|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Nới room ngoại 2018: Cũ nhưng vẫn nóng

09:00 | 29/12/2018
Chia sẻ
Dù câu chuyện nới room đã được bàn đến từ khá lâu nhưng vẫn luôn được giới đầu tư luôn quan tâm, nghe ngóng, đặc biệt là trong lúc Bộ Tài chính đang lấy ý kiến về Luật Chứng khoán sửa đổi với đề xuất loại bỏ mức trần tỷ lệ sở hữu của nước ngoài.

Nhiều doanh nghiệp được nới room ngoại trong 2018

Mới đây, CTCP Tập đoàn Kido (Mã: KDC) thông báo đã được Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) chấp thuận điều chỉnh tỷ lệ sở hữu nhà đầu tư nước ngoài tối đa (room ngoại) tại KDC từ 49% lên 100%.

Đây được coi là tin tốt với cổ đông của Kido, giúp công ty thu hút thêm vốn ngoại đặc biệt trong bối cảnh hoạt động kinh doanh kém hiệu quả. Tính đến thời điểm 30/6, tỷ lệ sở hữu nhà đầu tư nước ngoài tại Kido là 21,59%.

Một doanh nghiệp khác, CTCP Pymepharco (Mã: MPE) đã được nới room từ 49% lên 100% vào ngày 16/11. Trước đó, cổ đông ngoại lớn nhất tại Pymepharco là Stada Service Holding nắm 49% vốn, đã có thư đề nghị về việc nâng tỷ lệ sở hữu từ 49% lên tối đa 72% mà không cần phải chào mua công khai.

Nội dung này đã được đại hội đồng cổ đông bất thường của công ty vào cuối tháng 10 thông qua. Theo giới đầu tư, đây được xem là thông tin hỗ trợ tích cực đối với cổ phiếu PME khi giá cổ phiếu chỉ nhích nhẹ so với hồi đầu năm và thanh khoản khá thấp.

Tại CTCP Dược Hậu Giang (Mã: DHG), sau hơn hai năm chờ đợi, phương án nới room lên 100% được được UBCKNN thông qua. Ngay sau đó, cổ đông lớn Taisho Pharmaceutial đã mua công khai hơn 9,2 triệu cổ phần của DHG với mức giá 120.000 đồng/cp.

Theo nhận định của CTCP Chứng khoán Sài Gòn (SSI), khi tiến hành nâng trần sở hữu khối ngoại, Dược Hậu Giang sẽ hoàn toàn từ bỏ các hoạt động phân phối liên quan đến các đối tác nước ngoài. Đây có thể là lý do chính khiến công ty giảm một nửa kế hoạch doanh thu thuần 2018 xuống 3.898 tỉ đồng. Việc nới room có thể là một trong những bước đi đầu tiên tiến tới việc thoái vốn Nhà nước tại Dược Hậu Giang, tương tự như trường hợp của Vinamilk.

Gần 2 tháng sau khi kế hoạch nới room được đại hội đồng cổ đông 2018 thông qua, CTCP Thép Việt Ý (Mã: VIS) đã hoàn thành thủ tục nới room. Ngay lập tức, cổ đông lớn Kyoei Steel liên tục gom cổ phiếu VIS.

Đến tháng 8, tổ chức này đã tăng sở hữu lên tới 71,8% vốn VIS đồng thời đưa người vào quản trị ở những vị trí cốt cán như Chủ tịch HĐQT Toshimasa Zako, Tổng Giám đốc Yoichi Hoshino, Phó Tổng Satoshi Oda, Satoshi Sugino, Hidekazu Fukunishi… Thị trường đang chờ đợi những định hướng mới trong quản lý, điều hành tại VIS nhằm thích ứng với nhiều khó khăn mà ngành thép phải đối mặt trong năm 2018, từ biến động giá nguyên liệu, chi phí sản xuất đến cạnh tranh trong nước và xuất khẩu.

Ngoài những doanh nghiệp nói trên, Đạm Phú Mỹ (Mã: DPM), CTCP Chứng khoán Bản Việt (Mã: VCI) và Sabeco (Mã: SAB) cũng đang chờ sự chấp thuận của UBCKNN để được nới room lên 100%.

noi room ngoai 2018 cu nhung van nong
Hình minh họa. (Nguồn: Internet)

Nới room ngoại còn nhiều bất cập

Trong khi nới room ngoại lên 100% được kỳ vọng sẽ thu hút dòng vốn vào thị trường chứng khoán thì những băn khoăn về bất lợi, khó khăn của doanh nghiệp nội cũng xuất hiện. Có lẽ những cuộc hôn nhân không suôn sẻ giữa nhà đầu tư nội và ngoại đã khiến nhiều doanh nghiệp tỏ ra lo ngại.

