|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Dấu hỏi nhân sự Saigonbank?

15:06 | 24/10/2018
Chia sẻ
Tính đến cuối tháng 9, tỷ lệ nợ xấu của Saigonbank lên đến 6,4%; lợi nhuận giảm gần một nửa so cùng kỳ. Đến nay, Saigonbank vẫn chưa công bố chính thức về chức Chủ tịch HĐQT và TGĐ do ai nắm giữ, mặc dù ngân hàng đã có thông báo tổ chức đại hội bất thường bàn về nhân sự cấp cao từ hồi tháng 8.
 

‘Ghế nóng’ Saigonbank vẫn đang bỏ trống?

Cuối tháng 7, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công thương (Saigonbank - Mã: SGB) phát đi thông báo chốt danh sách cổ đông để tổ chức đại hội bất thường và dự kiến trong tháng 8 sẽ bầu nhân sự hội đồng quản trị (HĐQT), ban kiểm soát nhiệm kỳ 2018 – 2023. Tuy nhiên đến nay, sau gần hai tháng, Ngân hàng vẫn chưa công bố thông tin kết bầu trong đại hội bất thường nay.

Thay đổi nhân sự gần nhất được Ngân hàng thông báo là vào giữa tháng 9, ông Nguyễn Minh Trí thôi chức Phó TGĐ theo nguyên vọng cá nhân.

Trên website của Saigonbank, thông tin về HĐQT cho thấy ông Vũ Quang Lãm vẫn đang là thành viên HĐQT đảm nhiệm công việc của Chủ tịch HĐQT, bà Minh vẫn đang làm Phó Tổng Giám đốc thường trực.

dau hoi nhan su saigonbank
(Nguồn: Saigonbank)

Liên tục thay lãnh đạo cấp cao

Tại đại hội đồng cổ đông thường niên năm nay, câu chuyện khiến cổ đông quan tâm nhất là lương nhân sự ngân hàng và cổ tức cổ đông, đây có lẽ là chuyện muôn thởu của không ít ngân hàng.

Lãnh đạo ngân hàng thừa nhận, lương nhân viên Saigonbank thấp nhất trong hệ thống, đến mức cổ đông cũng phải lên tiếng yêu cầu tăng lương lên tối thiểu 15 triệu đồng/tháng, “lãnh đạo ngân hàng cứ để lương lẹt đẹt thì làm sao làm việc được”, lời cổ đông tại đại hội.

Mặt khác, vấn đề nhân viên nghỉ việc, đặc biệt là nhân sự cấp cao và cấp trung nghỉ cũng là thách thức lớn của Saigonbank.

Chính lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng nói rằng năm 2017, Saigonbank trải qua nhiều thay đổi lớn trong dàn lãnh đạo cốt cán, cả Chủ tịch HĐQT và tổng giám đốc (TGĐ) đều được thay mới. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình hoạt động ngân hàng.

dau hoi nhan su saigonbank
Số lượng nhân viên Saigonbank giảm liên tục trong những năm gần đây. (Nguồn số liệu: BCTC hàng năm của Saigonbank)

Nhân sự Saigonbank xáo trộn bắt đầu từ năm 2015, cũng là thời điểm xôn xao chuyện Saigonbank sẽ về một nhà với Vietcombank (Mã: VCB). Ngày 1/9/2015, ông Nguyễn Phước Minh thôi chức Chủ tịch HĐQT nhiệm kỳ 2013 – 2017 để về hưu theo chế độ, theo đó ông Trần Quốc Hải đảm nhiệm “ghế nóng” này từ ngày này.

Vài ngày sau, bà Trần Thị Việt Ánh cũng thôi đảm nhiệm chức TGĐ để về hưu. Bà Ánh được biết đến là người đã gắn bó với Saigonbank hơn 20 năm.

Ông Vũ Quang Lãm, ngoài chức Thành viên HĐQT Saigonbank, ông còn là cán bộ Công ty TNHH MTV Xây dựng và Kinh doanh nhà Phú Nhuận và là Phó Tổng Giám đốc Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước TP HCM (HFIC), đã được bầu làm Tổng Giám đốc thay cho bà Ánh.

Ngồi “ghế nóng” được hơn hai năm, đến ngày 8/6/2017, Chủ tịch Trần Quốc Hải rút khỏi HĐQT, lý do ngân hàng đưa ra là vì sức khỏe. Thay vào đó, ông Phạm Văn Thông, thời điểm đó giữ chức Phó Chánh Văn phòng Thành ủy TP HCM, chính thức ngồi vào ghế Chủ tịch Saigonbank và đại diện Văn phòng Thành ủy sở hữu hơn 56 triệu cổ phần Saigonbank (tương đương 18,18% vốn điều lệ). Được biết ông thông từng là Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty Cơ khí Giao thông Vận tải Sài Gòn - TNHH MTV (SAMCO).

