|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Nỗi lo của Alibaba khi kinh tế Trung Quốc chững lại

07:20 | 06/11/2018
Chia sẻ
Công ty thương mại điện tử lớn nhất Trung Quốc Alibaba đang đối mặt với triển vọng kinh doanh khó khăn khi nền kinh tế Trung Quốc, một trong những cỗ máy tăng trưởng quan trọng nhất thế giới, chững lại.
noi lo cua alibaba khi kinh te trung quoc chung lai Alibaba là nạn nhân mới của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung
noi lo cua alibaba khi kinh te trung quoc chung lai Quay lưng với Mỹ, Alibaba và Tencent tìm đến Đông Nam Á
noi lo cua alibaba khi kinh te trung quoc chung lai
Alibaba hạ dự báo tăng trưởng doanh thu của năm tài chính 2018 vì kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại. Ảnh: EPA

Alibaba hạ dự báo tăng trưởng doanh thu

Theo tờ The New York Times, tốc độ tăng trưởng kinh tế đang chậm lại của Trung Quốc và cuộc chiến thương mại giữa nước này với Mỹ là lý do khiến Alibaba hôm 2-11 thông báo hạ mức dự báo tăng trưởng doanh thu cho năm tài chính hiện nay xuống 5%.

Trong quí vừa qua, kết thúc vào tháng 9, doanh thu của Alibaba đạt 12,4 tỉ đô la, tăng hơn 54% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng thấp hơn dự báo của các nhà phân tích. Daniel Zhang, Giám đốc điều hành Alibaba, nói trong cuộc họp báo từ xa với các nhà phân tích: “Nền kinh tế toàn cầu đang trong tình trạng bất ổn. Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung càng làm gia tăng thêm rủi ro bất ổn”.

Maggie Wu, Giám đốc tài chính Alibaba, tiết lộ quyết định giảm dự báo tăng trưởng doanh thu chỉ mới đưa ra trong thời gian gần đây. Bà cho biết các điều kiện kinh tế của Trung Quốc xấu đi thấy rõ trong tháng 10 vừa qua. Theo bà, các thương nhân trên các nền tảng của Alibaba đang đối mặt với thời kỳ kinh doanh khó khăn nên sẽ không hợp lý nếu để Alibaba duy trì mức tăng trưởng doanh thu cao.

Kinh doanh khó khăn khiến nhiều người bán hàng trên các nền tảng của Alibaba chạy sang các nền tảng khác như JD.com hay Pinduoduo, những nơi thu phí rẻ hơn. Ngày càng có bằng chứng rõ ràng cho thấy tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới Trung Quốc đang hụt hơi. Song quyết định cắt giảm triển vọng doanh thu của Alibaba đã thể hiện rằng đà suy giảm tăng trưởng đang bắt đầu tác động đến nhiều khu vực hơn của nền kinh tế, bao gồm tầng lớp trung lưu của Trung Quốc.

Tháng trước, chính phủ Trung Quốc thông báo tăng trưởng GDP của nước này trong quí 3-2018 chỉ tăng trưởng 6,5% so với cùng kỳ năm ngoái và đây cũng là mức tăng trưởng quí thấp nhất trong gần một thập kỷ qua của Trung Quốc. Thị trường chứng khoán Trung Quốc vẫn đang trong vòng xoáy giảm điểm, trong khi đó, đồng nhân dân tệ giảm giá xuống mức thấp nhất trong 10 năm qua so với đồng đô la Mỹ. Bắc Kinh đã nỗ lực bơm thêm tiền vào nền kinh tế và thúc giục các chính quyền địa phương tăng cường chi tiêu nhưng núi nợ ngày càng chất cao của Trung Quốc đang “trói tay” các nhà hoạch định kinh tế.

Người tiêu dùng Trung Quốc có thể nâng đỡ nền kinh tế Trung Quốc khi hàng trăm triệu người Trung Quốc gia nhập tầng lớp trung lưu và mạnh tay mua sắm xe cộ, đồ gia dụng và thực phẩm cao cấp. Tuy nhiên, gần đây, người tiêu dùng Trung Quốc bắt đầu thắt chặt ví tiền vì lo ngại các bất ổn kinh tế sẽ làm giảm thu nhập của họ. Các lãnh đạo của Alibaba ghi nhận doanh thu bán hàng điện tử và các mặt hàng có giá trị cao khác đang bị ảnh hưởng.

