|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Thay đổi thần tốc của 'ông lớn' ngành năng lượng Thái Lan Gulf và dấu ấn điện mặt trời tại Việt Nam

08:30 | 05/07/2019
Chia sẻ
Đặt cược vào vào lĩnh vực năng lượng tái tạo ở Việt Nam, Tập đoàn năng lượng hàng đầu Thái Lan, Gulf Energy, kỳ vọng doanh thu năm 2019 tăng 18% lên 23,7 tỉ Bath, tương đương 18.100 tỉ đồng.

Đầu tư vào năng lượng tái tạo ở Việt Nam nhận được sự hưởng ứng tích cực của giới đầu tư

Theo số liệu thống kê của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), mức tiêu thụ năng lượng của ASEAN tăng hơn 60% trong 15 năm qua. IEA dự báo nhu cầu năng lượng vào năm 2040 của ASEAN có thể tăng thêm 66% nữa so với năm 2018.

Nắm bắt nhu cầu này, nhiều công ty năng lượng Thái Lan đã nhanh chóng mở rộng hoạt động kinh doanh ra khu vực ASEAN. Tập đoàn năng lượng hàng đầu Thái Lan, Gulf Energy Development, một trong những nhà đầu tư tiên phong đang có nhà máy sản xuất điện mặt trời tại Lào, Việt Nam và Campuachia.

vn-over

Các lĩnh vực hoạt động và công ty thành viên của Gulf Energy. (Nguồn: Gulf)

Gulf Energy thành lập năm 1994, là doanh nghiệp sản xuất điện tư nhân lớn nhất Thái Lan, với danh mục sản phẩm gồm các dự án điện, dự án vận hành hơi nước và nước lạnh, và các lĩnh vực hoạt động kinh doanh liên quan khác.

map-vn

Nguồn: Báo cáo thường niên 2018 của Gulf Energy. (Nguồn: Gulf, Minh Anh việt hóa)

Hiện tại, Gulf Energy có 26 dự án điện đang vận hành và tiếp tục mở rộng ra thị trường quốc tế.

Tính đến thời điểm 31/5/2019, tổng công suất lắp đặt của các dự án điện của Tập đoàn (bao gồm cả những dự án đã được đưa vào vận hành thương mại và các dự án sẽ hoàn thành và đưa vào vận hành tới 2024) đạt 11.910,4 MW, trong đó, công suất theo tỷ lệ sở hữu là 6.877,8 MW.

cong-suat

Công suất lắp đặt dự kiến đến 2024 của Gulf Energy. (Nguồn: Gulf, Minh Anh việt hóa)

Tháng 12/2017, Gulf Energy phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO), thương vụ IPO lớn nhất trong vòng một thập kỷ ở Thái Lan, thu về 733 triệu USD. Tập đoàn cho biết sẽ sử dụng vốn huy động được từ đợt IPO để trả nợ và đầu tư cho các nhà máy sản xuất điện mới trong khu vực Đông Nam Á.

Năm 2018, Gulf Energy được bình chọn xếp là doanh nghiệp hoạt động tốt thứ 2 trong số 100 công ty thuộc Bloomberg World Electric Index (một chỉ số đo giá cổ phiếu các doanh nghiệp năng lượng trên thế giới).

STTNhững cổ đổng chínhSổ cổ phần sở hữu
Tỷ lệ sở hữu
(%)
1.MR. SARATH RATANAVADI755.999.99435,44
2.UBS AG SINGAPORE BRANCH255.302.00211,97
3.GULF CAPITAL HOLDINGS LIMITED223.515.00010,48
4.GULF INVESTMENT AND TRADING PTE. LTD.159.000.0027,45
5.GULF HOLDING (THAILAND) COMPANY LIMITED100.000.0024,69
6.ASIAN DEVELOPMENT BANK64.000.0003,00
7.BANK OF SINGAPORE LIMITED-THB SEG AC59.003.1002,77
8.THAI NVDR COMPANY LIMITED56.982.0342.67
9.BANGKOK BANK PUBLIC COMPANY LIMITED47.500.0002,23
10.INO-THAI ENGINEERING & CONSTRUCTION PUBLIC COMPANY LIMITED40.000.0001,88
11.SOUTH EAST ASIA UK (TYPE C) NOMINEES LIMITED25.732.9301,21
12.ROJANA INDUSTRIAL PARK PUBLIC COMPANY LIMITED19.400.0000,91
13.SCB DIVIDEND STOCK 70/30 LONG TERM EQUITY FUND11.902.2000,56
14.BUALUANG TOP-TEN FUND10.738.8000,50

          Cơ cấu cổ đông của Gulf Energy tại 3/5/2019. (Nguồn: Gulf Energy)

Theo hãng tin Bloomberg vào cuối tháng 4, khối tài sản ròng của ông Sarath Ratanavadi, Chủ tịch HĐQT của Gulf Energy (cổ đông lớn nhất) tăng thêm 1 tỉ USD kể từ cuối tháng 12 năm ngoái nhờ sự đặt cược của ông vào lĩnh vực năng lượng tái tạo ở Việt Nam nhận được sự hưởng ứng tích cực của giới đầu tư.

Tại một hội nghị đầu tư diễn ra đầu tháng 5, ông Sarath cho biết, mục tiêu Tập đoàn hướng đến là sự ổn định và tăng trưởng tốt trong dài hạn, thay vì sự chuyển động trong ngắn hạn của giá cổ phiếu. Gulf Energy sẽ tiếp tục tìm kiếm các dự án bổ sung cho hoạt động kinh doanh hiện có.