Hơn một năm sau, ngày 19/6/2018, bộ máy lãnh đạo cấp sao Saigonbank thêm lần biến động, ông Nguyễn Văn Thông thôi chức Chủ tịch HĐQT và không còn là đại diện phần vốn góp theo ủy quyền của Thành ủy TP HCM. Vài ngày sau, ông Thông bị Ủy ban Kiểm tra Thành ủy đề nghị cho thôi chức Chủ tịch Saigonbank do sai phạm liên quan đến chuyển nhượng đất tại dự án khu dân cư Phước Kiển, huyện Nhà Bè, TP HCM.

Sau khi ông Thông rời “ghế nóng”, ông Vũ Quang Lãm, thành viên HĐQT kiêm TGĐ thôi chức TGĐ để đảm nhiệm công việc của Chủ tịch HĐQT Ngân hàng. Đồng thời bà Võ Nguyệt Minh - Phó Tổng Giám đốc thường trực chịu trách nhiệm điều hành hoạt động của Ngân hàng thay cho ông Vũ Quang Lãm.

Đáng chú ý, tại đại hội đồng cổ đông thường niên 2018 hồi cuối tháng 6 , việc đề cử và bầu mới nhân sự Ban quản trị và Ban điều hành chưa được thực hiện, được bổ sung cho lần đại hội bất thường vào tháng 8, nhưng kết quả đến nay vẫn chưa được ngân hàng công bố.

Biến động nhân sự ảnh hưởng đến tình hình kinh doanh

Liên tục xáo trộn nhân sự trong nhiều năm qua, tình hình kinh doanh của ngân hàng đã bị ảnh hưởng không nhỏ. Tỷ lệ nợ xấu tăng liên tục qua các năm, lợi nhuận sụt giảm, vốn điều lệ thấp.

Thành lập năm 1987, cùng thời với các “ông lớn” như Agribank, VietinBank hay Eximbank, Saigonbank được xem là một trong những ngân hàng TMCP đầu tiên tại Việt Nam. Tuy nhiên, sau hơn 30 hình thành và phát triển, Saigonbank đang hụt hơi so với rất nhiều ngân hàng tư nhân sinh sau đẻ muộn. Có thể thấy trước mắt là quy mô vốn điều lệ chỉ ở 3.080 tỷ đồng, trong khi hầu hết ngân hàng hiện nay có vốn trên 5.000 tỷ đồng.

Chuyện tăng vốn của Saigonbank được đề cập từ năm 2014, với phương án tăng lên 4.080 tỷ đồng song qua nhiều mùa đại hội vẫn chưa thể thực hiện. Cùng với nhân sự, điều mà giới tài chính được nghe nhiều về Saigonbank là liên tiếp những đợt thoái vốn từ VietinBank, Công ty Xổ số Kiến thiết TP HCM, Saigontourist, Công ty TNHH MTV Phát triển Tân Thuận hai năm trở lại.

Trong bài viết mới đây trên Thời báo Kinh tế Sài Gòn, tác giả Hải Lý đề cập đến cơ cấu cổ đông Saigonbank hiện khá cô đặc. Bài viết nêu: “Cổ đông của SaigonBank lại cô đặc. Cổ đông lớn nhất là Văn phòng Thành ủy TPHCM nắm hơn 18% vốn. Ngoài ra còn có Công ty TNHH MTV Xây dựng và Kinh doanh nhà Phú Nhuận và Công ty TNHH MTV Du lịch Thương mại Kỳ Hòa cùng nắm hơn 16%, kế đến là Công ty TNHH MTV Dầu khí TPHCM (Saigon Petro) với tỷ lệ sở hữu hơn 14%. Bốn đơn vị này đang nắm giữ hơn 65% vốn của SaigonBank.

Một nhóm cổ đông nhỏ lẻ sở hữu khoảng 5% sau các đợt mua gom trên thị trường. Một nhóm nhà đầu tư khác có liên quan đến ngành nghề bất động sản đang có trong tay ước 11% cổ phần. Nhóm này mua từ các đợt thoái vốn SaigonBank của một số tổ chức trước đây. Tỷ lệ cổ phần còn lại rải rác trong tay các cá nhân và một số doanh nghiệp, nơi này nơi kia 1 - 3%”.

Bài viết này cho biết, hững nhóm cổ đông nắm giữ từ 5% cổ phần SaigonBank trở lên dường như đều có ý chờ đợi đợt thoái vốn của văn phòng Thành ủy TPHCM và các doanh nghiệp nhà nước, hiện đang nắm 65% vốn của SaigonBank. Ai trúng đợt thoái vốn qua đấu giá này có khả năng trở thành nhóm “ông chủ” của ngân hàng.

dau hoi nhan su saigonbank Thoái vốn SaigonBank và... đất!

Tình hình kinh doanh Saigonbank qua các năm

dau hoi nhan su saigonbank
dau hoi nhan su saigonbank
dau hoi nhan su saigonbank
(Nguồn số liệu: BCTC hàng năm của Saigonbank)

Kết thúc 9 tháng đầu năm, Saigonbank lãi trước thuế 122 tỷ đồng, giảm đến 47% so với cùng kỳ năm ngoái, thực hiện được 81% kế hoạch năm. Nợ xấu kết hoạch nhóm 3 đến 5 chiếm 3% tổng dư nợ, tuy nhiên tính đến hết tháng 9, tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng là 6,4%.

Xem thêm

Tiến Vũ