Ông Hồ Quốc Thân - CEO Triệu nụ cười bị cáo buộc lừa đảo bằng đồng tiền lượng tử QFS
Ngày 24/12, Công an TP Hà Nội thông báo đã tiến hành khám xét khẩn cấp trụ sở CTCP Triệu nụ cười, nơi ở của ông Hồ Quốc Thân (Giám đốc công ty) để điều tra dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng thủ đoạn kêu gọi đầu tư vào tiền ảo.
Theo cơ quan chức năng, ông Thân thành lập Triệu nụ cười với vốn điều lệ 25 tỷ đồng và đảm nhiệm vị trí Chủ tịch HĐQT. Từ giữa tháng 4, ông bắt đầu chiến dịch quảng cáo cho đồng tiền lượng tử QFS TNCVN do ông tự phát hành, không liên quan đến tiền điện tử.
Điều kiện tham gia vào hoạt động của "hệ sinh thái" Triệu nụ cười là các cá nhân, doanh nghiệp phải bỏ tiền "trợ duyên" để sở hữu đồng tiền lượng tử QFS TNCVN với mức giá từ 4-5 triệu đồng/1 QFS cho cá nhân và 39 triệu đồng/1 QFS cho doanh nghiệp.
Ông Hồ Quốc Thân đã bổ nhiệm nhiều người vào các vị trí khác nhau như Ngô Hùng Cường - Phó Tổng khối hành chính tổng hợp; Đặng Hữu Mỳ - Phụ trách khối lượng tử QFS; Đặng Đỗ Thu Nga - Phó Tổng giám đốc truyền thông; Hồ Phương Thảo - Phó Tổng thanh tra nội bộ; Bùi Hoàn - Phó Tổng phụ trách thương mại; Kế toán trưởng Võ Thị Thanh Vân.
Cơ quan điều tra cáo buộc những người này đã đưa ra thông tin không đúng sự thật về việc đồng QFS nhằm thu hút các nhà đầu tư cá nhân và doanh nghiệp.
Theo lời quảng cáo, đồng QFS được bảo chứng bằng… di sản của nhiều nguồn, các gia tộc lưu lại trong hàng trăm năm qua, được 48 nước công nhận và sẽ được kích hoạt vào tháng 10, 11/2024 tại Việt Nam.
Khi tham gia vào hệ sinh thái trên, các doanh nghiệp được hứa hẹn được hỗ trợ vốn để tái cơ cấu, phát triển không phải thế chấp, không phải trả lãi suất. Nếu vì bất kỳ lý do nào, cá nhân, doanh nghiệp không muốn tiếp tục tham gia cùng công ty thì ông Thân sẽ trả lại tiền.
Thời điểm cơ quan công an vào cuộc, đã có khoảng 100 doanh nghiệp và gần 400 cá nhân đã mua đồng QFS, với tổng giá trị hàng chục tỷ đồng.
Cơ quan điều tra cho biết, để đánh bóng tên tuổi, ông Thân đã xây dựng hình ảnh về một tập đoàn an sinh, vì lợi ích của người dân nhằm tạo niềm tin cho khách hàng là cá nhân và doanh nghiệp trợ duyên "mua" đồng QFS.
Công ty đã mở chuỗi cửa hàng dân sinh Triệu nụ cười và đã đưa 36 cơ sở đi vào hoạt động tại Hà Nội và nhiều tỉnh thành phố trên cả nước. Các cửa hàng này kinh doanh sản phẩm tiêu dùng như thực phẩm, hàng tạp hóa...
Ông Thân chỉ đạo phát hành "Thẻ an sinh" với số tiền trả trước 2,6 triệu đồng. Trong một năm, khách hàng có thể đến mua hàng ưu đãi, miễn phí với số tiền 500.000 đồng/tuần. Thẻ không giới hạn về địa lý và có giá trị sử dụng sau 30 ngày kể từ khi mua thẻ. Đến nay, công ty này đã phát hành được khoảng hơn 2.000 thẻ an sinh.
Để có thể bán được nhiều thẻ an sinh cho người dân, ông Thân cũng tổ chức rất nhiều buổi livestream trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Youtube và có lịch họp online trên nền tảng Zoom với sự góp mặt của nhiều người đến từ các tỉnh, thành phố khác nhau.
Theo cơ quan điều tra, kết quả xác minh về dòng tiền trong tài khoản của ông Hồ Quốc Thân và công ty Triệu nụ cười chủ yếu đến từ hoạt động “trợ duyên” qua đồng QFS. Khi có tiền chuyển vào ông Thân tiếp tục chuyển khoản đến các tài khoản của nhiều cá nhân khác nhau và sử dụng với nhiều mục đích phục vụ chi phí hoạt động của Triệu nụ cười, mở chuỗi cửa hàng dân sinh, trả nợ…
Ngoài ra, ông Thân không có khoản tiền nào lớn như ông và các nhân viên đã đưa ra trong các buổi họp Zoom online hoặc để làm bảo chứng cho đồng QFS.
Thông tin từ cơ quan điều tra, ông Hồ Quốc Thân không nghề nghiệp, nhưng để đánh bóng tên tuổi, người này đã thuê nhà, thuê địa điểm đặt trụ sở công ty ở những nơi sang trọng, sử dụng ô tô hạng sang nhằm chiếm lòng tin của nhà đầu tư.