Xuất khẩu gạo chuyển dịch theo hướng giảm lượng, tăng chất
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu gạo của Việt Nam trong tháng 6 đạt 436,1 nghìn tấn, giảm 30,4% so với tháng trước và giảm 3,1% so với tháng 6/2020.
Tính chung 6 tháng đầu năm, xuất khẩu gạo của nước ta đạt 3,02 triệu tấn, trị giá 1,6 tỷ USD, giảm 14% về lượng và giảm 4% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.
Mặc dù giảm nhưng Việt Nam vẫn đứng thứ hai về xuất khẩu gạo toàn cầu bởi Thái Lan – nước xuất khẩu gạo lớn thứ 3 thế giới chỉ xuất khẩu được 2,2 triệu tấn gạo với giá trị 1,38 tỷ USD trong nửa đầu năm nay, giảm 21% về lượng và 28,1% về giá trị so với cùng kỳ năm 2020.
Theo Chủ tịch Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan (TREA) Charoen Laothammathat, so với mục tiêu đặt ra cho cả năm 2021 là 6 triệu tấn với trị giá 5 tỷ USD, Thái Lan chỉ có thể xuất khẩu 5,7 triệu tấn gạo trong năm nay.
Việc đồng Baht Thái Lan mạnh lên và hạn hán đã khiến giá gạo Thái Lan cao hơn nhiều đối thủ cạnh tranh, điều này đã ảnh hưởng đến doanh số xuất khẩu trong nửa đầu năm nay.
Nguồn: Tổng cục Hải quan. (Biểu đồ: Hoàng Hiệp)
Cơ cấu gạo chuyển dịch sang các loại gạo giá trị gia tăng cao
Trong nửa đầu năm nay, cơ cấu gạo xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục chuyển dịch sang các loại gạo thơm, gạo chất lượng cao với giá bán và giá trị gia tăng cao hơn.
Được biết, trong nửa đầu năm 2021, lượng gạo thơm xuất khẩu (Jasmine, DT8, KDM…) tăng khoảng 6,2% so với cùng kỳ năm trước, đạt gần 1,16 triệu tấn và chiếm gần 39% tổng khối lượng gạo xuất khẩu của cả nước (tăng so với tỷ trọng 30% của cùng kỳ).
Đáng chú ý, đã có khoảng 38,3 nghìn tấn gạo ST24 và 2,7 nghìn tấn gạo ST25 xuất khẩu trong nửa đầu năm nay, tăng vọt 11,5 lần và 154,7 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, gần 90% lượng gạo ST 24 (khoảng 34 nghìn tấn) được xuất khẩu sang Trung Quốc và 95% (2,5 nghìn tấn) gạo ST25 xuất khẩu sang thị trường Mỹ.
Tuy vậy, nhìn chung xuất khẩu gạo thơm của Việt Nam phần lớn là phân khúc giá trung bình, do vậy thị trường tiêu thụ gạo thơm mạnh nhất vẫn là các nước châu Phi và châu Á.
Xuất khẩu gạo thơm tăng nhưng không đủ bù đắp cho sự sụt giảm của các mặt hàng gạo khác, đặc biệt là sự sụt giảm của gạo trắng.
Cụ thể, lượng gạo trắng xuất khẩu giảm mạnh 30% so với cùng kỳ và chỉ nhỉnh hơn đôi chút so với các mặt hàng gạo thơm, đạt khoảng 1,2 triệu tấn. Nguyên nhân giảm là do giá gạo trắng ở mức cao khiến Việt Nam đánh mất thị phần gạo trắng xuất khẩu vào tay các đối thủ cạnh tranh khác.
Theo đó, tỷ trọng gạo trắng trong tổng xuất khẩu gạo đã giảm từ 49% của cùng kỳ năm ngoái xuống còn khoảng 40% trong nửa đầu năm nay, tương đương tỷ trọng của gạo thơm xuất khẩu.
