Chuẩn hóa tài sản đảm bảo cho vay nông nghiệp
Không thể để ngân hàng lẻ loi xử lý tài sản bảo đảm
Từ ngày 25/10, Nghị định 116/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 55/2015/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn sẽ chính thức có hiệu lực. Mặc dù, nhiều nút thắt liên quan đến điều kiện vay vốn và tài sản đảm bảo đã được tháo gỡ trong văn bản pháp lý này. Tuy nhiên, để các địa phương và các NHTM có thể triển khai đẩy mạnh cho vay đối với các dự án nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC) thì vẫn cần những hướng dẫn chi tiết và cụ thể từ nhiều bộ, ngành.
Những dây chuyền công nghệ chế biến sản phẩm NNCNC sẽ được dùng làm tài sản thế chấp vay vốn |
Tiên phong dựng tiêu chuẩn nhà kính
Theo ghi nhận của Thời báo Ngân hàng, đến thời điểm hiện nay, Lâm Đồng là địa phương đầu tiên sốt sắng nhất trong việc chuẩn hóa quy cách và chất lượng nhà kính, nhà màng để tạo điều kiện cho các đơn vị sản xuất NNCNC tiếp cận nguồn vốn vay thông qua việc thế chấp các tài sản cố định gắn liền với dự án.
Đại diện Sở NN&PTNT tỉnh Lâm Đồng cho biết, để thực hiện việc chuẩn hóa này, các đơn vị tại Lâm Đồng đã tiến hành xây dựng bộ quy chuẩn chất lượng và quy mô xây dựng nhà kính với 7 kiểu nhà kính cơ bản, áp dụng cho các quy mô sản xuất từ hộ gia đình đến doanh nghiệp. Khi các cơ sở, dự án sản xuất NNCNC xây dựng các mẫu nhà kính đúng theo tiêu chuẩn mà tỉnh ban hành thì hệ thống nhà kính sẽ đảm bảo ứng dụng tương đối tốt các giải pháp công nghệ như cảm biến nhiệt độ, đo độ PH, độ ẩm, điều khiển tự động hệ thống tưới, hệ thống làm mát… Từ đó tiết giảm thời gian và chi phí trong quá trình chăm sóc, đồng thời tăng năng suất nông sản tại các dự án NNCNC.
Tuy nhiên, điều mà các DN có dự án sản xuất NNCNC quan tâm không phải là chất lượng hay quy mô của hệ thống nhà kính, nhà màng mà là tính pháp lý sở hữu của các tài sản này. Ông Lê Văn Cường - Giám đốc Công ty Đà Lạt GAP cho biết, đến thời điểm này nhiều DN tại Đà Lạt đã đầu tư nhập khẩu hệ thống nhà kính đạt chuẩn quốc tế với mức đầu tư hàng chục tỷ đồng, nhưng không thể dùng nhà kính để làm tài sản thế chấp vay vốn ngân hàng vì không chỉ nhà kính mà cả các máy móc thiết bị công nghệ đi kèm như hệ thống tưới, hệ thống xử lý đất và nước thải, hệ thống lán - trại… hiện vẫn chưa được các ngành chức năng cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản. Thậm chí việc nhập khẩu các mặt hàng này cũng chưa nhận được ưu đãi nào về mức thuế hoặc hỗ trợ kinh phí để khuyến khích DN sử dụng các loại nhà kính đạt chuẩn.
Trao đổi kỹ hơn về vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Hòa - Giám đốc Agribank Lâm Đồng cho rằng, việc tỉnh Lâm Đồng xây dựng quy chuẩn đối với nhà kính trong sản xuất NNCNC sẽ có tác động tốt đến việc chuẩn hóa các tài sản đảm bảo cho các khoản vay phục vụ các dự án nông nghiệp. Tuy nhiên, để hiện thực hóa được việc thế chấp bằng các tài sản như nhà kính, máy móc thiết bị thì điều quan trọng nhất là các tài sản này phải được chứng nhận sở hữu.