Shawn Yang, 27 tuổi ở Thượng Hải, làm việc trong ngành tài chính, cho biết giờ đây anh cân nhắc rất kỹ về việc mua những thứ không cần thiết chẳng hạn như các thiết bị công nghệ và video game. Vào ngày hội mua sắm giảm giá lễ Độc thân (11-11) ở Trung Quốc do Alibaba tổ chức vào năm ngoái, Yang chi gần 600 đô la để mua áo quần, giày thể thao và một tấm thảm tập yoga cùng một máy pha cà phê. Tuy nhiên, vào lễ Độc thân sắp tới, anh dự định chỉ chi tiêu 300 đô la để mua vài quần jean, áo sơ mi và một chai xịt dưỡng ẩm.

Hàng Mỹ đắt hơn vì thuế trả đũa của Trung Quốc

Một bóng mây u ám khác đang bao phủ nền kinh tế Trung Quốc đến từ nước ngoài. Quí 3-2018 là quí đầu tiên kể từ khi chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump phát động cuộc chiến tranh thương mại chống Trung Quốc.

Trong cuộc họp báo hôm 2-11, các lãnh đạo Alibaba tìm cách trấn an giới đầu tư khi nói rằng dù cho các đòn thuế nhập khẩu trả đũa của Trung Quốc khiến hàng hóa Mỹ trở nên đắt đỏ hơn, người tiêu dùng Trung Quốc vẫn có thể sử dụng các nền tảng của Alibaba để mua sắm những sản phẩm được sản xuất trong nước hay từ các nước khác. Song tác động từ các đòn thuế của Mỹ bắt đầu ngấm vào nền kinh tế 12.000 tỉ đô la của Trung Quốc. Sản lượng nhà máy của Trung Quốc đang tăng chậm lại, có thể dẫn đến nhiều việc làm bị mất và sức mua sắm của người dân yếu đi.

Wendy Huang, nhà phân tích ở Công ty nghiên cứu thị trường Macquarie Research, viết trong một báo cáo mới đây: “Alibaba đối mặt với một quí kinh doanh yếu phía trước vì sức mua yếu và sự cạnh tranh khốc liệt”.

Washington và Bắc Kinh dường như đang chuẩn bị cho một cuộc xung đột kéo dài khi mà các bất đồng thương mại gắn chặt với các vấn đề rộng lớn hơn liên quan đến sự thống lĩnh công nghệ và địa chính trị. Đối với Alibaba, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung ập đến vào một thời điểm không thể xấu hơn. Các nhà đầu tư đang bán tháo cổ phiếu của các công ty công nghệ ở Mỹ và Trung Quốc. Cổ phiếu Alibaba đang giao dịch trên sàn chứng khoán New York đã giảm 30% giá trị kể từ tháng 6. Cổ phiếu của các công ty internet khác của Trung Quốc thậm chí còn giảm mạnh hơn do những lo ngại về các chính sách quản lý gắt gao hơn của Bắc Kinh.

Alibaba từ lâu thống lĩnh thị trường thương mại điện tử của Trung Quốc, nơi người tiêu dùng mua sắm trên smartphone và máy tính. Gần đây, Alibaba cho biết tương lai của công ty sẽ phụ thuộc vào việc mở rộng đế chế thương mại trực tuyến sang thế giới thương mại trực tiếp rộng lớn hơn. Alibaba đang quản lý gần 80 siêu thị thực phẩm hiện đại Hema, tăng từ con số 20 siêu thị vào một năm trước. Mở rộng các hoạt động thương mại trực tiếp như vậy giúp hỗ trợ tăng trưởng doanh thu của Alibaba. Doanh thu bán lẻ từ các mô hình bán lẻ đang thử nghiệm của Alibaba như chuỗi siêu thị Hema tăng 151% trong quí vừa qua. Doanh thu trong mảng điện toán đám mây của Alibaba cũng tăng trưởng 90% trong quí kết thúc vào tháng 9-2018.

Song chi tiêu phát triển các mảng kinh doanh mới chẳng hạn mảng giao đồ ăn đã ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của Alibaba. Khi được hỏi liệu triển vọng kinh doanh bi quan hơn có khiến Alibaba thu hẹp một số dự án kinh doanh mới hay không, Giám đốc tài chính Alibaba Maggie Wu nói rằng Alibaba đánh giá các dự án này dựa vào các thước đo khác chẳng hạn số lượng người dùng thu hút được, chứ không phải dựa vào lợi nhuận.

Xem thêm

Lê Linh