Ông Trần Hoàng Ngân: 'Ủy ban Chứng khoán Nhà nước phải chịu trách nhiệm khi xảy ra thao túng'
Trong phần thảo luận, đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP HCM) đã có kiến nghị liên quan đến việc chào bán chứng khoán ra công chúng và quy định về minh bạch trên thị trường chứng khoán.
Ông Trần Hoàng Ngân, đại biểu Quốc hội đoàn TP HCM. Nguồn: Vietnamnet
Mở đầu phần tham luận, ông Ngân phát biểu: "Tôi thấy rằng hiện nay cần thiết chúng ta phải có Luật Chứng khoán sửa đổi, không phải chỉ vì quy mô mà điều quan trọng nhất là đảm bảo tính minh bạch, công bằng, công khai của thị trường. Tôi cũng như các đại biểu khác cũng lo lắng cho sự an toàn trên thị trường chứng khoán. Bởi vì hiện nay, danh mục đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài chiếm trên thị trường chúng ta là tỷ lệ rất đáng kể. Nếu xét về vốn hóa là trên 19% và xét về giá trị khoảng 32 tỷ USD".
Bên cạnh đó, theo đại biểu này, hiện nay phần lớn các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán Việt Nam, các nhà đầu tư nhỏ thường thua lỗ bởi họ đang bị sự lũng loạn, bị thao túng.
"Mặc dù chúng ta biết rằng đã chơi là phải chịu, nhưng bị lũng loạn, bị thao túng thì ai là người chịu trách nhiệm. Tôi đồng ý nâng cao quyền của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước nhưng phải chịu trách nhiệm khi xảy ra thao túng trên. Trong điều luật của chúng ta phải có quy định bảo vệ nhà đầu tư nên chúng ta phải dành một khoản mục hoặc 1 chương liên quan đến bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư chứng khoán", ông Ngân kiến nghị.
Nói thêm về Dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi, ông Ngân phát biểu: "Điều 134 tôi rất đồng ý với Ban soạn thảo là chúng ta có điều khoản chuyển tiếp. Tức là ở Điều 134 khoản 4, công ty đại chúng có cổ phiếu đã niêm yết hoặc đăng ký giao dịch trước Luật này có hiệu lực thi hành mà không đáp ứng được quy định tại điểm a, khoản 1 Điều 31 luật này thì không bị hủy tư cách công ty đại chúng".
Nói về quy định điều kiện chào bán chứng khoán ra công chúng, theo ông Ngân, điều quan trọng nhất là khi phát hành chứng khoán lần đầu mà thành công thì công ty cổ phần sẽ đổi tên thành công ty cổ phần đại chúng. Đây là điểm rất khác biệt. Bởi công ty cổ phần theo Luật Doanh nghiệp chỉ cần 3 cổ đông thôi. Nhưng nếu đã gọi là công ty đại chúng thì số lượng cổ đông phải lớn và độ lớn đó tùy vào từng quốc gia.
"Tôi chia sẻ với quý đại biểu là đối với Mỹ hiện nay thì phải từ 300 cổ đông trở lên, ở Trung Quốc là khoảng 200 cổ đông. Theo gợi ý của Ủy ban thì cổ đông của công ty đại chúng của Việt Nam phải từ 200 cổ đông trở lên. Từ đó, tôi đề nghị Ban soạn thảo nên xem xét thêm đối với số cổ đông trong dự thảo ghi là 100 nhà đầu tư chiếm tỷ lệ ít nhất là 15% số cổ phiếu. Tôi nghĩ cái này chúng ta có thể nâng lên chứ không phải 100 cổ đông mà có thể nhiều hơn như các nước khác từ 200 cổ đông trở lên", ông Ngân chia sẻ.