xét theo quy mô vốn hóa, thanh khoản giảm mạnh ở nhóm vốn hóa vừa và nhỏ trong khi giảm tháng thứ 3 liên tiếp ở nhóm VN30. Xét theo ngành, ngoại trừ xây dựng, tất cả các lĩnh vực chủ chốt cùng ghi nhận thanh khoản giảm mạnh, bao gồm ngân hàng, bất động sản, chứng khoán, thép, thực phẩm, bán lẻ, …

Thống kê cho thấy cổ phiếu ngân hàng ảnh hưởng tích cực nhất lên thị trường trong tháng 1 với tổng mức đóng góp lên tới 12,6 điểm. Top10 mã tác động tích cực nhất lên VN-Index có tới 6 đại diện đến từ nhóm bank, dẫn đầu bởi BID (4,3 điểm). Chiều giảm điểm dẫn đầu là HDB khi mã này lấy đi gần 2,3 điểm của chỉ số chính.

Nguồn: Thu Thảo tổng hợp. 

Năm 2024 thị trường chứng khoán Việt Nam chứng kiến hoạt động bán ròng kỷ lục từ khối ngoại, tổng giá trị bán ròng trên toàn thị trường đạt hơn 92.000 tỷ đồng, ghi nhận mức cao nhất trong 24 năm hoạt động của thị trường chứng khoán Việt Nam.

Bước sang năm 2025, thị trường chứng khoán chỉ giao dịch 17 phiên trong tháng 1, tuy nhiên động thái bán ròng chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Trong tháng đầu năm, khối ngoại có đẩy mạnh bán ròng với quy mô 6.727 tỷ đồng trên toàn thị trường.

Trên HOSE, NĐT nước ngoài bán ròng 6.486 tỷ đồng, tính riêng giao dịch khớp lệnh thì họ bán ròng 4.318 tỷ đồng. Thống kê cho thấy khối ngoại bán ròng mạnh nhất cổ phiếu VIC của Tập đoàn Vingroup – CTCP với quy mô hơn 2.041 tỷ đồng. Cùng chiều, khối ngoại cũng bán ròng 1.550 tỷ đồng mã FPT của ông lớn ngành công nghệ thông tin.

Danh mục rút ròng hàng trăm tỷ đồng của NĐT nước ngoài còn có loạt đại diện nhóm ngân hàng – chứng khoán như STB (579 tỷ đồng), CTG (424 tỷ đồng), SSI (365 tỷ đồng), VCB (272 tỷ đồng), …

Nguồn: Thu Thảo tổng hợp. 

Ngược lại, cổ phiếu HDB của Ngân hàng TMCP Phát triển TP Hồ Chí Minh (HDBank) dẫn đầu danh mục top 10 mua ròng của nhà đầu tư nước ngoài. Mã này được khối ngoại mua mạnh nhất với giá trị 404 tỷ đồng trong tháng.

Đứng thứ hai trong Top mua ròng là LPB với quy mô 362 tỷ đồng. Dòng tiền ngoại ưu tiên giải ngân vào một số mã bất động sản như VGC (317 tỷ đồng), KBC (118 tỷ đồng), DXG (64 tỷ đồng) và PDR (48 tỷ đồng). Hoạt động gom ròng cũng được trải dài ở các mã MSN (113 tỷ đồng), TNH (90 tỷ đồng), GEX (82 tỷ đồng), PC1 (72 tỷ đồng).

Trên sàn HNX, khối ngoại tiếp đà bán ròng gần 83 tỷ đồng, đánh dấu tháng thứ 4 liên tục bị rút ròng. Cụ thể, họ tập trung bán ròng 46,5 tỷ đồng ở cổ phiếu PVS của Tổng Công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam, theo sau là 38,2tỷ đồng mã SHS. Ngoài ra, nước ngoài cũng rút ròng các cổ phiếu như CEO (27,3 tỷ đồng), MBS (12,3 tỷ đồng), VCS (12 tỷ đồng), …

Trái lại, NĐT ngoại rót ròng hơn 66,4 tỷ đồng gom cổ phiếu DHT của CTCP Dược phẩm Hà Tây. Cùng chiều, mã IDC và IVS cũng được mua ròng với quy mô lần lượt là 24,3 tỷ và 16,9 tỷ đồng. Danh mục mua ròng còn có sự góp mặt của VC3, VFS, HBS, VTZ, PMC, … với giá trị thấp hơn.

Nguồn: Thu Thảo tổng hợp. 

Tại thị trường UPCoM, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng với giá trị khoảng 158 tỷ đồng.

Trong đó, cổ phiếu ACV của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam - CTCP dẫn đầu chiều bán ròng với quy mô hơn 170 tỷ đồng. Cùng chiều, nhà đầu tư nước ngoài cũng rút ròng lần lượt 37,8 tỷ đồng mã QNS và 10,5 tỷ đồng mã DDV. Giao dịch bán ròng với quy mô thấp hơn còn được chứng kiến ở AAS (5,3 tỷ đồng), PVE (5,3 tỷ đồng), …

Ở chiều ngược lại, nhà đầu tư nước ngoài gom ròng mạnh nhất 16,4 tỷ đồng ở cổ phiếu OIL của Tổng Công ty Dầu Việt Nam – CTCP (PVOIL). Theo sau là các giao dịch giải ngân vào các cổ phiếu VEA (13,8 tỷ đồng), HNG (11,6 tỷ đồng), ABI (10,1 tỷ đồng), MPC (7,7 tỷ đồng), …

Báo cáo triển vọng thị trường chứng khoán 2025 của Chứng khoán Agribank (Agriseco) cũng chỉ ra trong năm 2025, thị trường chứng khoán Việt Nam có triển vọng tích cực đến từ sự tăng trưởng mạnh mẽ của nền kinh tế và lợi nhuận các doanh nghiệp niêm yết tiếp.

Các nhà phân tích kỳ vọng nâng hạng từ thị trường cận biên (Frontier market) lên thị trường mới nổi (Emerging market) trong năm 2025 sẽ giúp thị trường chứng khoán thu hút được dòng vốn từ nhà đầu tư nước ngoài lẫn sự quan tâm của dòng tiền trong nước.

Nguồn: Thu Thảo tổng hợp.

Thu Thảo