Cổ phiếu đầu tư công nổi sóng
Nhóm cổ phiếu lĩnh vực hạ tầng, xây dựng và vật liệu xây dựng đồng loạt tăng trong phiên sáng 25/12, trong đó nhiều mã trần như SMC, FCM, HVX, HHV, TV2, FCN, NO1, KSV, PLC, MTA, HBC, KCB.
Giao dịch tại nhóm cổ phiếu đầu tư công (lĩnh vực hạ tầng, xây dựng và vật liệu xây dựng) trở nên sôi động trong 25/12.
Lực cầu chủ động ngay từ đầu phiên đẩy các cổ phiếu lần lượt lên cao. Kết phiên sáng, nhiều mã đang giữ sắc tím như SMC, FCM, HVX, HHV, TV2, FCN, NO1, KSV, PLC, MTA, HBC, KCB.
VCG, KSB, LCG sau khi tăng trần đã hạ nhiệt về cuối phiên sáng, với mức trên 6-6,5%. Ngoài ra, các đại diện khác như CTD, CII cũng tăng 2-3%. Với nhóm nhóm thép, TLH tăng 2,6%, HPG, NKG và HSG tăng trên dưới 1%...
Trong nhóm này, thanh khoản cao nhất thuộc về các mã như VCG (trên 15 triệu cp), LCG (6 triệu cp), HHV (trên 9 triệu cp), KSB (gần 5 triệu cp), HBC (gần 5 triệu cp).
Đơn cử như tại cổ phiếu của Vinaconex (Mã: VCG), khối lượng khớp lệnh phiên sáng đạt 15,2 triệu cp, gấp hơn gần 8 lần so với phiên trước và cao nhất trong gần 9 tháng. Trên UPCoM, HBC của Xây dựng Hòa Bình tăng hơn 14% (tăng trần) với khối lượng gần 5 triệu cp, gấp 5 lần bình quân qua một quý.
Diễn biến khởi sắc của nhóm đầu tư công đặt trong bối cảnh thị trường chung đang tăng điểm mạnh. Tính đến 11h14, VN-Index tăng 18 điểm lên 1.279 điểm. Sắc xanh lan tỏa thị trường, với sụ dẫn dắt của nhóm đầu tư công và tài chính.
Triển vọng lĩnh vực đầu tư công năm 2025 ra sao?
Về lĩnh vực đầu tư công, báo cáo chiến lược mới đây của Chứng khoán Tiên Phong (TPS) cho biết trong năm 2024, ước tính vốn đầu tư khu vực Nhà nước đạt 657.000 tỷ đồng với mục tiêu giải ngân 95%. Trong đó, các dự án tiêu biểu có thể kể đến với các dự án Dự án Vành đai 3, Cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu Cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột…
Nguồn vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước đang được Chính phủ, Thủ tướng, các Bộ, ngành và địa phương tập trung thúc đẩy. Trong tháng 11, ước tính số vốn thực hiện đạt 75.900 tỷ đồng, tăng 5,6% so với cùng kỳ năm 2023.
Lũy kế 11 tháng, tổng vốn đầu tư thực hiện từ ngân sách Nhà nước đạt khoảng 572.000 tỷ đồng, bằng 73,5% kế hoạch năm, tăng 2,4% so với cùng kỳ (trong khi cùng kỳ năm 2023 đạt 76,3% kế hoạch và tăng 24,3%).
Như vậy, số vốn còn lại chưa phân bổ chi tiết là 29.100 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách trung ương là 7.300 tỷ đồng (của 21 bộ, cơ quan và 20 địa phương), vốn cân đối ngân sách địa phương là 21.800 tỷ đồng (của 24 địa phương).
Riêng ngành thép, tính chung 11 tháng, tổng sản lượng tiêu thụ thép tại Việt Nam đạt 22.29 triệu tấn, ghi nhận tăng 16% so với cùng kỳ. Tình hình tiêu thụ thép trong 2024 đã có những chuyển biến tích cực nhờ các dự án đầu tư công được đẩy mạnh sau tháng 3/2024 để thúc đẩy nền kinh tế.
Mặc dù giá thép nội địa tại Trung Quốc đang có nhiều chuyển biến bất lợi cho thị trường trong nước do nền giá rẻ hơn đáng kể so với thép Việt Nam, nhiều chính sách chống bán phá giá như Quyết định 2822/QĐ-BCT hay 1533/QĐ-BCT được Việt Nam triển khai nhằm bảo hộ ngành thép trong nước.
Do đó, ngành thép ở Trung Quốc rất khó khăn song có ít ảnh hưởng đến ngành thép Việt nam kể cả khi có mức giá rẻ hơn đáng kể.
TPS dự báo ngành thép Việt Nam tăng trưởng tích cực với sản lượng thép thành phẩm đạt 28-30 triệu tấn trong 2025, tăng khoảng 9%. Nhu cầu tiêu thụ trong nước ước đạt 21-22.5 triệu tấn, nhờ GDP tăng 6-6,5% và sự phục hồi kinh tế.
Tiêu thụ thép bình quân dự kiến tăng từ 240 kg/người hiện nay lên 290-300 kg/người vào năm 2030, cùng với việc chuyển đổi công nghệ hiện đại, giảm chi phí và tăng xuất khẩu đến hơn 30 quốc gia.
Cam kết phát thải ròng bằng không vào 2050 thúc đẩy sản xuất xanh, giúp ngành thép phát triển bền vững và phù hợp xu thế toàn cầu. Tuy nhiên, 2025 vẫn còn nhiều thách thức khi lượng phát thải hiện nay (37 triệu tấn) cao hơn mức mục tiêu của toàn ngành công nghiệp vào 2050.
Phân tích mới đây của ông Michael Kokalari, Giám đốc phòng Phân tích kinh tế vĩ mô và Nghiên cứu thị trường của VinaCapital, đưa góc nhìn lạc quan với nhóm ngành vật liệu.
Chuyên gia VinaCapital kỳ vọng tiêu thụ thép tại Việt Nam sẽ tăng 10% trong năm 2025, nhờ vào sự phục hồi của ngành xây dựng bất động sản và sự tăng trưởng dự kiến 15-20% trong xây dựng cơ sở hạ tầng công cộng vào năm tới, điều này sẽ giúp đẩy mạnh tăng trưởng lợi nhuận toàn ngành lên 25% trong năm 2025.