Ngoài ra, các bộ, ngành phải đưa ra danh sách các DN đủ tiêu chuẩn sản xuất các sản phẩm nhà kính đạt chuẩn ở trong nước, từ đó mới có cơ sở cho các NHTM định giá từng loại sản phẩm để đăng ký giao dịch đảm bảo và các DN bảo hiểm nông nghiệp mới có căn cứ để tính toán giá trị bảo hiểm và mức độ bồi thường trong trường hợp các DN dùng nhà kính, máy móc thiết bị để thế chấp vay vốn.
Chú trọng cho vay quản lý dòng tiền
Mặc dù thừa nhận Nghị định 116/2018 mở ra cơ hội tốt hơn cho các dự án NNCNC tiếp cận nguồn vốn vay từ các NHTM, tuy nhiên đại diện nhiều ngân hàng vẫn cho rằng khả năng thực thi hoạt động cho vay dựa trên các tài sản đảm bảo là nhà kính, nhà màng và các loại máy móc thiết bị là rất thấp.
Ông Nguyễn Xuân Hòa cho rằng, trong suốt những năm gần đây khi thực hiện cho vay NNCNC đơn vị vẫn nhận luôn cả các hóa đơn nhập khẩu các sản phẩm nhà kính, nhà lưới và thiết bị công nghệ của DN để kèm vào hồ sơ vay vốn. Tuy nhiên, phần nhận thêm này không có giá trị pháp lý đảm bảo mà chỉ như một hình thức tạo niềm tin lẫn nhau giữa ngân hàng và DN khi hợp tác thực hiện các dự án sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị.
Đại diện VietinBank tỉnh Đồng Tháp cũng nhận định rằng, khi nhận các tài sản hình thành từ dự án NNCNC (như sản lượng nông sản, tôm cá dưới ao nuôi) hoặc các tài sản gắn liền với dự án (như nhà kính, kho chứa, kho chế biến)… để làm hồ sơ vay, thực tế các chi nhánh ngân hàng chỉ có thể xem là phần phụ kèm theo các tài sản thế chấp chính là bất động sản thuộc sở hữu của DN.
Để có thể tăng hạn mức cho vay vào các dự án NNCNC thời gian qua, nhiều NHTM đã nhận cả những hóa đơn phải thu và các giấy tờ có giá của DN. Bên cạnh đó, cũng đưa ra các giải pháp quản lý dòng tiền thông qua hệ thống tài khoản của ngân hàng để kiểm soát rủi ro. Tuy nhiên, vì hạn mức cho vay tín chấp đối với các dự án NNCNC khá lớn (70% - 80% tổng vốn đầu tư dự án) nên rủi ro thu nợ đối với các NHTM vẫn khá cao một khi các dự án NNCNC bị thất bại do các nguyên nhân chủ quan và khách quan.
Theo phân tích của một số chuyên gia tài chính tại ANZ, mặc dù vẫn có nhiều rủi ro khi cho vay tín chấp theo cách thức quản lý dòng tiền. Tuy nhiên, xu hướng đẩy mạnh cho vay không phụ thuộc vào tài sản đảm bảo là bất động sản sẽ ngày càng phát triển bởi hiện nay hầu hết các NHTM tại Việt Nam đều đã đưa ra các dịch vụ quản lý dòng tiền cho các DN ở các khối ngành, lĩnh vực kinh tế. Số lượng các DN niêm yết trên sàn chứng khoán ngày càng lớn và có tốc độ tăng trưởng nhanh ở các khối ngành hấp thụ nhiều vốn tín dụng như bất động sản, xuất nhập khẩu, NNCNC…
Vì vậy cơ hội để minh bạch hóa tài chính ở các DN là khá lớn và khả năng tăng thêm các khoản vay tín chấp ở các NHTM như cho vay nhà cung cấp, cho vay nhà phân phối và cho vay dựa trên các khoản phải thu… là rất có tiềm năng phát triển.