Hoạt động kinh doanh cho thấy trong quý I/2019, Gulf Energy đạt doanh thu của Tập đoàn đạt gần 7,5 tỉ Bath tương đương hơn 5.700 tỉ đồng, tăng 30% so với cùng kỳ năm ngoái, báo cáo tài chính hợp nhất của Tập đoàn ghi nhận.

Tuy nhiên do lãi tỷ giá giảm nên lợi nhuận sau thuế giảm 24% xuống 1,3 tỉ Bath, tương đương 993 tỉ đồng. Trong đó, lợi nhuận từ hoạt động cốt lõi vẫn tăng trưởng 13% đạt 857 triệu Bath tương đương 654 tỉ đồng.

Tại ngày 31/3/2019, tổng tài sản của Gulf Energy đạt 130,3 tỉ Bath, tương đương hơn 99.500 tỉ đồng, tăng 5% so với thời điểm đầu năm. Trong đó, tiền và tương đương tiền 19,1 tỉ Bath, tương đương 15.000 tỉ đồng, chiếm 15% tổng tài sản.

Nợ vay ở mức tăng nhẹ lên 83,5 tỉ Bath, tương đương 57.400 tỉ đồng và chiếm 57% tổng nguồn vốn. Vốn chủ sở hữu 46,8 tỉ Bath, tương đương 35.800 tỉ đồng trong đó vốn điều lệ 31,6 tỉ Bath.

Đáng chú ý trong giai đoạn 2016 - 2018, mặc dù tổng doanh thu của Tập đoàn tăng trưởng khá mạnh từ 241 triệu Bath trong 2016 lên 17,1 tỉ Bath vào 2018 nhưng do biến động tỷ giá nên lợi nhuận ròng lại diễn biến không đều.

dt

Doanh thu, lợi nhuận của Gulf Energy giai đoạn 2016 - 2018. ĐVT: triệu bath. (Nguồn: Báo cáo thường niên 2018 của Gulf Energy, Minh Anh việt hóa).

Gulf Energy kỳ vọng năm 2019, doanh thu của công ty sẽ tăng 18% lên 23,7 tỉ Bath, tương đương 18.100 tỉ đồng, một phần nhờ vào đầu tư các dự án điện mặt trời ở Việt Nam.

nt

Cơ cấu doanh thu của Gulf Energy giai đoạn 2016 - 2018, đvt: triệu bath. (Nguồn: Báo cáo thường niên 2018, Minh Anh việt hóa).

Những dự án điện mặt trời của Gulf Energy tại Việt Nam

Với những thế mạnh và chính sách cởi mở của Việt Nam về năng lượng tái tạo, Gulf Energy cùng với nhiều doanh nghiệp Thái Lan khác tỏ ra rất quan tâm tới thị trường năng lượng tái tạo của Việt Nam, đặc biệt là điện mặt trời.

Năm 2018, Gulf Energy đã thâm nhập vào mảng này bằng việc đầu tư vào một số dự án dài hạn, nhằm tận dụng thời điểm giá bán điện mặt trời đang ở mức cao, bao gồm dự án Nhà máy điện mặt trời TTC 01 và TTC 02 tại Tây Ninh. 

Đến tháng 4/2019, Tập đoàn đã tăng sở hữu tại TTC 02 từ 49% lên 90%.

du-an-tai-vn

Các dự án năng lương tái tạo đã và đang triển khai của Gulf Energy tại Việt Nam. (Minh Anh việt hóa).

Đây là hai dự án Gulf Energy hợp tác với Tập đoàn Thành Thành Công trong việc phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam.

hinh1_swif

Nhà máy điện mặt trời TTC số 01 và TTC số 02 ở Tây Ninh. (Nguồn: Tập đoàn Thành Thành Công)

Trong đó, Nhà máy điện mặt trời TTC 01 ở Tây Ninh, được xây dựng trên diện tích 69,5 ha, diện tích để lắp đặt hệ thống các tấm pin năng lượng mặt trời 42,5 ha, có quy mô 69 MW.

Tổng mức đầu tư của dự án hơn 1.500 tỉ đồng. Sau gần 10 tháng thi công, TTC 02 được đưa vận hành thương mại vào ngày 6/3/2019.

Nhà máy Điện mặt trời TTC 02 được xây dựng trên diện tích 50,6 ha ở Tây Ninh, diện tích để lắp đặt hệ thống các tấm pin năng lượng mặt trời là 39,2 ha với quy mô 50 MW. Tổng mức đầu tư của dự án này hơn 1.200 tỉ đồng và được đưa vào vận hành thương mại vào ngày 19/4/2019 sau 8 tháng thi công.

Dù chưa đi vào vận hành thương mại trong quý I/2019 nhưng Gulf Energy vẫn ghi nhận lợi nhuận từ Nhà máy điện mặt trời TTC 01 khoảng 7,2 triệu Bath, tương 5,5 tỉ đồng.

Đối với Nhà máy điện mặt trời TTC 02, Gulf Energy ước tính khoản giá trị lợi thế thương mại lên tới 351 triệu Baht, tương đương 268 tỉ đồng từ việc tăng sở hữu tại TTC 02 từ 49% lên 90%.

Theo kế hoạch, Gulf và Tập đoàn Thành Thành Công đang lên dự định phát triển một dự án điện gió có công suất 310 MW và một dự án điện mặt trời 30 MW tại Bến Tre.

Minh Anh