Viện trưởng CIEM: Đã đến lúc cân nhắc điều chỉnh room ngoại tại các ngân hàng thương mại
Báo cáo "Nghiên cứu tính cần thiết của việc điều chỉnh tăng giới hạn tỷ lệ sở hữu cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài tại các ngân hàng thương mại Việt Nam" của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho thấy một số ngân hàng đã có tỷ lệ sở hữu cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài chạm trần 30% hoặc gần chạm trần 30% (tháng 4/2021).
Cụ thể, tính đến 30/6/2021 có 19 tổ chức tín dụng (TCTD) có cổ đông là tổ chức nước ngoài sở hữu trên 1% vốn điều lệ.
Trong đó, ngân hàng thương mại nhà nước có 3/4 ngân hàng và ngân hàng thương mại cổ phần là 16/28 ngân hàng; 11 TCTD có tỷ lệ sở hữu nước ngoài trên 15% trong đó có 5 TCTD có tỷ lệ sở hữu cổ phần của tổ chức nước ngoài trên 25%.
Tại sự kiện công bố báo cáo, bà Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng CIEM, cho rằng đã đến lúc cần đặt vấn đề phải nghiên cứu xem xét điều chỉnh tăng giới hạn tỷ lệ sở hữu cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài tại các ngân hàng thương mại Việt Nam, theo Tạp chí Kinh tế và Dự Báo.
Thông tin từ CIEM cho biết hiện nay, nhiều ngân hàng cổ phần đã và đang tìm kiếm tốt cơ hội tăng vốn chủ sở hữu từ các cổ đông nước ngoài như: Ngân hàng Bản Việt, Nam A Bank, OCB, VIB, ACB, Techcombank, VPBank,...
Một số ngân hàng khác cũng đang tìm kiếm, lựa chọn, đàm phán tìm cổ đông chiến lược. Ước tính hơn một nửa số NHTM đang hoạt động có cổ đông chiến lược. Tuy vậy, việc tìm kiếm, lựa chọn các đối tác chiến lược là không dễ, khi đã tìm rồi lại vướng quy định về giới hạn tỷ lệ sở hữu cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài.
"Nội dung mở nhất trong EVFTA cũng chỉ là Việt Nam sẽ cân nhắc tích cực đề xuất của các định chế tài chính EU về việc cho phép nắm giữ tối đa 49% vốn điều lệ của hai NHTM của Việt Nam (trừ BIDV, Vietinbank, Vietcombank và Agribank) trong vòng 5 năm kể từ khi EVFTA có hiệu lực.
Đến nay vẫn chưa có bất kỳ thông tin nào về đề xuất như vậy từ phía các định chế tài chính của EU", ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp của CIEM cho biết.
Theo ông Nguyễn Anh Dương, việc điều chỉnh tăng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại các ngân hàng thương mại có thể mang lại một số lợi ích như tăng khả năng đáp ứng tiêu chuẩn Basel II; hỗ trợ thực hiện hiệu quả các cam kết về giới hạn tỷ lệ sở hữu nước ngoài trong các FTA, đặc biệt là EVFTA,...
Bên cạnh đó, việc nâng room sẽ tăng khả năng thu hút đầu tư và tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược cho các ngân hàng, đồng thời, tỷ lệ room khi được nâng lên một cách hợp lý cũng góp phần tránh được rủi ro nhà đầu tư nước ngoài chi phối hoạt động của ngân hàng thương mại.
"Thực tế hiện nay cho thấy tỷ lệ sở hữu cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài thấp có thể là do các ngân hàng đang chờ các cổ đông chiến lược phù hợp, nhưng các đối tác tiềm năng nhận thức được giới hạn đối với tỷ lệ sở hữu cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, do đó lo ngại họ có thể không phát huy hết vai trò chiến lược", ông Dương nhận định.
Mặt khác, theo ông Dương, việc nâng giới hạn tỷ lệ sở hữu cổ phần của đầu tư nước ngoài ở mức hợp lý khó có thể dẫn đến mất kiểm soát và/hoặc mất ổn định hệ thống ngân hàng trong nước. Mấu chốt ở chỗ phân biệt room cho nhà đầu tư nước ngoài nói chung và room cụ thể cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài sẽ giúp tránh được nguy cơ này.
Song, bên cạnh các lợi ích mang lại, ông Dương cũng chỉ ra các thách thức và vấn đề phát sinh từ việc nâng giới hạn tỷ lệ sở hữu cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài cần cân nhắc như có thể ảnh hưởng đến mức độ tuân thủ của các ngân hàng đối với các chính sách và chủ trương của NHNN.
Ngoài ra, việc nâng giới hạn tỷ lệ sở hữu cổ phần của nhà đầu tư ở mức độ nào cũng đang là vấn đề còn nhiều tranh luận lâu nay. Mặt khác, nếu thay đổi quá nhỏ về giới hạn tỷ lệ sở hữu cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài có thể sẽ không giúp xây dựng niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài.
Trong buổi làm việc vào tháng 11/2021 với CIEM, TS. Nguyễn Quốc Hùng - Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng cho rằng để tạo điều kiện cho các ngân hàng tiếp cận các nhà đầu tư chiến lược tiềm năng, thì cần hoàn thiện khung pháp lý theo hướng phù hợp hơn với thông lệ quốc tế, ổn định lâu dài, nhất quán.
Quan điểm của ông Hùng là việc xem xét tăng tỷ lệ sở hữu vốn cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài là cần thiết, song phải đảm bảo hài hòa lợi ích, nhu cầu của các nhà đầu tư với yêu cầu quản lý nhà nước. Chính sách rõ ràng, nhất quán ngay từ đầu sẽ hỗ trợ rất nhiều cho các ngân hàng đẩy nhanh tiến trình tái cơ cấu, hội nhập.