Ông Trump ký lệnh thành lập quỹ đầu tư quốc gia, tham vọng mua lại TikTok
Hôm 3/2, Tổng thống Donald Trump đã ký một sắc lệnh hành pháp phác thảo kế hoạch thành lập một quỹ đầu tư quốc gia do chính phủ Mỹ điều hành. Quỹ này sẽ phục vụ như một công cụ phát triển kinh tế và có thể sử dụng để mua TikTok.
Sắc lệnh hành pháp mới của ông Trump nêu rõ mục đích của quỹ là “thúc đẩy tính bền vững tài khoá, giảm gánh nặng thuế cho các gia đình và doanh nghiệp nhỏ ở Mỹ, xây dựng an ninh kinh tế cho các thế hệ tương lai và thúc đẩy vai trò lãnh đạo kinh tế - chiến lược của Mỹ trên trường quốc tế”.
Một trong những mục tiêu của quỹ đầu tư quốc gia này là phát triển các cơ sở hạ tầng như sân bay và đường cao tốc. Quỹ cũng có thể giúp Mỹ mở rộng ảnh hưởng ở các khu vực như Panama và Greenland.
“Chúng tôi sẽ lập quỹ đầu tư quốc gia trong 12 tháng tới. Chúng tôi sẽ kiếm tiền từ tài sản trong bảng cân đối kế toán của chính phủ Mỹ cho người dân Mỹ”, Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Scott Bessent cho hay trong một cuộc họp báo.
Ông Bessent và ứng cử viên cho chức Bộ trưởng Bộ Thương mại Howard Lutnick được giao nhiệm vụ xây dựng chiến lược trong vòng 90 ngày về cách thức hoạt động của quỹ, theo CNBC.
Hiện chưa có thông tin chi tiết nào khác về quỹ đầu tư mà ông Trump tuyên bố khi còn tranh cử tổng thống là có thể hỗ trợ “những nỗ lực lớn của quốc gia”.
Ông Trump từng nói thuế quan có thể là nguồn tài trợ cho quỹ. Trong khi đó, các quốc gia khác thường sử dụng thuế đánh vào tài nguyên thiên nhiên, giao dịch tài chính và tín chỉ carbon làm cơ chế tài trợ cho quỹ đầu tư.
Theo lời ông Trump, một thoả thuận đã được các bên thảo luận, trong đó Mỹ sẽ trở thành một đối tác của ứng dụng mạng xã hội TikTok, có thể là một mục đích tiềm năng khác của quỹ.
TikTok đã tạm ngừng hoạt động trong khoảng thời gian ngắn do lo ngại về an ninh, nhưng ông Trump đã ký sắc lệnh cho phép ứng dụng này hoạt động trở lại trong 75 ngày. Trong khoảng thời gian đó, TikTok có khả năng sẽ phải cắt đứt mối liên hệ lợi ích với Trung Quốc.
Người Mỹ từng đề cập ý tưởng lập quỹ đầu tư quốc gia trước đây. Song, các quỹ đầu tư này thường do những quốc gia nhỏ hơn, có nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào và thặng dư tài khoá sử dụng. Điều này hoàn toàn trái ngược với Mỹ, một quốc gia đang phải chịu thâm hụt ngân sách lớn.
Một số nước có quỹ đầu tư quốc gia là Trung Quốc, Na Uy và Singapore. Nếu Mỹ thành lập một quỹ tương tự, nước này có thể cạnh tranh với các quốc gia khác và giúp chính phủ ít phụ thuộc vào việc phát hành trái phiếu kho bạc để huy động tiền hơn.
Na Uy hiện là nước có quỹ đầu tư quốc gia lớn nhất thế giới với hơn 1.700 tỷ USD tài sản, theo Viện Quỹ Đầu tư Quốc gia. China Investment Corp. xếp thứ hai với 1.300 tỷ USD tài sản.
Các quỹ này tham gia vào thị trường tài chính toàn cầu thông qua đầu tư vào cổ phiếu, trái phiếu và bất động sản, cũng như rót vốn vào các dự án cơ sở tầng.
Những người chỉ trích cho rằng sự thiếu minh bạch có thể dẫn đến xung đột và tham nhũng nếu chính phủ không đưa ra các quy tắc quản lý chặt chẽ.