Trình Quốc hội thông qua dự án Luật Điện lực (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 8
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cho biết ngày 14/11, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (KH,CN&MT) đã có báo cáo về một số vấn đề lớn về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi).
Đến nay, dự thảo Luật đã được rà soát, lược bỏ cơ bản các quy định cụ thể, chi tiết thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Bộ trưởng, các quy định về thủ tục hành chính, chỉ giữ lại các quy định thuộc thẩm quyền của Quốc hội và luật hoá một số nội dung cần thiết; đã được rút ngắn từ 130 điều xuống còn 88 điều.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị các cơ quan tiếp tục rà soát để tiếp thu đầy đủ ý kiến của ĐBQH; hoàn thiện Báo cáo tiếp thu, giải trình về dự thảo luật đảm bảo chất lượng.
Lưu ý rà soát để đảm bảo thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật và các luật đã có cũng như các luật sẽ sửa có liên quan.
Đảm bảo việc thực hiện chủ trương đổi mới của Đảng, Nhà nước, Quốc hội trong công tác xây dựng Luật. Thực hiện nghiêm các quy định của Nghị quyết 27 và Nghị quyết 118.
Đối với các nội dung Cơ quan chủ trì thẩm tra, xin ý kiến, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất với ý kiến của đa số Thường trực Ủy ban KH,CN&MT là trình Quốc hội thông qua dự án luật này tại Kỳ họp thứ 8.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan liên quan phối hợp chặt chẽ, quyết tâm, nỗ lực, trách nhiệm để thực hiện tinh thần này, đảm bảo chất lượng tốt nhất cho dự án Luật trình Quốc hội thông qua.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chủ trì thẩm tra để hoàn thiện Báo cáo tiếp thu, giải trình dự án Luật.
Ủy ban KH,CN&MT tiếp thu ý kiến của đồng chí Chủ tịch Quốc hội, của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; chủ trì, phối hợp với các cơ quan soạn thảo, các cơ quan liên quan hoàn thiện Báo cáo tiếp thu, giải trình về dự thảo Luật, thực hiện các bước theo quy định, đảm bảo chất lượng tốt nhất của dự án luật, trình Quốc hội xem xét, quyết định.
Để kịp thời gian trình Quốc hội thống nhất với đề xuất của Ủy ban KH,CN&MT, sau khi tiếp thu ý kiến Ủy ban Thường vụ trong phiên họp, cần khẩn trương hoàn thiện dự án Luật, gửi lấy ý kiến Chính phủ, các Đoàn ĐBQH, các cơ quan của Quốc hội và các cơ quan có liên quan.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cũng giao Tổng Thư ký Quốc hội chỉ đạo tổng hợp các ý kiến tham gia trong Phiên họp và tóm lược nêu trên; thông báo kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, khẩn trương gửi đến các cơ quan liên quan để tổ chức thực hiện.