|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Nóng mua cổ phần tại dự án điện mặt trời

15:24 | 09/07/2019
Chia sẻ
Trước sức nóng của điện mặt trời, nhiều doanh nghiệp lớn đã đua nhau mua cổ phần của các dự án khi hòa vào lưới điện quốc gia.

Tranh nhau mua cổ phần tại các dự án điện mặt trời

Trong bối cảnh nhu cầu năng lượng của Việt Nam ngày một gia tăng thì việc bỏ vốn vào điện mặt trời có thể được xem là khoản đầu tư sinh lời dài hạn. Nhiều nhà đầu tư trong vào ngoài nước đã đua nhau mua hoặc tăng cổ phần tại các dự án.

Vào cuối tháng 6 mới đây, CTCP Tập đoàn Sao Mai (Mã: ASM) thông báo đã nhận chuyển nhượng cổ phần đầu tư vào CTCP Điện mặt trời EuroPlast Long An vào 28/6 với tổng số cổ phần 23 triệu cp, chiếm tỷ lệ 76,67%.

Được biết, Sao Mai đã rót gần 1.200 tỉ đồng để thực hiện dự án Nhà máy Điện mặt trời Europlast Long An thông qua CTCP Điện mặt trời EuroPlast Long An.

Dự án này có tổng mức đầu tư 1.157 tỉ đồng, công suất nhà máy 50 MW, xây dựng trên diện tích 58,6 ha. Nhà máy hoàn thành và hòa vào hệ thống điện quốc gia vào những ngày đầu tháng 7.

Không ngoại lệ, sau khi dự án điện mặt trời Vĩnh Hảo 6 do CTCP Fecon (Mã: FCN) làm chủ đầu tư, hòa lưới điện quốc gia vào tháng 6, doanh nghiệp này đã bán 60% cổ phần cho đối tác ACWA Power.

Đây là dự án Fecon hợp tác với ACWA Power, có tổng mức đầu tư 55 triệu USD, quy mô 60 ha và công suất thiết kế 50 MW.

ACWA Power là nhà phát triển, nhà đầu tư, nhà vận hành và đồng sở hữu danh mục các nhà máy phát điện tại 12 quốc gia ở khu vực Trung Đông, Bắc Phi, Nam Phi và Đông Nam Á.

Danh mục đầu tư của ACWA Power hiện có giá trị trên 30,5 tỉ USD, tổng công suất phát điện 21,5 GW.

Tại Việt Nam, ACWA Power đã liên doanh cùng tập đoàn Taekwang (Hàn Quốc) đầu tư vào dự án Nhiệt Điện Nam Định với tổng mức đầu tư lên tới 2,3 tỉ USD.

Trước đó, vào tháng 4, hai công ty Eastern Power Group và Communication & System Solution đã mua 90% cổ phần của Công ty quang điện Phú Khánh, chủ đầu tư các dự án điện mặt trời Xuân Thọ 1 và Xuân Thọ 2 tại Phú Yên. Hai dự án này đã được khởi công đầu năm 2019 với tổng đầu tư 2.800 tỉ đồng.

Ngoài Eastern Power Group, nhiều doanh nghiệp nước ngoài khác đã đầu tư mạnh mẽ vào các dự án điện mặt trời tại Việt Nam, thông qua việc mua cổ phần của chủ đầu tư dự án.

Tập đoàn năng lượng Thái Lan Gulf Energy đã mở rộng hoạt động tại Việt Nam thông qua việc hợp tác với Tập đoàn Thành Thành Công.

Từ năm 2018, Gulf Energy Development đã nắm giữ cổ phần tại dự án Nhà máy điện mặt trời TTC 1 và 2 tại Tây Ninh. Gần đây, doanh nghiệp này đã tăng nắm giữ cổ phần tại TTC 2 lên mức 90%.

Gần đây, Energy Development công bố đã nắm giữ 95% cổ phần tại dự án năng lượng gió và mặt trời tại Bến Tre với tổng công suất gần và giá trị đầu tư 650 triệu USD.

Năm 2018, Tập đoàn năng lượng B.Grimm Power của Thái Lan cũng mua cổ phần của hai dự án điện mặt trời lớn tại Việt Nam tại Tây Ninh và Phú Yên. B.Grimm Power đã chi khoảng 34 triệu USD để mua 55% cổ phần tại tại Công ty cổ phần Năng lượng Dầu Tiếng Tây Ninh.

Vài tháng sau đó, B.Grimm tiếp tục ký thỏa thuận mua 80% cổ phần tại Công ty cổ phần TTP Phú Yên, chủ đầu tư dự án nhà máy điện mặt trời công suất 257 MW tại Phú Yên. Số tiền B.Grimm bỏ ra để mua cổ phần TTP Phú Yên khoảng 32,5 triệu USD.

Các thương vụ này là một phần trong kế hoạch mở rộng đầu tư nước ngoài thông qua việc liên doanh với các đối tác địa phương để tăng sản lượng trong năng lượng tái tạo của tập đoàn năng lượng Thái Lan B.Grimm Power.

Một công ty Thái Lan khác là Sermsang International đã mua 80% cổ phần dự án điện mặt trời Bình Nguyên có quy mô gần 50 MW tại Quảng Ngãi với giá trị là 17,6 triệu USD vào cuối 2018.

Lợi nhuận cao, rủi ro cao

Dù hấp dẫn nhưng do muốn thu về lợi nhuận cao, nhiều nhà đầu tư đã xin làm điện mặt trời, từ đó dẫn đến quy hoạch điện mặt trời có nguy cơ bị phá vỡ.

Theo Bộ Công Thương, tính đến cuối tháng 8/2018, đã có 121 dự án điện mặt trời được bổ sung vào quy hoạch phát triển điện lực quốc gia và cấp tỉnh với tổng công suất dự kiến phát điện trước năm 2020 là 6.100 MW.

Ngoài ra, còn 221 dự án đang chờ phê duyệt, công suất đăng ký hơn 14.330 MW. Công suất này đã vượt nhiều lần so với quy hoạch điện VII điều chỉnh mà Thủ tướng phê duyệt.

Chưa kể, phụ lục hợp đồng thường có điều kiện Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) được nhả tải một khi lưới điện quá tải, đồng nghĩa với việc mua điện là quyền của EVN. Nếu điện doanh nghiệp không bán được, ngân hàng và doanh nghiệp sẽ nhận lấy mọi rủi ro.

Ngoài ra, khi mua cổ phần các dự án điện mặt trời, đòi hỏi các doanh nghiệp phải có nguồn vốn lớn, sức khỏe tài chính tốt. Nếu dùng vốn vay để mua cổ phần thì đây là một rủi ro lớn.

Thu Hoài