Cùng với gạo trắng, xuất khẩu các mặt hàng gạo khác như gạo giống Nhật, gạo nếp, gạo lứt… cũng đều giảm trong nửa đầu năm nay.
Xuất khẩu gạo tới các thị trường chính cũng có những sự biến động nhất định trong nửa đầu năm nay
Lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam sang Philippines – thị trường tiêu thụ gạo lớn nhất của Việt Nam trong nửa đầu năm nay chỉ đạt 1,09 triệu tấn, giảm 20,6% so với cùng kỳ năm ngoái và chiếm 36% tổng lượng gạo xuất khẩu của cả nước.
Tương tự, lượng gạo xuất khẩu sang thị trường lớn khác là Malaysia giảm rất mạnh so với cùng kỳ năm 2020, giảm 55,9% xuống chỉ còn 151,1 nghìn tấn.
Trong khi Philippines giảm nhập khẩu do giá gạo ở mức cao và sản lượng nội địa tăng thì Malaysia đã chuyển sang nhập khẩu gạo giá rẻ từ thị trường Ấn Độ kể từ cuối năm ngoái đến nay.
Ngược lại, xuất khẩu gạo của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc tăng mạnh 26,9% so với cùng kỳ năm 2020, đạt 580,9 nghìn tấn (chủ yếu là gạo nếp và gạo thơm).
Ngoài ra, khối lượng gạo xuất khẩu sang thị trường Ghana cũng tăng 32% so với cùng kỳ, Bờ Biển Ngà tăng 10,8%, Singapore tăng 31,2%, Hong Kong tăng 32,2%... Các thị trường kể trên chủ yếu nhập khẩu gạo thơm từ Việt Nam.
Đáng chú ý, lượng gạo xuất khẩu sang Bangladesh tăng rất mạnh từ 96 tấn của cùng kỳ năm trước lên 52,8 nghìn tấn trong 6 tháng năm nay. Nước này đã đẩy mạnh mua vào khi nguồn cung trong nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi lũ lụt hồi năm ngoái.
Xuất khẩu gạo dự báo đạt 6,1 triệu tấn trong năm nay
Với việc xuất khẩu gạo đang có sự chuyển hướng từ gạo trắng sang các loại gạo thơm có giá trị gia tăng cao, khối lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam trong năm nay có thể giảm nhẹ so với năm ngoái.
Mới đây, Cơ quan thường trú Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA Post) đã hạ dự báo xuất khẩu gạo của Việt Nam trong năm 2021 xuống còn 6,1 triệu tấn so với ước tính 6,3 triệu tấn của Bộ Nông nghiệp Mỹ đưa ra do giá cả không cạnh tranh.
Đồng thời USDA Post nâng dự báo nhập khẩu gạo của Việt Nam lên 800.000 tấn do khối lượng nhập khẩu tăng cao trong những tháng đầu năm nay.
Như vậy, để đạt con số xuất khẩu 6,1 triệu tấn như dự báo của USDA Post, xuất khẩu gạo của Việt Nam trong 6 tháng cuối năm phải đạt trung bình 512 nghìn tấn/tháng.
Đây là con số không dễ để đạt được khi xuất khẩu gạo đang phụ thuộc khá nhiều vào gạo thơm trong bối cảnh gạo trắng đang có sự cạnh tranh mạnh mẽ từ các nguồn cung cấp khác, đồng thời giá cước vận tải biển tăng cao kỷ lục và tình trạng thiếu container tiếp tục diễn ra.
Đặc biệt, dịch COVID-19 bùng phát tại TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đang ảnh hưởng tới các hoạt động sản xuất kinh doanh nói chung và mặt hàng gạo nói riêng.
Trước sự lây lan của dịch bệnh, sau TP Hồ Chí Minh, Bình Dương và Đồng Nai, 16 tỉnh, thành phía Nam sẽ thực hiện giãn cách xã hội theo nguyên tắc Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ bắt đầu từ 0h ngày 19/7. Thời gian thực hiện giãn cách xã hội là 14 ngày.
