Quỹ lớn nhất VinaCapital cầm tiền chờ giải ngân giá thấp hơn, không đầu tư chứng quyền, 'tiếc' vì không có VIC
Quỹ VOF: "Dòng Tweet không quá ngọt ngào"
Quỹ thành viên lớn nhất của nhóm VinaCapital là VinaCapital Vietnam Opportunity Fund (VOF) vừa công bố báo cáo hoạt động trong tháng 5 với lời tựa "Dòng Tweet không quá ngọt ngào". Cụ thể, giá trị tài sản ròng trên chứng chỉ quỹ (NAV per share) của quỹ đã giảm 1,6% trong tháng 8. Ghi nhận tại ngày 31/5, giá trị tài sản ròng của quỹ VOF đạt 938,7 triệu USD. Lũy kế trong 5 tháng đầu năm, NAV của quỹ VOF giảm 1,1%.
Thị trường chứng khoán Việt Nam giảm 2,6% trong tháng 5, tương đồng với xu hướng với các TTCK khác trên thế giới sau khi Tổng tổng Mỹ Donald Trump đăng Tweet dự định tăng thuế đối với hàng hóa Trung Quốc. Bên cạnh đó, thị trường chịu thêm bất ổn khi ông Trump đăng Tweet về việc Mỹ sẽ tăng thuế đối với Mexico như một biện pháp phạt cho việc nhập cư bất hợp pháp từ quốc gia này vào Mỹ. Điều này khiến nhiều nhà bình luận cho rằng khả năng chiến tranh thương mại có thể lan ra các quốc gia khác ngoài Trung Quốc, báo cáo tháng 5 của quỹ VOF nêu.
Đáng lưu ý, với diễn biến phức tạp của chiến tranh thương mại và là mối đe dọa, Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) đã điều chỉnh lại dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2019 và 2020.
Quỹ VOF hưởng lợi từ cổ phiếu PHR, 'tiếc' vì không có cổ phiếu VIC
Theo báo cáo tháng 5, danh mục đầu tư của quỹ VOF hưởng lợi từ giao dịch tích cực từ cổ phiếu PHR của Cao su Phước Hòa. Được biết, Cao su Phước Hòa đang sở hữu 15.000 ha đất và đang có kế hoạch bán 20% cho Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore (VSIP). Cổ phiếu PHR có mức tăng 7,5% trong tháng 5, đạt tỉ lệ tăng giá 65% trong 5 tháng đầu năm nay.
Trong báo cáo của quỹ VOF cũng đề cập đến cổ phiếu VIC của Tập đoàn Vingroup. Đây là cổ phiếu tác động lớn nhất đến VN-Index (11% vốn hóa), trong tháng 5, cổ phiếu VIC tăng 1%, lũy kế mức tăng trong 5 tháng đầu năm nay là 20%. Tuy nhiên, trong danh mục của quỹ VOF không có cổ phiếu này.
"Hiệu suất đầu tư hàng năm của quỹ bị hãm lại do danh mục không có cổ phiếu VIC", báo cáo nêu.
Quỹ VOF ôm tiền mặt, chờ giải ngân với giá thấp hơn
Tính đến cuối tháng 5, tỉ trọng tiền mặt trong danh mục đầu tư của Quỹ VOF là 4,3%. Với việc nắm giữ tỉ trọng tiền mặt lớn, quỹ VOF kì vọng giải ngân vào một số cổ phiếu đang có sẵn trong danh mục với giá thấp hơn do tác động của chiến tranh thương mại.
Được biết, tỉ trọng danh mục đầu tư của quỹ VOF theo phân loại tài sản tính đến ngày 31/5 gồm 68,6% cổ phiếu niêm yết, 16,3% phân bổ vào cổ phiếu chưa niêm yết, 13,8% vào vốn tư nhân và 1,3% là tài sản hoạt động.
Nguồn: Quỹ VOF
Phân bổ theo ngành, nhóm bất động sản và xây dựng đang là 'khẩu vị' ưa thích của quỹ VOF, chiếm 18,3% tỉ trọng danh mục đầu tư của quỹ này. Theo sau đó là nhóm ngành vật liệu xây dựng (15,8%) và Thực phẩm/đồ uống (13,9%). Đây là ba nhóm ngành duy trì tỉ trọng cao nhất trong danh mục đầu tư của quỹ VOF kể từ đầu năm 2019 đến hiện tại.
Quỹ lớn nhất nhóm VinaCapital sẽ không đầu tư vào chứng quyền
Ngày 28/6 tới đây, sản phẩm chứng quyền có đảm bảo chính thức đi vào hoạt động với một số mã cổ phiếu sắp kín 'room' và vốn hóa lớn như MWG, MBB, HPG, PNJ, FPT.
Theo quỹ VOF, đây là sản phẩm chủ yếu hướng đến các nhà đầu tư cá nhân thích sử dụng đòn bẩy cao. Sản phẩm chứng quyền sẽ giúp những NĐT cá nhân thể hiện được quan điểm cụ thể về cổ phiếu của họ.
Cho biết thêm thông tin, quỹ VOF không có ý định đầu tư vào chứng quyền có đảm bảo và cho rằng sản phẩm này giúp thị trường hoàn thiện hơn.
Danh mục đầu tư của Quỹ VOF đang có những cổ phiếu nào?
Tính đến cuối tháng 5, Top10 cổ phiếu có tỉ trọng lớn nhất trong danh mục đầu tư của quỹ VOF đang chiếm tỉ lệ 56,6%. Trong đó, cổ phiếu HPG của Hòa Phát đang chiếm tỉ trọng cao nhất với 11,7%. Theo sau đó là cổ phiếu KDH của Nhà Khang Điền (8,8%) và ACV (7,4%). Như vậy, nhóm ba cổ phiếu chiếm tỉ trọng lớn nhất trong danh mục quỹ VOF không có sự thay đổi trong 5 tháng đầu năm nay. Nhưng so sánh với thời điểm 31/12, cả ba cổ phiếu này đều hạ tỉ trọng trong danh mục của quỹ VOF.
Nguồn: Quỹ VOF
Đối với những cổ phiếu khác, ngoại trừ PNJ, EIB gia tăng về tỉ trọng. Những mã còn lại đều giảm tỉ lệ trong danh mục đầu tư của quỹ như VNM, QNS, CTD, VJC, POW. Trong đó, tỉ trọng cổ phiếu CTD giảm mạnh nhất từ 3,9% xuống còn 2,7%, trong khi cổ phiếu EIB tăng hơn 1% về tỉ trọng.