|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Đại biểu Trần Hoàng Ngân: Ngành Ngân hàng đã đạt được ba mục tiêu quan trọng

06:41 | 25/10/2018
Chia sẻ
Trao đổi với phóng viên Thời báo Ngân hàng bên lề kỳ họp Quốc hội, PGS.TS. Trần Hoàng Ngân - đại biểu Quốc hội TP. HCM đã đánh giá cao nỗ lực của ngành Ngân hàng trong điều hành CSTT linh hoạt để góp phần quan trọng hỗ trợ tăng trưởng, kiểm soát lạm phát,
dai bieu tran hoang ngan nganh ngan hang da dat duoc ba muc tieu quan trong
Đại biểu Trần Hoàng Ngân

Thưa ông, ông đánh giá thế nào về những kết quả kinh tế năm 2018 và 3 năm đầu của giai đoạn 2016-2020 mà chúng ta đạt được đến thời điểm này?

Rất đáng mừng là 9 tháng đầu năm GDP của chúng ta tăng trưởng 6,98%, mức tăng trưởng cao nhất từ khi xảy ra khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế thế giới năm 2008 đến nay. Do đó, năm 2018 chúng ta sẽ đạt và vượt so với kế hoạch tăng trưởng là trên 6,7%.

Nhìn trong 3 năm cho thấy: 2016 chúng ta tăng trưởng 6,21%, 2017 tăng trưởng 6,8%, bình quân 3 năm chúng ta tăng trưởng khoảng 6,57% GDP. Có nghĩa 3/5 chặng đường chúng ta đã đạt kế hoạch và chúng ta hoàn toàn có thể tự tin cho việc thực hiện trọn vẹn kế hoạch kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020.

Điều đáng ghi nhận là chúng ta đạt kết quả kép, vừa đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế nhưng đồng thời đảm bảo được ổn định kinh tế vĩ mô, thể hiện qua nhiều cân đối lớn trong nền kinh tế.

Cụ thể như vấn đề kiểm soát lạm phát chúng ta đã kéo giảm liên tục 3 năm ở mức dưới 4%; bội chi ngân sách cũng theo xu hướng giảm, năm 2018 đạt mức khoảng 3,6%/GDP; cán cân thương mại 9 tháng đầu năm xuất siêu 6,4 tỷ USD, là mức cao nhất từ trước đến nay, cán cân thương mại trong 3 năm qua xuất siêu liên tục, góp phần giúp cán cân vãng lai, cán cân quốc tế đều thặng dư, tăng dự trữ ngoại hối…

Một kết quả quan trọng khác là trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung diễn ra, tình hình thương mại thế giới dao động rất lớn, nhiều đồng tiền trên thế giới mất giá mạnh so với USD nhưng ở Việt Nam tỷ giá vẫn được kiểm soát chặt chẽ theo mong muốn của Chính phủ và điều hành có lợi cho những người đang giữ tiền đồng Việt Nam.

Ở góc nhìn của mình, theo ông ngành Ngân hàng đã đóng góp như thế nào vào kết quả chung này?

Thời gian qua, NHNN đã điều hành CSTT rất linh hoạt và đáp ứng được mục tiêu quan trọng quốc gia: Vừa hỗ trợ tăng trưởng, vừa giải quyết bài toán kiểm soát lạm phát, vừa đảm bảo an ninh tài chính quốc gia, an toàn hệ thống ngân hàng.

Một điểm sáng nổi bật nữa cũng cần được nhắc tới là bên cạnh điều hành CSTT đạt các mục tiêu đề ra, hệ thống ngân hàng đã giải quyết rất tốt bài toán về xử lý các ngân hàng yếu kém và xử lý nợ xấu. Từ đó giúp cho lãi suất trong 3 năm qua theo xu hướng giảm, qua đó đã hỗ trợ rất tốt cho tăng trưởng kinh tế và kiểm soát lạm phát đạt mục tiêu dưới 4% trong 3 năm liên tiếp.

Bên cạnh đó, bài toán về tỷ giá và bài toán về vàng cũng đã được giải quyết rất tốt. Bằng chứng là đến bây giờ người ta không còn quan tâm nhiều đến vàng như trước đây mà quan tâm nhiều hơn đến đồng tiền Việt Nam.

dai bieu tran hoang ngan nganh ngan hang da dat duoc ba muc tieu quan trong
“Sức khỏe” của hệ thống ngân hàng ngày càng được cũng cố, nâng cao

Tuy nhiên những rủi ro bất định từ thị trường thế giới đang có xu hướng tăng lên, trong khi nội tại của nền kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn. Vậy theo ông, CSTT thời gian tới nên được điều hành thế nào để góp phần cùng Chính phủ thực hiện thắng lợi các mục tiêu đã đề ra?

