|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Đề xuất nhà nước độc quyền xây dựng nhà máy điện hạt nhân

16:38 | 21/10/2024
Chia sẻ
Tại dự án Luật Điện lực (sửa đổi), Chính phủ đề nghị bổ sung quy định về việc Nhà nước độc quyền trong việc đầu tư xây dựng và vận hành các dự án nhà máy điện hạt nhân.

Chiều 21/10,thừa ủy quyền của Thủ tướng, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên trình bày tờ trình dự án Luật Điện lực (sửa đổi) trước Quốc hội.

Tại dự án Luật Điện lực (sửa đổi), nhiều đề xuất mới đã được đưa ra. Trong đó, Chính phủ đề xuất Nhà nước độc quyền và Thủ tướng quy định cơ chế đặc thù triển khai đầu tư, xây dựng, vận hành nhà máy điện hạt nhân.

Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên thừa ủy quyền Chính phủ trình bày tờ trình dự án Luật Điện lực (sửa đổi), chiều 21/10. (Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội).

Nhà nước độc quyền xây dựng, vận hành điện hạt nhân

Trong đó, Luật Điện lực (sửa đổi) quy định Nhà nước độc quyền trong các hoạt động sau đây vì mục đích bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia. Trong đó có việc đầu tư xây dựng và vận hành các dự án nhà máy điện hạt nhân, nhà máy thuỷ điện chiến lược đa mục tiêu, lưới điện truyền tải quan trọng từ cấp điện áp 220 kV trở lên, nguồn điện khẩn cấp, lưới điện khẩn cấp.

Về chính sách phát triển điện hạt nhân, Luật dành riêng một điều để quy định cụ thể. Trong đó quy định quy hoạch phát triển điện hạt nhân là một phần gắn liền và đồng bộ với quy hoạch phát triển điện lực quốc gia để đảm bảo mục tiêu an ninh cung cấp điện.

Dự án điện hạt nhân là dự án quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia, do nhà nước đầu tư xây dựng và vận hành. Việc đầu tư xây dựng, vận hành, chấm dứt hoạt động và bảo đảm an toàn nhà máy điện hạt nhân phải tuân thủ quy định của Luật Năng lượng nguyên tử và các quy định pháp luật khác có liên quan.

Đặc biệt, "các dự án điện hạt nhân phải sử dụng công nghệ hiện đại, có kiểm chứng để đảm bảo an toàn cao nhất. Tuỳ thuộc tình hình kinh tế, xã hội thời kỳ và dự án cụ thể, Thủ tướng Chính phủ quy định cơ chế đặc thù để đảm bảo triển khai đầu tư xây dựng, vận hành nhà máy điện hạt nhân có hiệu quả", Chính phủ đề xuất.

Với việc vận hành, nhà máy điện phối hợp vận hành theo danh sách do Bộ Công Thương quy định, bao gồm nhà máy điện có cùng tính chất vận hành với nhà máy điện hạt nhân, nhà máy thủy điện chiến lược đa mục tiêu.

Ngoài quy định về nhà máy điện hạt nhân, dự án Luật Điện lực (sửa đổi) được bổ sung tổng cộng 68 điều gồm các nội dung về quy hoạch phát triển điện lực, chính sách đấu thầu chủ đầu tư các dự án nguồn điện, chính sách xử lý các nguồn điện khẩn cấp, chính sách phát triển và vận hành các dự án nhà máy nhiệt điện sử dụng khí, dự án nguồn điện đầu tư theo phương thức đối tác công tư áp dụng loại hơp đồng xây dựng - vận hành - chuyển giao.

Đặc biệt là việc bổ sung các chính sách về năng lượng tái tạo (điện mặt trời, đặc biệt quy định về phát triển điện gió ngoài khơi), năng lượng mới với điều kiện tiến bộ khoa học kỹ thuật phù hợp (như hydrogen), cơ chế mua bán điện trực tiếp, triển khai đầy đủ các cấp độ của thị trường điện cạnh tranh, tiến tới xóa bỏ bù chéo giá điện giữa các thành phần kinh tế, các loại giá điện, giá mua bán điện theo thời gian trong ngày, giá điện nhiều thành phần...

Làm rõ quy định về cơ chế đặc thù

Trình bày báo cáo thẩm tra dự án Luật Điện lực (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trườngLê Quang Huy cho rằng,  phát triển điện hạt nhân là vấn đề mới, cần được nghiên cứu kỹ lưỡng. Do đó, cơ quan này đề nghị Bộ Công Thương - cơ quan chủ trì soạn thảo báo cáo cấp có thẩm quyền về mức độ quy định phát triển điện hạt nhân tại dự án luật.

Theo cơ quan thẩm tra, việc đưa nội dung "Thủ tướng quy định cơ chế đặc thù để đảm bảo triển khai đầu tư xây dựng, vận hành nhà máy điện hạt nhân" là không phù hợp về thẩm quyền, theo Luật Tổ chức Chính phủ, Ban hành Văn bản quy phạm pháp luật. Đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, chỉnh lý cho phù hợp, theo báo cáo thẩm tra.

Cùng với đó, Chủ nhiệm Uỷ banKhoa học Công nghệ và Môi trường cũng đề nghị làm rõ quy định về Nhà nước độ quyền đầu tư haymột số quy định về cam kết sản lượng hợp đồng tối thiểu, dài hạn và cơ chế bao tiêu với các đơn vị tham gia thị trường điện.

Đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, rà soát, hoàn thiện các cơ chế, chính sách ưu đãi và phân bổ các nguồn lực cho năng lượng tái tạo góp phần thực hiện cam kết của Việt Nam phấn đấu đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Đặc biệt, Cơ quan thẩm tra cho rằng việc khảo sát và phát triển năng lượng cần được điều chỉnh để đảm bảo tính đồng bộ với các luật liên quan. Các dự án tự sản, tự tiêu năng lượng tái tạo cần quy định rõ ràng về quy mô và thủ tục đăng ký. Ngoài ra, việc nâng cấp thiết bị và tháo dỡ dự án cũng cần quy định phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Hạ An