Trong khi đó, việc Philippines giảm thuế nhập khẩu gạo cũng có thể ảnh hưởng đến triển vọng xuất khẩu gạo của Việt Nam sang thị trường này trong thời gian tới.
Cụ thể, trong tháng 5/2021 Philippines đã hạ thuế suất ưu đãi (MFN) đối với nhập khẩu gạo xuống 35% từ 40% đối với các lô hàng trong khối lượng tiếp cận tối thiểu (MAV) và 50% đối với các lô hàng ngoài MAV. Điều này làm cân bằng mức thuế suất áp dụng đối với các lô hàng từ các nhà xuất khẩu gạo ASEAN và ngoài ASEAN.
Việc Philippin giảm thuế quan đối với gạo được cho là sẽ có lợi cho các nước như Ấn Độ và Pakistan vì các nước này có thể đưa ra mức giá cạnh tranh hơn.
Trên thị trường thế giới, giá gạo châu Á liên tục sụt giảm kể từ đầu tháng 5 đến nay do nhu cầu thấp trong khi nguồn cung đang tăng lên, đồng nội tệ của Ấn Độ và Thái Lan giảm cũng gây áp lực lên giá gạo.
Theo Reuters, tính đến giữa tháng 7/2021, giá gạo đồ 5% tấm của Ấn Độ được chào bán ở mức 364 – 368 USD/tấn, giảm 11 USD/tấn so với đầu tháng 5 và là mức thấp nhất trong gần 16 tháng do nguồn cung gạo mới được đưa vào thị trường nhưng nhu cầu vẫn duy trì ở mức thấp.
Tại Thái Lan, giá gạo trắng 5% tấm của nước này đã giảm tới 88 USD/tấn so với đầu tháng 5 xuống còn 405 – 412 USD/tấn, mức thấp nhất kể từ tháng 12/2019 do biến động tỷ giá và nhu cầu không có nhiều cải thiện.
Còn tại Việt Nam, giá gạo trắng 5% tấm đã giảm 20 USD/tấn so với đầu tháng 5/2021, dao động ở mức 465 – 470 USD/tấn – thấp nhất kể từ tháng 7/2020. Nông dân đã bắt đầu thu hoạch vụ Hè thu tại phần lớn các khu vực của ĐBSCL nhưng giao dịch vẫn chậm do các hạn chế để ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19.
Mặc dù giảm nhưng giá trắng của Việt Nam hiện vẫn đang cao hơn 58 USD/tấn so với gạo Thái Lan và cao hơn 100 USD/tấn so với gạo Ấn Độ.
Thời gian gần đây, không chỉ giảm giá gạo trắng, Thái Lan đã hạ mạnh giá chào bán của các loại gạo khác. Tính đến giữa tháng 7/2021, giá gạo Hom Mali cao cấp vụ 2020-2021 của Thái Lan đã giảm 95 – 100 USD/tấn so với cuối tháng 5 đầu tháng 6; gạo Jasmine của Thái Lan giảm 45 – 60 USD/tấn; gạo nếp giảm 60-65 USD/tấn.
Nhưng ngược lại với gạo trắng, giá gạo thơm của Việt Nam tính đến thời điểm hiện tại vẫn đang khá cạnh tranh trên thị trường. Giá gạo Jasmine của Việt Nam đang được chào bán ở mức 558 - 562 USD/tấn so với hơn 600 USD/tấn sản phẩm cùng loại của Thái Lan.
Về thị trường trong nước, sản xuất lúa Hè Thu thời gian qua đang gặp không ít khó khăn khi giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật liên tục tăng cao khiến nông dân lo lắng, nhất là trong bối cảnh giá lúa đang có xu hướng giảm.
Tại một số tỉnh ĐBSCL, hiện giá một số loại phân bón đã tăng mạnh gần gấp đôi so với vụ Đông Xuân.
Nguồn: Reuters. (Biểu đồ: Hoàng Hiệp)