Tăng quyền lực giám sát: Chặt 'vòi bạch tuộc' thao túng thị trường chứng khoán
Trong cả trăm quyết định xử phạt hành chính trong lĩnh vực chứng khoán được ban hành từ đầu năm 2019 tới nay, chỉ có 3 quyết định liên quan đến hành vi thao túng giá cổ phiếu. Hay như năm 2018, trong khi trung bình cứ 1 ngày Ủy ban Chứng khoán Nhà nước lại có 1 quyết định xử phạt vi phạm hành chính, thì chỉ có 9 trường hợp là thao túng giá.
Tuy vậy nếu hỏi bất kỳ nhà đầu tư chuyên nghiệp bám sàn nào thì bất kỳ lúc nào cũng có thể chỉ ra một trường hợp cổ phiếu đang được "lái", bị thao túng. Thậm chí trên các diễn đàn, các nhóm chat, câu chuyện thao túng cổ phiếu A, làm giá cổ phiếu B, "game" với cổ phiếu C được bàn luận trước cả tuần. Không ít cá nhân đã có được "số má" trên các diễn đàn nhờ tiết lộ "game" cổ phiếu chuẩn xác.
Thao túng cổ phiếu, lũng đoạn thị trường chứng khoán là vi phạm pháp luật. Thế nhưng việc quy kết sự vi phạm đó trong cộng đồng giới đầu tư không giống với quy kết bằng luật pháp. Việc tìm kiếm bằng chứng là một quá trình phức tạp và chứng minh được hành động để buộc người vi phạm thừa nhận còn khó khăn hơn nữa.
Trung tuần tháng 5/2019, Ủy ban Châu Âu sau hàng năm trời điều tra mới có thể ra quyết định xử phạt 5 đại gia ngân hàng 1,2 tỷ USD vì thao túng thị trường ngoại hối với 11 cặp tiền tệ khác nhau. Trong số 5 đại gia này có cả Barclays, Citigroup, JP Morgan.
Các tay giao dịch của 5 ngân hàng nói trên đã thành lập các nhóm chat (room chat) bí mật với những cái tên rất bình thường như "Essex Express 'n the Jimmy", "Three Way Banana Split", "Semi Grumpy Old Men", "Two and a half men". Trong các nhóm chat này họ bàn luận với nhau về chiến lược giao dịch, các bí mật giao dịch của khách hàng lớn mà họ đại diện, thỏa thuận tạm dừng giao dịch ở các thời điểm để tránh làm ảnh hưởng tới giao dịch của người khác... Các nhóm chat này hoạt động từ 2007 đến 2013 và đến 2019 mới bị xử lý.
Tìm kiếm đủ bằng chứng để chứng minh hành vi vi phạm luôn là quá trình kéo rất dài. Chính vì vậy các quyết định xử phạt mà giới đầu tư được thấy phần lớn là các vi phạm đã thực hiện từ cả năm trước đó. Trong khi những "game" cổ phiếu lại diễn ra hàng ngày. Chính sự chậm trễ đó cộng với mức xử phạt quá nhẹ là điều gây nên bức xúc lớn nhất trong cộng đồng các nhà đầu tư tuân thủ pháp luật.
Có một thực tế là hành động thao túng giá cổ phiếu luôn được thực hiện như những "vòi bạch tuộc" rối rắm và phức tạp để che mắt cơ quan giám sát. Lấy ví dụ trường hợp mới nhất mà Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xử phạt 600 triệu đồng đối với cựu nhân viên môi giới Chứng khoán Đông Á. Nhân vật này đã sử dụng tới 43 tài khoản để liên tục mua, bán, tạo cung cầu giả tạo, thao túng cổ phiếu VAT. Hay như hai trường hợp khác được công bố hồi tháng 2, tháng 3 vừa qua, đều sử dụng 12 tới 18 tài khoản khác nhau.
