|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

OECD-FAO: Các nhà xuất khẩu gạo lớn có thể mất thị phần vào tay Campuchia và Myanmar

19:53 | 22/07/2021
Chia sẻ
Theo báo cáo triển vọng nông nghiệp hàng năm của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) và Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO), Campuchia có thể sẽ được hưởng lợi khi thị phần của các nhà xuất khẩu hàng đầu như Ấn Độ, Thái Lan, Việt Nam, Pakistan và Mỹ giảm trong 10 năm tới.

Được công bố tại Paris và Rome đầu tháng 7, báo cáo triển vọng 10 năm dự kiến thương mại ngũ cốc thế giới, gồm cả lúa mì, ngô và gạo, sẽ tăng 21% lên 542 triệu tấn vào năm 2030.

"Ấn Độ, Việt Nam và Thái Lan sẽ tiếp tục dẫn đầu thương mại gạo toàn cầu, nhưng Campuchia và Myanmar dự kiến sẽ đóng vai trò ngày quan trọng trong xuất khẩu gạo toàn cầu", báo Khmer Times trích dẫn báo cáo cho biết.

Trong 10 năm qua, thương mại gạo quốc tế tăng trưởng với tốc độ trung bình 1,5% một năm. Con số này dự kiến sẽ tăng lên khoảng 2,6% một năm trong thập kỷ tới với xuất khẩu gạo tăng 16 triệu tấn lên 62 triệu tấn vào năm 2030.

"Thị phần xuất khẩu của 5 nhà xuất khẩu gạo lớn hàng đầu là Ấn Độ, Thái Lan, Việt Nam, Pakistan và Mỹ dự kiến sẽ giảm từ 74% xuống 70%", báo cáo cho biết.

Thái Lan được dự báo sẽ tiếp tục đóng vai trò xuất khẩu quan trọng, nhưng dự kiến sẽ phải đối mặt với nhiều cạnh tranh hơn.

Nhóm 5 nhà xuất khẩu lớn nhất sẽ mất thị phần vào tay các nước thuộc nhóm nước kém phát triển (LDC) ở châu Á, đặc biệt là Campuchia và Myanmar, khi các nước này trở nên cạnh tranh hơn trên trường quốc tế.

Xuất khẩu gạo của Campuchia đã giảm trong năm nay, theo Khmer Post Asia. Quốc gia Đông Nam Á đã xuất khẩu 233.031 tấn gạo trong 5 tháng đầu năm 2021, giảm gần 35%. 45 quốc gia mua gạo của Campuchia, với Trung Quốc là thị trường lớn nhất - chiếm hơn một nửa tổng xuất khẩu.

Gạo thơm và gạo thơm cao cấp chiếm gần 2/3 lượng xuất khẩu của Campuchia. Pháp là khách hàng thứ hai, theo sau là Gabon, Malaysia và Hà Lan. Xuất khẩu gạo thơm cao cấp sang châu Âu bị ảnh hưởng nặng nề trong năm nay do tình trạng thiếu container và chi phí vận chuyển cao hơn.

Báo cáo triển vọng dự kiến xuất khẩu gạo từ các nước châu Á kém phát triển hơn sẽ tăng hơn gấp đôi từ 4 triệu tấn lên 10 triệu tấn vào năm 2030.

"Nguồn cung lớn có thể xuất khẩu sẽ cho phép các nước này chiếm được thị phần lớn hơn ở thị trường châu Á và châu Phi", báo cáo chỉ ra. 

Báo cáo cũng lưu ý rằng giống gạo Indica trong lịch sử chiếm hầu hết loại gạo được giao dịch quốc tế. Tuy nhiên, nhu cầu đối với các giống khác dự kiến sẽ tiếp tục tăng trong 10 năm tới.

Loại gạo chính khác được giao dịch quốc tế là giống Japonica.

Mặc dù cấu trúc thị trường khác nhau theo khu vực sản xuất, sở thích của người tiêu dùng và chính sách, hầu hết mô hình nông nghiệp không phân biệt giữa hai loại giống trên. 

Tuy nhiên, về trung và dài hạn, biến đổi khí hậu được cho là sẽ ảnh hưởng đến sản xuất của cả hai giống gạo. 

Các dự báo sử dụng mô hình biến đổi khí hậu tại các nền kinh tế lúa gạo mới cho thấy giá gạo Japonica quốc tế sẽ biến động nhiều hơn so với giá gạo Indica.

Mô hình cũng xem xét tác động của đầu tư nông nghiệp lên thị trường gạo Indica và Japonica, gồm cả ổn định giá, dựa trên sáu kịch bản về biến đổi khí hậu trong trung và dài hạn.

Theo hai kịch bản, mô hình cho thấy hệ thống kiến thức và đổi mới ở Việt Nam và Trung Quốc sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc ổn định giá gạo Indica và Japonica quốc tế trong trung và dài hạn, khi sản xuất gạo ngày càng bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu. 

Mô hình bao gồm các thị trường gạo Indica và Japonica tại Thái Lan, Việt Nam, Indonesia, Malaysia, Philippines, Campuchia, Lào, Myanmar, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Mỹ, Liên minh châu Âu  (EU), Anh, Bangladesh, Sri Lanka, Nepal, Pakistan, Brazil, Côte d'Ivoire, Ai Cập, Madagascar và Nigeria.

Tố Tố