Đơn cử như câu chuyện của Lotte và Bibica (Mã: BBC), cuộc chiến để giữ thương hiệu Việt đã khiến ban điều hành Bibica và đại diện vốn Lotte xung đột trong một thời gian dài.

Nhìn lại kết quả hợp tác với Lotte, ban điều hành Bibica từng chia sẻ rằng những kỳ vọng về sự hợp tác toàn diện giữa Bibica - Lotte đã không diễn ra như mong muốn, nếu không muốn nói là ngược lại với mục đích ban đầu. Khi bán cổ phần cho đối tác đầu tư, doanh nghiệp thường chỉ yêu cầu cổ phần tối thiểu mà không qui định cổ phần tối đa, do đó, trong trường hợp tại Bibica, cổ đông Lotte có thể tăng tỷ lệ cổ phần theo mong muốn của họ.

Vụ lùm xùm của VinaCapital và Ba Huân cũng là một trong trường hợp mâu thuẩn giữa nhà đầu tư nước ngoài với doanh nghiệp nội. Mấu chốt của vấn đề là nằm ở những thoả thuận đầu tư khi có sự khác biệt giữa lúc bàn bạc và thực thi. Và đây cũng chính là nguyên nhân khiến cho rất nhiều thương vụ quỹ ngoại đầu tư vào doanh nghiệp bị đổ bể hoặc “đứt gánh giữa đường".

Và mới đây, Bộ Tài chính lấy ý kiến về Dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi trong đó có đề xuất mới sẽ là loại bỏ mức trần tỷ lệ sở hữu của nước ngoài. Trả lời tờ Nikkei, Giám đốc Bộ phận doanh nghiệp của Citibank cho biết, điều này sẽ cho phép các công ty nước ngoài có thêm quyền quản lý, là động lực để các nhà đầu tư gia nhập thị trường Việt Nam và mở rộng kinh doanh. Tuy nhiên, nới room ngoại không chỉ có “màu hồng”.

Nhiều doanh nghiệp phải đánh đổi các quyền lợi và chấp nhận cuộc chơi mới. Đó là việc phải chấp thuận hoạt động theo các điều kiện của Luật Đầu tư nước ngoài, trong đó có nhiều điều không cho phép kinh doanh một số ngành nghề, đồng nghĩa sẽ bỏ mất nhiều cơ hội tốt vào tay các đối thủ cạnh tranh.

Theo quy định, nếu tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài trên 51% thì được coi là công ty nước ngoài. Theo đó doanh nghiệp phải đáp ứng các thủ tục đầu tư theo quy định đối với nhà đầu tư nước ngoài khi thực hiện các hoạt động đầu tư góp vốn, mua cổ phần tại thị trường chứng khoán Việt Nam.

Ngoài ra, khi tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư ngoại từ 51% vốn, doanh nghiệp còn chịu sự ràng buộc về các khoản đầu tư. Trong đó, có thể kể đến hoạt động phân phối dược phẩm chưa cho phép nhà đầu tư nước ngoài tham gia. Đây chính là lý do khiến doanh nghiệp niêm yết không mấy “mặn mà” với việc nới room cho nhà đầu tư nước ngoài.

Và có lẽ câu chuyện bất ngờ khóa room ngoại xuống 0% tại Vinaconex (Mã: VCG) mới đây đã cho thấy những bất cập về quy định nới room. Trong công văn báo cáo UBCKNN, Vinaconex cho biết, trong 26 mã ngành, nghề đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp, có 2 ngành nghề bị giới hạn sở hữu nước ngoài ở mức 0% và 5 ngành nghề chưa xác định được tỷ lệ sở hữu nước ngoài.

Bình luận về trường hợp này, đại diện UBCKNN cho rằng, lâu nay Vinaconex chưa thực hiện thủ tục thông báo tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa theo quy định, dẫn đến việc nhà đầu tư nước ngoài đã "xé" room mua vào 48 triệu cổ phiếu VCG và hiện đang sở hữu 10,9% cổ phần tại Vinaconex.

Xem thêm

Minh Anh

Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng khẳng định không buông bỏ VinFast và cá nhân tiếp tục hỗ trợ 1 tỷ USD
Theo quan điểm của Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng, VinFast là dự án làm vì trách nhiệm xã hội, muốn đóng góp cho đất nước một thương hiệu, top đầu về xe trên thế giới.