|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Cổ phiếu phân bón còn 'mò đáy' đến bao giờ?

13:30 | 13/06/2019
Chia sẻ
Bất chấp diễn biến của thị trường, các mã cổ phiếu thuộc nhóm ngành phân bón tiếp tục “mò đáy”. Kết quả kinh doanh quý I giảm mạnh là một trong những nguyên nhân gây ra xu hướng tiêu cực này.

Dù có nhiều biến động do ảnh hưởng từ căng thẳng thương mại Mỹ - Trung và tâm lý "Sell in May" nhưng VN-Index vẫn tăng gần 8% so với đầu năm (kết thúc phiên 12/6).

Ngược với diễn biến của thị trường, các mã cổ phiếu thuộc nhóm ngành phân bón tiếp tục "mò đáy". Nguyên nhân chính là kết quả kinh doanh quý I của nhóm này giảm mạnh.

Theo đánh giá của CTCP Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC), thị trường phân bón hiện nay tiếp tục duy trì mức cạnh tranh tương đối cao cùng với việc giá nguyên vật liệu đầu vào trong quý I tăng khiến cho doanh thu và lợi nhuận của nhóm các doanh nghiệp phân bón đi xuống.

Trong đó, doanh thu của các doanh nghiệp phân bón giảm khoảng 20%, lợi nhuận gộp giảm 36,9% và lợi nhuận sau thuế giảm trên 51% chủ yếu đến từ hai doanh nghiệp phân bón lớn là CTCP Phân bón Bình Điền (Mã: BFC) và CTCP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao (Mã: LAS) khi lợi nhuận sau thuế đều giảm hơn 87 % so với cùng kì.

Cổ phiếu phân bón còn mò đáy đến bao giờ? - Ảnh 1.

Kết thúc phiên giao dịch 11/6, cổ phiếu DCM của CTCP Phân bón Dầu khí Cà Mau (Đạm Cà Mau) ghi nhận mức giá 8.200 đồng/cp, giảm gần 19% so với thời điểm đầu năm.

Theo đánh giá của các công ty chứng khoán, những rủi ro liên quan đến chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, nguồn cung khí suy giảm, cơ chế giá khí chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt và biến đổi khí hậu ... đã ảnh hưởng đến giá cổ phiếu DCM.

Được biết, năm 2019, Đạm Cà Mau đặt kế hoạch doanh thu 6.924 tỉ đồng và lợi nhuận 240 tỉ đồng sau thuế. So với thực hiện năm 2018 thì 2019 ghi nhận mức tăng hơn 10% về doanh thu nhưng lợi nhuận sẽ giảm so với các năm trước đây do đây năm đầu tiên Đạm Cà Mau áp dụng giá khí mới khi nhà máy vẫn còn trong giai đoạn khấu hao với chi phí lớn.

dcm23

Diễn biến giá cổ phiếu DCM từ đầu năm đến nay. (Nguồn: VNDirect)

Diễn biến tương tự DCM, cổ phiếu của "người anh em" Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí - CTCP (Đạm Phú Mỹ - mã: DPM) cũng giảm gần 19% trong hơn 5 tháng qua. Nguyên nhân chính là đợt bảo dưỡng định kỳ nhà máy u-rê kéo dài ảnh hưởng đến sản lượng cũng như kết quả kinh doanh của Đạm Phú Mỹ.

Một doanh nghiệp phân bón khác cần nhắc tới là CTCP Phân bón Bình Điền (Mã: BFC), một trong những doanh nghiệp sản xuất phân NPK chiếm thị phần lớn nhất trên thị trường hiện nay.

Kể từ khi niêm yết tháng 10/2015, do doanh thu và lợi nhuận của Phân bón Bình Điền luôn được duy trì ổn định năm sau cao hơn năm trước, giá cổ phiếu BFC cũng không ngừng tăng và liên tiếp tạo định mới. Từ vùng giá 16.000 đồng/cp lúc mới niêm yết, đạt đỉnh 37.000 đồng/cp hồi tháng 9/2016 rồi 43.000 đồng tháng 8/2017.

