Băn khoăn về một số vấn đề của dự thảo Luật Chứng khoán
Toàn cảnh phiên họp Quốc hội. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN
Trong phiên thảo luận tại hội trường lấy ý kiến đóng góp cho dự thảo Luật Chứng khoán, mặc dù đạt được sự nhất trí cao của các đại biểu Quốc hội về yêu cầu cần thiết phải sửa đổi Luật Chứng khoán hiện hành, song có không ít đại biểu tỏ ý băn khoăn về một số vấn đề được nêu trong dự luật như việc phát hành cổ phiếu riêng lẻ trên thị trường chứng khoán nhằm huy động vốn cho các doanh nghiệp khởi nghiệp; yêu cầu thay đổi mô hình tổ chức của Ủy ban chứng khoán Nhà nước và tính hiệu lực, hiệu quả của các quy định pháp lý về kinh doanh chứng khoán theo luật định. Bên lề Kỳ họp 7, Quốc hội khóa XIV, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã ghi nhận một số ý kiến của các đại biểu về vấn đề này.
Đại biểu Trần Anh Tuấn, đoàn Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh: Tôi tán thành với nội dung của dự thảo Luật Chứng khoán khi quy định các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo được chào bán chứng khoán riêng lẻ ra thị trường, nhằm huy động vốn và cũng nhằm giúp các doanh nghiệp khởi nghiệp có sự chủ động, linh hoạt hơn trong sản xuất kinh doanh.
Đây thường là các doanh nghiệp có quy mô nhỏ và còn rất non trẻ nên phải khuyến khích hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và cần có những quy định cụ thể để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp khởi nghiệp. Có những bước nền tảng khởi sự kinh doanh tốt, họ mới có thể tạo ra hiệu ứng lan tỏa tới phong trào khởi nghiệp mà Chính phủ chủ trương và phát động.
Trước những quan điểm cho rằng, nếu hợp thức hóa việc chào bán cổ phiếu riêng lẻ của các doanh nghiệp khởi nghiệp sẽ gia tăng nguy cơ rủi ro cho các nhà đầu tư, ông Tuấn bình luận, đó là việc mà nhà đầu tư cần nghiên cứu và tự quyết định trước khi bắt tay hợp tác với họ. Chấp nhận rủi ro cũng là một trong những yếu tố không thể thiếu khi tham gia đầu tư trên thị trường chứng khoán.
Nếu muốn đầu tư vào doanh nghiệp, không chỉ là doanh nghiệp khởi nghiệp thì nhà đầu tư cần nhìn nhận đánh giá về sản phẩm, tên tuổi, báo cáo tài chính, lịch sử và quá trình kinh doanh, uy tín thậm chí là thương hiệu của doanh nghiệp. Với các doanh nghiệp khởi nghiệp thì nhìn vào sản phẩm và đánh giá xu hướng phát triển của doanh nghiệp. Đó cũng là nguyên tắc của thị trường. Nhà đầu tư cũng cần chịu trách nhiệm về quyết định của mình và phải chịu rủi ro trong đầu tư là đương nhiên.
Nhưng để hài hòa lợi ích và các bên tham gia đều giảm thiểu rủi ro, cơ quan soạn thảo Luật Chứng khoán và Chính phủ cần thiết kế những quy định phù hợp để tạo điều kiện khuyến khích hoạt động khởi nghiệp, đó là việc cần làm và không thể khác.
Tiếc là dự thảo luật lần này còn chưa chi tiết và cụ thể hóa các điều kiện tham gia thị trường chứng khoán, các điều kiện được chào bán cổ phiếu đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Tôi cho rằng, cần tiếp tục hoàn thiện dự luật này vì đây là vấn đề mới, vấn đề được cử tri cả nước quan tâm và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam; trong đó có các doanh nghiệp khởi nghiệp rất mong chờ.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu Dương Minh Tuấn phát biểu ý kiến. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN
Đại biểu Dương Minh Tuấn, đoàn Quốc hội Bà Rịa - Vũng Tàu: Liên quan tới những ý kiến về việc nên thay đổi mô hình tổ chức của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước là cơ quan thuộc Bộ Tài chính hay thuộc Chính phủ. Theo tôi, không cần quá nặng nề. Dù ở vai nào thì Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng cần phát huy hiệu quả vai trò, quyền hạn để thực hiện tốt các chức năng quản lý Nhà nước trong lĩnh vực chứng khoán.
Vấn đề là cần thiết kế những quy định cụ thể để Ủy ban có đầy đủ thẩm quyền tự quyết định những vấn đề về nhân sự, tổ chức trong bộ máy của mình. Bản chất vấn đề là cần giao cho họ những thẩm quyền thực sự để họ làm việc một cách linh hoạt, chủ động.
Tất nhiên, khi trực thuộc Chính phủ, mặc nhiên, quy mô của Ủy ban sẽ trở thành một cơ quan ngang bộ và việc xây dựng một hệ thống bộ máy tổ chức cũng là một vấn đề cần bàn tính kỹ để thiết kế sao cho hợp lý và theo hướng lấy hiệu quả là trên hết.
Ngay như cơ chế bổ nhiệm cho các sở giao dịch chứng khoán hay việc thiết kế bộ máy tổ chức, mô hình hoạt động cho các sở giao dịch mà được trao quyền hoàn toàn cho Ủy ban chứng khoán Nhà nước thì cũng quá tốt. Vấn đề là sau đó sẽ vận hành bộ máy ra sao và trách nhiệm của người đứng đầu sẽ như thế nào khi bộ máy hoạt động không hiệu quả như mong đợi.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp Phạm Văn Hòa phát biểu ý kiến. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN
Đại biểu Phạm Văn Hòa, đoàn Quốc hội Đồng Tháp: Nếu Ủy ban Chứng khoán Nhà nước được giao về Chính phủ, tôi lại băn khoăn về vấn đề cơ cấu tổ chức và bộ máy nhân sự, bởi xu hướng chung hiện nay chúng ta đang theo hướng tinh giảm biên chế, hợp nhất bộ máy tổ chức cho gọn nhẹ để phục vụ cho hiệu quả nên nếu "phình ra" 1 cơ quan ngang bộ thuộc Chính phủ, tôi thấy không phù hợp lắm ở thời điểm này.
Tuy nhiên, nếu theo như đề xuất của dự thảo Luật Chứng khoán là Ủy ban chứng khoán là cơ quan thuộc Bộ Tài chính cũng không lo việc ôm đồm hay nắm quyền quá nhiều ở đơn vị này bởi chúng ta còn có các quy định về kiểm tra, giám sát. Cứ làm đúng theo chỉ đạo của Chính phủ sẽ giải quyết được mọi vấn đề, làm không đúng thì cứ thi hành kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm.