|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi: Tách riêng Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước?

07:45 | 03/04/2019
Chia sẻ
Nhiều chuyên gia khẳng định, việc sửa đổi Luật Chứng khoán này chính là cơ hội để tách Ủy ban Chứng khoán Nhà nước ra khỏi Bộ Tài chính.

Bộ Tài chính đang xây dựng Dự thảo Luật Chứng khoán (sửa đổi), trong đó có nhiều thay đổi lớn, nếu được áp dụng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của các công ty chứng khoán, các quỹ đầu tư, công ty bảo hiểm, ngân hàng, các doanh nghiệp đang niêm yết trên sàn chứng khoán và công ty kiểm toán.

Uỷ ban chứng khoán cần độc lập hơn

Điều 8 dự thảo luật vẫn quy định Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước là cơ quan thuộc Bộ Tài chính.

Tuy nhiên, nhìn nhận vấn đề này Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Vũ Hồng Thanh lại gợi mở quan điểm cho rằng cơ quan này cần độc lập hơn.

Việc thời kỳ đầu Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước trực thuộc Chính phủ nhưng một ngày đẹp trời Uỷ ban này bỗng về Bộ Tài chính, theo một số phân tích thì cũng có lý do nhất định. Nhưng, bây giờ hoàn cảnh đã khác và sửa luật chính là cơ hội để cơ quan này độc lập hơn”, ông Thanh nói.

Dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi: Tách riêng Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước? - Ảnh 1.

Bộ Tài chính đang xây dựng Dự thảo Luật Chứng khoán (sửa đổi), trong đó có nhiều thay đổi lớn, nếu được áp dụng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của các công ty chứng khoán, các quỹ đầu tư

Về vấn đề này TS. Phạm Giang Thu (Đại học Luật Hà Nội) nói rằng: Vì là cơ quan thuộc Bộ, không có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật nên Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước rất là chung chiêng.

Tại thời điểm này nếu giả định Uỷ ban này trong một vị thế độc lập thì liệu có thể có một điều như Luật Ngân hàng Nhà nước khẳng định là cơ quan ngang Bộ thuộc Chính phủ hay không? Phải thế thì mới ban hành văn bản quy phạm pháp luật được nếu không thì vẫn chung chiêng, mà quy định như thế thì phải sửa Luật Tổ chức Chính phủ”, bà Thu nói.

Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng có thể ví Bộ Tài chính và Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước là hai cơ quan tiêu tiền và quản lý tiền.

“Như thế vừa làm trọng tài vừa đá banh, rất nguy hiểm”, ông Hiếu nói.

Phân định rõ hơn quyền hạn của Uỷ ban Chứng khoán

Cũng liên quan đến Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước, tại báo cáo thẩm định, Bộ Tư pháp cho rằng cần phân định, làm rõ hơn thẩm quyền của Ủy ban này trong quản lý nhà nước về chứng khoán và thị trường chứng khoán, trong quan hệ giữa Uỷ ban này với Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội và Sở Giao dịch Chứng khoán TP Hồ Chí Minh.

Theo đó, cần quy định rõ trong Luật Chứng khoán nhiệm vụ, quyền hạn của Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước trực tiếp quản lý, giám sát toàn diện hoạt động chứng khoán và thị trường chứng khoán; trực tiếp quản lý, giám sát hoạt động của sở giao dịch chứng khoán; chấp thuận các quy định, quy chế của các sở giao dịch chứng khoán; chấp thuận việc đưa vào giao dịch các loại chứng khoán mới, thay đổi và áp dụng phương thức giao dịch mới, đưa vào vận hành hệ thống giao dịch mới và thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định pháp luật... vì các nội dung này đã được quy định tại Quyết định số 48/2015/QĐ- TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước.

Huyền Trang