|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Bộ Công Thương: Sẽ đưa rủi ro điện hạt nhân về 0

18:47 | 23/10/2024
Chia sẻ
Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết mặc dù vẫn có rủi ro về sự cố điện hạt nhân nhưng xu hướng hiện nay là vẫn đang phát triển loại hình điện này. Do vậy, Bộ Công Thương ưu tiên việc sử dụng các công nghệ mới, đã được áp dụng trước đó nhằm đảm bảo tối đa an toàn và đưa mức rủi ro về 0.

 

Liên quan đến việc tái khởi động nghiên cứu dự án điện hạt nhân, tại buổi họp báo thường kỳ chiều ngày 23/10,  ông Bùi Quốc Hùng - Phó Cục trưởng, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo cho biết việc  phát triển điện hạt nhân phải đảm bảo yếu tố khoa học, kỹ thuật và tài chính.

Năm 2019, Việt Nam đã nghiên cứu để triển khai các dự án điện hạt nhân tại Ninh Thuận theo quyết định của Quốc hội. Song, có nhiều vấn đề phát sinh, đặc biệt là thiếu nguồn tài chính. Do đó Quốc hội tạm dừng việc triển khai dự án điện hạt nhân tại Ninh Thuận. 

Tuy nhiên, hiện nay, tình hình đất nước và thế giới có nhiều chuyển biến tích cực, trong đó có cả vấn đề về nguồn lực. Vì vậy, Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ để nghiên cứu kinh nghiệm phát triển điện hạt nhân trên thế giới và báo cáo lên Chính phủ. 

Bộ Công Thương cho rằng việc nghiên cứu phát triển điện hạt nhân trong thời gian tới là rất cần thiết nhằm đảm bảo an ninh năng lượng, đáp ứng được mục tiêu trung hoà carbon. 

Việc phát triển điện hạt nhân thế nào sẽ được nghiên cứu kỹ, sau đó đề xuất trong quy hoạch phát triển điện quốc gia điều chỉnh. 

Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân bổ sung thêm, hiện sức ép từ việc phát triển năng lượng tái tạo rất lớn, do đó hệ thống điện nền đóng vai trò quan trọng. Tại một số nước, nhu cầu phát triển điện hạt nhân thậm chí tăng gấp 2 - 3 lần. Điển hình như ở Nhật Bản, ước tính tỷ trọng điện hạt nhân chiếm 20 - 25%. 

Mặc dù vẫn có rủi ro về sự cố điện hạt nhân nhưng xu hướng hiện nay là vẫn đang phát triển loại hình điện này. Do vậy, Thứ trưởng cho biết trong thời gian tới Bộ Công Thương ưu tiên việc sử dụng các công nghệ mới, đã được áp dụng trước đó nhằm đảm bảo tối đa an toàn và đưa mức rủi ro về 0. 

Nói về thời điểm thực hiện, ông Tân cho biết việc này phụ thuộc quá trình xin chủ trương. Bộ Công Thương đang phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ để nghiên cứu điện hạt nhân, sau đó báo cáo với Chính phủ và các cấp có thẩm quyền để xin chủ trương. Bước tiếp theo, hai cơ quan này tiếp nghiên cứu để tính đến việc điều chỉnh quy hoạch điện, tính toán chi phí đầu tư, chu trình….thì mới xác định được thời điểm thực hiện điện hạt nhân.  

Trước đó, tại cuộc họp báo của Bộ Khoa học và Công nghệ chiều ngày 17/10,Phạm Quang Minh, Phó Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử cho biết việcchuyển đổi xanh trong cơ cấu nguồn điện là rất cần thiết, theo Báo Chính phủ. 

Trong đó, xu thế của nhiều nước hiện nay là phát triển điện hạt nhân kết hợp cùng với năng lượng tái tạo. Điện hạt nhân có vai trò quan trọng trong phụ tải nền, tạo ra sự tin cậy và ổn định cho hệ thống điện.

Trong bối cảnh trên, điện hạt nhân là nguồn điện hầu như không phát thải CO2 (phát thải tương đương thuỷ điện và điện gió), sẽ là nguồn điện quan trọng trong cơ cấu nguồn điện của nhiều nước thời gian tới.

Điện hạt nhân được xem là một giải pháp quan trọng để bảo đảm an ninh năng lượng cho Việt Nam trong bối cảnh nhu cầu tiêu thụ điện gia tăng mạnh. 

Tuy nhiên, ông Phạm Quang Minh cũng nhấn mạnh, muốn phát triển điện hạt nhân, việc ứng dụng các công nghệ hạt nhân tiên tiến và bảo đảm tiêu chuẩn an toàn cao nhất là rất quan trọng.

H.Mĩ

Sự kiện chứng khoán nổi bật 2024: Thách thức mốc 1.300 điểm, khối ngoại bán ròng kỷ lục, VNDirect bị hacker quốc tế tấn công
Thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục tăng trưởng năm thứ hai liên tiếp (2023 - 2024). Cùng điểm lại những sự kiện đáng chú ý nhất ngành chứng khoán trong năm qua như sự kiện nhà đầu tư nước ngoài bán ròng kỷ lục, hệ thống của VNDirect bị hacker quốc tế tấn công.