Việc chứng minh hàng chục tài khoản đó là được điều khiển bởi 1 cá nhân hay một nhóm người có liên quan, hợp tác với nhau không hề đơn giản. Cái khó của cơ quan giám sát là không có quyền lực để thu thập thông tin, không có quyền lực để yêu cầu "đương sự" hợp tác.
Đơn giản nhất là để làm việc với "đương sự", cơ quan giám sát phải gửi "giấy mời" chứ không phải "giấy triệu tập". "Giấy mời" thì chẳng khác gì thiệp mời đám cưới, thích thì đến, không thì thôi, cùng lắm thì nói "không nhận được". Đó là chưa kể khi đối diện với rủi ro luật pháp, bất kỳ ai cũng làm việc phải làm là chối! Chứng minh vi phạm là việc của cơ quan giám sát, nhưng nếu không có được thông tin đầy đủ thì đó là nhiệm vụ khó hơn lên trời.
Lấy ví dụ đơn giản. Việc sử dụng tài khoản đứng tên người khác thì ít nhất hai người phải biết nhau hoặc bắc cầu qua ai đó. Một nhóm người có thông đồng thì phải thông qua một hình thức trao đổi thông tin nào đó. Để một giao dịch được thực hiện thì phải có hành động chuyển tiền qua lại. Các hành động đó đều có dấu vết nhưng nằm ở các nhà mạng, trong hệ thống ngân hàng. Một ông A không chối rằng không quen biết ông B nếu như các số điện thoại gọi cho nhau cả chục lần. Không một ai lại chuyển số tiền lớn cho người không quen biết. Đó là những bằng chứng cơ bản nhất.
Thị trường chứng khoán Việt Nam mới ra đời chưa tới 20 năm, trong khi các thị trường chứng khoán phát triển có tuổi đời hàng trăm năm. Những vướng mắc này đã được giải quyết trong quá trình va chạm với thực tế, như Mỹ, quyền lực giám sát thị trường chứng khoán đã có từ năm 1933-1934.
Tổ chức Quốc tế các Ủy ban Chứng khoán (IOSCO) cũng đã ghi rõ các nguyên tắc giám sát cơ bản như "Cơ quan quản lý phải có thẩm quyền đầy đủ trong thanh tra, điều tra và giám sát" (nguyên tắc số 10); "Cơ quan quản lý cần có thẩm quyền đầy đủ trong hoạt động cưỡng chế thực thi" (nguyên tắc số 11).
Luật chứng khoán các nước phát triển cũng quy định đầy đủ quyền hạn. Chẳng hạn Cơ quan thanh tra giám sát thị trường của Nhật có quyền thẩm vấn cá nhân liên quan đến vụ việc; yêu cầu cá nhân nộp tài liệu, thông tin, dữ liệu (trên máy tính, điện thoại...) là vật chứng; khám xét địa điểm kinh doanh của đối tượng tình nghi và thu giữ các vật chứng liên quan; yêu cầu các cơ quan công quyền hoặc tổ chức tư nhân phối hợp cung cấp thông tin, báo cáo về các vấn đề liên quan đến vụ việc.
Ấn Độ cho phép yêu cầu cung cấp thông tin để thanh tra, kiểm toán từ mọi tổ chức, cá nhân liên quan đến thị trường chứng khoán; yêu cầu cung cấp thông tin, tài liệu lưu giữ từ bất kỳ tổ chức cá nhân bao gồm bất kỳ ngân hàng hoặc bất kỳ cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp mà cơ quan quản lý thị trường chứng khoán cho rằng có liên quan đến hoạt động thanh tra, điều tra về giao dịch chứng khoán.
Dự thảo Luật chứng khoán sửa đổi 2019 đã có bước đi tiệm cận với chuẩn quốc tế trong lĩnh vực thanh tra, giám sát thị trường khi bổ sung điều khoản phối hợp, phòng ngừa, phát hiện hành vi vi phạm với nhiều tổ chức khác nhau như viễn thông, ngân hàng, thuế... Cơ quan giám sát thị trường sẽ không còn phải bịt mắt dò đường.