Theo tôi, trong thời gian tới, nhiệm vụ của CSTT là tiếp tục theo đuổi mục tiêu hỗ trợ tăng trưởng, tạo công ăn việc làm và kiểm soát lạm phát. Làm sao cho người Việt Nam giữ tiền đồng có lợi hơn ngoại tệ, tức là chống được đôla hóa.

Vấn đề này thoạt nghe có vẻ thấy đơn giản, nhưng đi vào giải quyết sẽ rất khó khăn, đòi hỏi phải thật sự trí tuệ, linh hoạt và sự nhạy bén vì nếu để lãi suất tiền đồng lên cao sẽ ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh ngay nhưng nếu để ở mức thấp sẽ tác động đến tỷ giá. Nên giải bài toán cần phải hết sức khéo léo và phải có được sự cộng hưởng, sự hỗ trợ của chính sách tài khóa.

Theo đó, Chính phủ cũng cần phải điều hành chính sách tài khóa hết sức chặt chẽ để kiểm soát bội chi, đầu tư công để kiểm soát cầu vốn trên thị trường. Phải có sự kết hợp giữa chính sách tài khóa và CSTT để đạt được mục tiêu đã đề ra.

Liên quan đến các vấn đề của nền kinh tế, mặc dù tăng trưởng liên tục tăng nhưng báo cáo thẩm tra vẫn đặt ra lo lắng về chất lượng tăng trưởng, cử tri thì lo lắng cắt giảm điều kiện kinh doanh và môi trường kinh doanh còn chậm. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

Về chất lượng tăng trưởng, vừa qua đã có thay đổi rất lớn. Cụ thể tốc độ tăng năng suất của chúng ta đã cao hơn so với giai đoạn 2011-2015 khi tăng bình quân 5,6%/năm so với mức tăng 4,3% trước đây. Hay mức đóng góp của yếu tố năng suất nhân tố tổng hợp TFP vào tăng trưởng cũng được cải thiện so với giai đoạn trước khi đạt mức trên 42% (trước đây khoảng 33,5%) thể hiện chất lượng tăng trưởng đã tốt hơn.

Tuy nhiên, chúng ta chưa hài lòng với các chỉ số năng lực cạnh tranh của DN hay vấn đề cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Vì vậy Chính phủ phải tiếp tục cải cách hành chính tốt hơn và đặc biệt là trách nhiệm của Quốc hội là tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, tiếp tục hoàn thiện hệ thống luật pháp để DN cũng như bộ máy quản lý nhà nước được thực thi một cách dễ dàng.

Bên cạnh đó, kinh tế tăng trưởng liên tục, nhưng chúng ta vẫn lo lắng thiếu bền vững là do khu vực có vốn đầu tư nước ngoài ngày càng tăng lên và đóng góp nhiều vào tăng trưởng của Việt Nam. Mặc dù đó là điều rất mừng, nhưng dòng vốn đầu tư nước ngoài có đặc điểm ra vào liên tục.

Do vậy, Việt Nam chúng ta phải tranh thủ tận dụng được nguồn vốn FDI nhất là các dòng vốn có công nghệ cao để lan tỏa và kết nối với DN trong nước. Khi có sự trợ lực từ công nghệ cao giúp nâng cao năng lực cạnh tranh trong nước nên lúc đó chúng ta mới có thể yên tâm.

Vấn đề hiện nay là làm sao Chính phủ phải kết nối được vấn đề này, phải kết nối được DN trong nước với DN FDI để làm sao chúng ta có thể tận dụng được công nghệ của các nước tiên tiến là bài toán đặc biệt quan trọng nhưng sẽ khó khăn hơn.

Điểm thứ hai là dân số Việt Nam có 65% sống ở nông thôn, 40% làm nông nghiệp nhưng nền nông nghiệp vẫn cứ bấp bênh, được mùa mất giá, rồi giải cứu… Vì vậy phải làm sao để nền nông nghiệp phát triển một cách bền vững. Để làm được điều đó thì Chính phủ phải là đầu tàu hỗ trợ lĩnh vực này nhất là đầu tư hơn nữa về nguồn lực, công nghệ cao để nâng cao năng suất và chất lượng hàng hóa, bên cạnh đó là phát triển hệ thống giao thông thuận tiện hơn để giảm chi phí trung gian…

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Xem thêm

Trần Hương