Tuy vậy, bước sang 2018, Phân bón Bình Điền gặp nhiều khó khăn do bị ảnh hưởng lớn bởi diễn biến thời tiết phức tạp, mức độ cạnh tranh giữa các doanh nghiệp sẽ khốc liệt nhất từ trước đến nay do tình trạng phân bón kém chất lượng, hàng nhái, hàng giả chưa được xử lý dứt điểm. Kết thúc năm 2018, doanh thu thuần của Phân bón Bình Điền đạt gần 6.382 tỉ đồng, tăng nhẹ so với 2017; lợi nhuận trước thuế đạt 312 tỉ đồng, giảm 26,7%.

Khó khăn tiếp tục "đeo bám" Phân bón Bình Điền trong 2019 khi việc áp thuế phòng vệ đối với mặt hàng DAP nhập khẩu tiếp tục làm tăng giá nguyên liệu, tăng giá thành phẩm và giảm năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp sản xuất NPK trong nước. Quý I/2019, công ty vẫn ghi nhận kết quả kinh doanh tiêu cực khi lợi nhuận sau thuế giảm 87% và chỉ còn hơn 5 tỉ đồng.

Kết thúc phiên 12/6, giá cổ phiếu BFC dừng ở mức 17.200 đồng/cp, giảm gần 18% so với hồi đầu năm.

bfc-23

Diễn biến giá cổ phiếu BFC từ đầu năm đến nay. (Nguồn: VNDirect)

Một cái tên lớn khác là CTCP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao (Mã: LAS) khi lãi sau thuế quý I cũng giảm 87% chỉ còn 4 tỉ đồng. Giá cổ phiếu theo đó cũng giảm hơn 24% trong hơn 5 tháng qua.

Cũng không ngoại lệ, từ đầu năm đến nay, cổ phiếu QBS của CTCP Xuất nhập khẩu Quảng Bình cũng giảm khá mạnh xuống 3.100 đồng/cp.

gia-pb-2

Diễn biến giá cổ phiếu phân bón từ đầu năm đến nay. (Nguồn: TH)

Nhu cầu phân bón dự kiến tăng trưởng thấp

Hiệp hội Phân bón Việt Nam cho biết, trong tháng 5 giá CIF (về đến cảng Việt Nam) phân urê hiện được chào bán 250-260 USD/tấn, tăng 10-20 USD/tấn so với tháng 4; giá phân SA 140 USD/tấn, tăng 10 USD/tấn; phân kali 205-210 USD/tấn, tăng 10 USD/tấn...

Tuy nhiên giá phân urê bán ra tại thị trường trong nước vẫn chưa bị tác động bởi giá thế giới, hiện đứng ở mức khoảng 4.000 đồng/kg, do chưa đến mùa vụ.

Về dự báo biến động giá phân bón trong thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết nhu cầu sử dụng phân bón NPK theo khối lượng tiêu thụ chỉ dao động ở mức 38- 39% trong giai đoạn 2019 - 2021. Theo đó, giá có khả năng chỉ tăng nhẹ do cạnh tranh cao giữa các nhà máy.

Cụ thể, trong năm 2019, một loạt các nhà máy lớn cũng dự kiến mở thêm các dây chuyền NPK hiện đại, nhiều khả năng gây ra áp lực cạnh tranh như Đạm Cà Mau với dây chuyền công nghệ Ure nóng chảy (công suất 300.000 tấn/năm, quý II/2019); Hóa chất Đức Giang với dây chuyền công nghệ hóa học (công suất 200.000 tấn/năm); Phân bón Bình Điền với dây chuyền ure hóa lỏng (công suất 200.000 tấn/năm).

Nhận định nhóm cổ phiếu phân bón trong thời gian tới, BSC cho rằng tình trạng cạnh tranh cao do dư cung và nhu cầu trong năm 2019 dự kiến tăng trưởng thấp do ảnh hưởng bởi thời tiết khiến doanh thu các doanh nghiệp dự kiến ở mức thấp. Đồng thời, giá các loại nguyên vật liệu đầu vào đã và dự kiến sẽ tiếp tục tăng làm ảnh hưởng đến biên lợi nhuận.

Theo BSC, nhiều dự án nhà máy của các doanh nghiệp mới được đưa vào hoạt động, chưa thể kinh doanh ổn định có thể ảnh hưởng lớn lên chi phí và hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp.

Thu Hoài

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.