|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Lý giải việc quỹ Fubon FTSE Vietnam (Đài Loan) bị rút ròng kỷ lục kéo dài 18 tuần

07:31 | 18/09/2024
Chia sẻ
Tổ chức đến từ Đài Loan (Trung Quốc) - Fubon FTSE Vietnam ETF đang trong giai đoạn bị rút quỹ mạnh nhất trong hành trình gần 4 năm đến Việt Nam.

Trong khi dòng tiền ngoại bắt đầu giải ngân mạnh trở lại thị trường chứng khoán khu vực ASEAN một tháng trở lại đây, Việt Nam vẫn chưa thoát khỏi xu hướng bị rút ròng. Một trong những tác nhân chính đến từ dòng tiền ETF, đơn cử như quỹ Fubon FTSE Vietnam.

Theo dõi hoạt động cho thấy ETF ngoại này đang bị rút ròng mạnh nhất với tổng giá trị hàng tỷ tân Đài tệ mỗi tháng. Trong tháng 8, tổng quy mô rút quỹ là 1,25 tỷ tân Đài tệ, tương ứng với số tiền quy đổi là hơn 39 triệu USD. Quy mô rút quỹ tương đương hai tháng trước đó, lần lượt là 44,7 triệu USD (tháng 6) và 35,3 triệu USD (tháng 7).

Thống kê nửa đầu tháng 9, dòng tiền tiếp tục bị rút khỏi quỹ 558 triệu tân Đài tệ, tương ứng 17,5 triệu USD.

Hoạt động rút quỹ từ Fubon FTSE Vietnam ETF bắt đầu từ tháng 3 năm nay, sau đó tổ chức này huy động được một lượng vốn nhỏ tháng 4, rồi quay trở lại xu hướng, kéo dài cho tới hiện tại.

Tổng cộng, tổ chức đến từ Đài Loan đã trải qua 18 tuần bị rút quỹ, dài nhất kể từ khi hoạt động tại Việt Nam. Tổng số tiền nhà đầu tư rút ra tính đầu tháng 5 gần 5,4 tỷ tân Đài tệ, tương ứng 167 triệu USD (gần 4.200 tỷ đồng).

Lũy kế kể từ đầu năm nay, tổng lượng tiền rời khỏi tổ chức này là 6,3 tỷ tân Đài tệ, quy đổi là gần 195 triệu USD, chiếm khoảng 8% tổng giá trị rút ròng từ khối ngoại khỏi thị trường chứng khoán Việt Nam.

 Dòng tiền từ quỹ Fubon FTSE Vietnam ETF. Nguồn: HL tổng hợp.

Mặc dù suy giảm đáng kể quy mô so với đầu năm và lúc đỉnh điểm, Fubon FTSE Vietnam vẫn đang giữ vị thể là ETF có mức tài sản ròng lớn nhất thị trường thời điểm hiện tại. Quy mô ghi nhận tại ngày 16/9 là hơn 1,71 tỷ chứng chỉ quỹ, tương ứng tổng tài sản 20,22 tỷ tân Đài tệ (gần 15.600 tỷ đồng), bỏ xa ETF nội lớn nhất thị trường là DCVFM VN Diamond ETF (12.046 tỷ đồng).

Việc quỹ Fubon bị rút ròng mạnh là một tín hiệu kém tích cực và gây bất ngờ với không ít nhà đầu tư bởi thời điểm đầu tháng 6 thị trường quan tâm đến thông tin Ủy ban Quản lý và Giám sát Tài chính của Đài Loan (Trung Quốc) đã phê duyệt số tiền huy động vốn bổ sung với quỹ là 5 tỷ tân Đài tệ. Động thái này khiến thị trường kỳ vọng rằng quỹ huy động được thêm được lượng vốn lớn để giải ngân vào Việt Nam như giai đoạn trước đó.

Trong những lần thông báo trước đó, thông tin về việc quỹ Fubon được phê duyệt tăng quy mô đồng nghĩa rằng sắp có dòng tiền mới được giải ngân vào chứng khoán Việt Nam, tạo tâm lý tích cực cho thị trường. Song, điều này không còn đúng trong hai thông báo gần đây.

 Số lượng chứng chỉ quỹ của Fubon FTSE Vietnam ETF. Nguồn: HL tổng hợp.

Về nguyên nhân quỹ Fubon không huy động được vốn và đang ở giai đoạn bị rút quỹ mạnh, xu hướng này có thể liên quan đến việc dòng tiền đang dịch chuyển từ thị trường phát triển, tăng mạnh trước đó sang các thị trường có định giá tốt hơn và có nhiều dư địa tăng như Ấn Độ, Indonesia, Malaysia, Thái Lan... Do đó, Đài Loan (Trung Quốc) nằm trong nhóm thị trường bị rút ròng mạnh.

