Gần 5.000 văn bản cần sửa khi sắp xếp tổ chức bộ máy
Chiều 25/12, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đồng chủ trì Hội nghị quán triệt, triển khai thi hành các luật, nghị quyết được thông qua tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa 15.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết trong 4.922 văn bản sẽ bị tác động bởi quá trình sắp xếp tổ chức bộ máy, có 167 luật, 9 nghị quyết của Quốc hội; 10 pháp lệnh, 2 nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; 829 nghị định, 271 quyết định của Thủ tướng, một chỉ thị của Thủ tướng và 3.642 văn bản cấp bộ.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã gửi văn bản yêu cầu Chính phủ và các cơ quan liên quan khẩn trương rà soát, nghiên cứu và đề xuất phương án sửa đổi, bổ sung các văn bản này. Sau khi rà soát, Thường vụ sẽ xem xét và bổ sung vào chương trình nghị sự. Quốc hội có thể áp dụng hình thức sửa đổi nhiều luật trong một văn bản hoặc ban hành nghị quyết để xử lý các nội dung cần thiết.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ chuẩn bị kỹ lưỡng để hoàn tất việc sửa đổi văn bản và trình Quốc hội trong kỳ họp bất thường vào cuối tháng 2/2025. Ông cho rằng trong quá trình sắp xếp tổ chức bộ máy không tránh khỏi sự xáo trộn trong hoạt động của một số bộ, ngành, do đó Chính phủ cần chỉ đạo các cơ quan soạn thảo, ban hành văn bản để đảm bảo công việc không bị gián đoạn. Các cơ quan mới tiếp nhận nhiệm vụ cần nhanh chóng kế thừa kết quả và hoàn thiện hồ sơ trình ban hành để các văn bản có hiệu lực đúng hạn.
Về công tác lập pháp trong kỳ họp 9, Chủ tịch Quốc hội cho biết khối lượng công việc rất lớn, dự kiến sẽ thông qua 11 luật, hai nghị quyết, và cho ý kiến lần đầu đối với 15 dự án luật cùng một số nội dung khác sẽ được bổ sung vào chương trình.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan tiếp tục đổi mới tư duy lập pháp, xây dựng các luật ngắn gọn, phù hợp với thẩm quyền của Quốc hội, tránh luật hóa các quy định của nghị định, thông tư, và bảo đảm tính ổn định, lâu dài cho các luật.
Cùng ngày, Chủ tịch Quốc hội ký nghị quyết chương trình công tác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2025, với trọng tâm là chuẩn bị cho việc tinh gọn bộ máy nhà nước. Theo đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ phối hợp với các cơ quan, tổ chức liên quan để chuẩn bị nội dung và tổ chức thực hiện chương trình kỳ họp thứ 9 và 10.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các luật và nghị quyết có liên quan đến việc sắp xếp tổ chức bộ máy, trình Quốc hội tại kỳ họp bất thường tháng 2/2025, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của các cơ quan sau khi sắp xếp.
Trong năm 2025, Quốc hội sẽ tổng kết việc thực hiện Nghị quyết 18 và Nghị quyết 56/2017 về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước. Đồng thời, Quốc hội sẽ nghiên cứu và xây dựng đề án đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của cơ quan thuộc Quốc hội và các cơ quan liên quan.
Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét và quyết định về tổ chức bộ máy, nhân sự, chế độ, chính sách theo đề nghị của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.