Một số nhà kinh tế cho rằng ngày nay “the tail wags the dog” (cái đuôi điều khiển con chó) để ám chỉ thị trường chứng khoán chi phối sức khỏe của nền kinh tế chứ không phải ngược lại như trước đây. Ba cuộc suy thoái kinh tế gần đây nhất của Mỹ đều đi sau các cuộc khủng hoảng tài chính/chứng khoán. Bởi vậy giới kinh tế càng ngày càng quan tâm đến việc quản lý/giám sát thị trường tài chính nói chung và thị trường chứng khoán nói riêng để giảm thiểu rủi ro khủng hoảng. Sau cuộc khủng hoảng tài chính 2007-2009, một loạt biện pháp/quy định pháp luật mới được đưa ra với mục đích như vậy (Dodd-Frank, Basel III, ESM, Libor reform...). Về cơ bản các bộ luật liên quan đến quản lý thị trường chứng khoán đều nhắm đến ba mục tiêu: (i) bảo vệ nhà đầu tư, (ii) gia tăng tính hiệu quả của thị trường, (iii) giảm rủi ro và tăng cường ổn định.