Thống kê trong hai tuần đầu tháng 9, khối ngoại bán ròng gần 5 tỷ USD tại trên thị trường chứng khoán Đài Loan (Trung Quốc), nâng tổng giá trị rút ròng kể từ đầu quý III lên hơn 19 tỷ USD. Trạng thái đối lập, chứng khoán Ấn Độ và Indonesia hút số tiền 6,9 tỷ USD và 3,8 tỷ USD kể từ đầu tháng 7.

Việc ròng vốn ngoại nghịch chuyển cộng với biến động mạnh của thị trường chứng khoán trong nước có kể kích hoạt nhà đầu tư Đài Loan (Trung Quốc) bán ra ở các thị trường nước ngoài để cân đối danh mục đầu tư. Hệ quả là, quỹ đầu tư vào chứng khoán Việt Nam bị rút ròng giai đoạn qua. Điều này từng xảy ra khi chứng khoán Thái Lan bị nhà đầu tư ngoại rút vốn mạnh.

Lập luận trên là có cơ sở khi số lượng nhà đầu tư mua chứng chỉ quỹ của Fubon FTSE Vietnam ETF đã giảm hơn 9.100 người giai đoạn từ tháng 5 cho tới tháng 8 năm nay.

Ở một khía cạnh khác, động thái trên có thể xuất phát từ quyết định bán cơ cấu danh mục, đưa dòng tiền trở lại trong nước, khi hiệu suất của Fubon FTSE Vietnam ETF không mấy khả quan kể từ đầu năm, kém hấp dẫn hơn đáng kể thị trường trong nước.

Tính tới ngày 16/9, hiệu suất của quỹ đạt 1,5%, kém xa chứng khoán Đài Loan (Trung Quốc). Chỉ số chứng khoán thị trường này đã tăng khoảng 22,4% kể từ đầu năm. Thời điểm giữa tháng 7 khi chứng khoán Đài Loan (Trung Quốc) giao dịch trên vùng đỉnh lịch sử, hiệu suất của thị trường chung từng vươn lên hơn 36,6%.

Trước khi chứng khoán Đài Loan (Trung Quốc) thăng hoa, nhà đầu tư rót tiền vào Fubon FTSE Vietnam ETF từng hưởng thành quả hai con số khi quỹ thường xuyên “mua đáy, bán đỉnh”. Họ mua vào trong những giai đoạn rung lắc của thị trường và bán ra sau những nhịp tăng mạnh và dài.

Tuy nhiên, như vừa phân tích ở trên, mức hiệu suất không mấy tích cực, kém xa mức tăng của VN-Index đã loại trừ khả năng chốt lời của nhà đầu tư đang nắm giữ chứng chỉ quỹ Fubon FTSE Vietnam ETF.

Dù Fubon FTSE Vietnam ETF bị rút quỹ kỷ lục, không phải tất cả cổ phiếu trong danh mục quỹ đều chịu áp lực bán ra. Bên cạnh việc mua mới gần 14 triệu cổ phiếu EIB và 1,8 triệu cổ phiếu FRT khi loại khỏi rổ hai mã HCM và SBT, quỹ còn mua ròng gần 3 triệu cổ phiếu PDR và 1,2 triệu cổ phiếu STB.

Chiều ngược lại, SBT bị xả toàn bộ 19,4 triệu cp. Ba mã khác bị bán hơn 10 triệu đơn vị là HPG, SSI và SHB. Nhóm chịu áp lực bán 5 - 10 triệu đơn vị có VIC, VCB, MSN, VHM, VNM và VRE. Nguyên nhân các mã này bị bán khối lượng lớn do đây đều là những cổ phiếu chiếm tỷ trọng cao trong rổ FTSE Vietnam 30 Index.

Nguồn: HL tổng hợp.

Hoàng Linh

TS Cấn Văn Lực: Fed hạ lãi suất không chỉ giúp ổn định tỷ giá, lãi suất mà còn kích thích nhu cầu với hàng xuất khẩu Việt Nam
Khi lãi suất đồng USD giảm sẽ không chỉ giúp Việt Nam ổn định tỷ giá, lãi suất mà còn kích thích kinh tế Mỹ phục hồi tích cực hơn, ít nhất là trong cuối năm nay và đầu năm sau, qua đó kích cầu nhu cầu đối với việc nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ từ Việt Nam.