|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Nỗ lực kết thân của Bắc Kinh bất thành, châu Âu ngày càng xa cách Trung Quốc

15:51 | 07/09/2020
Chia sẻ
Các nhà ngoại giao Trung Quốc đã có một năm khó khăn tại châu Âu, nhưng tuần trước họ còn khiến cho mọi chuyện trở nên tệ hơn. Cứ đà này, Chủ tịch Tập Cận Bình có thể đạt được kì tích là đẩy châu Âu ra xa và nhanh hơn cả những gì Tổng thống Trump đang làm.
Bất chấp nỗ lực của Bắc Kinh, châu Âu ngày càng xa lánh Trung Quốc - Ảnh 1.

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (trái) và Ngoại trưởng Đức Heiko Maas (phải). (Ảnh: Getty Images)

Mục tiêu của ông Tập là ngăn Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ kết hợp chống lại Trung Quốc. Ông hi vọng tạo được bước đột phá trong hội nghị thượng đỉnh với các nhà lãnh đạo EU được lên lịch vào ngày 14/9.

Nhưng chỉ trông chờ vào cuộc họp này là điều rất mạo hiểm. Do vậy, ông Tập đã cử Ngoại trưởng Vương Nghị tới 5 quốc gia châu Âu để nói ngọt dọn đường. Ông Vương đã nói chuyện nhưng lại không mang về được trái ngọt như mong đợi.

Ông Vương đến châu Âu với hi vọng được tiếp đón bởi giọng điệu nhẹ nhàng mà ông đã quen nghe thấy từ các đối tác châu Âu. Suy cho cùng, châu Âu vẫn tha thiết hơn Mỹ trong  việc làm ăn với Trung Quốc. Trong thực tế, ông bị bất ngờ trước mức độ phản kháng ngầm được thể hiện dưới vẻ lịch thiệp bề ngoài.

Nhưng những bất đồng này không thấm vào đâu khi so với lúc ông dừng chân tại Berlin. Phát biểu trước truyền thông Đức, ông Vương kịch liệt đả kích Chủ tịch Thượng viện Czech Milos Vystrcil, người đã đưa phái đoàn đến thăm đảo Đài Loan.

Ngoại trưởng Trung Quốc đe dọa ông Vystrcil sẽ "phải trả giá đắt", tuyên bố sự "phản bội" của Czech biến ông Vystrcil trở thành "kẻ thù của 1,4 tỉ người dân Trung Quốc".

Phát biểu của ông Vương gặp phải lời hồi đáp nhanh chóng từ Ngoại trưởng Đức Heiko Maas. Đứng cạnh ông Vương tại cuộc họp báo chung, ông Maas nhắc nhở vị khách của mình rằng "các quốc gia châu Âu chúng tôi hành động dựa trên sự hợp tác chặt chẽ", "những lời đe dọa không được dung thứ ở đây" và yêu cầu ông Vương thể hiện sự tôn trọng.

EU sẽ không trở thành "đồ chơi" trong cuộc cạnh tranh Mỹ-Trung, ông Maas nói thêm. Các đồng nghiệp của ông Maas tại Pháp, Slovakia và các nước châu Âu khác nhanh chóng lên tiếng ủng hộ.

Già néo đứt dây

Trong thế giới tinh tế của ngôn ngữ ngoại giao, thời khắc này không chỉ đánh dấu sự thay đổi trong giọng điệu của châu Âu mà còn cả một hướng đi mới. Trong nhiều năm, để đạt được mục đích thương mại, nhiều nước châu Âu và đặc biệt là Đức đã làm ngơ trước các cáo buộc Trung Quốc vi phạm nhân quyền, bắt nạt một số nước láng giềng châu Á và lợi dụng thị trường mở của EU. Thời kì này có vẻ đã chấm dứt.

Danh sách các bất bình của châu Âu đối với Trung Quốc đã trở nên quá dài, bắt đầu từ luật an ninh quốc gia Hong Kong cho đến vấn đề người Duy Ngô Nhĩ tại Tân Cương. Trung Quốc khăng khăng rằng cả hai chủ đề trên và cả Đài Loan đều là vấn đề nội bộ, không liên quan đến thế giới. Ngoài ra còn phải kể đến yêu sách của Trung Quốc tại Biển Đông và cách làm ăn mạnh bạo của nước này.

Hội nghị thượng đỉnh ngày 14/9 ban đầu có mục đích là chính thức hóa mối quan hệ đầu tư song phương tốt đẹp hơn giữa EU và Trung Quốc. Nhưng sau các cuộc đàm phán kéo dài hàng năm trời, phía châu Âu đã phát chán với việc Bắc Kinh để mặc cho các công ty nhà nước tiến công vào thị trường đơn nhất của EU, bóp méo sự cạnh tranh hoặc chiếm đoạt công nghệ. Thay vì tạo điều kiện cho đầu tư Trung Quốc, EU đang bắt đầu hạn chế hoạt động này.

Tuy nhiên, châu Âu sẽ không tiến xa như Mỹ trong việc chống lại Trung Quốc. Ông Noah Barkin, học giả tại viện nghiên cứu German Marshall Fund nhận xét trong khi Mỹ muốn "chia tách" nền kinh tế với Trung Quốc, EU chỉ muốn "đa dạng hóa".

Việc không muốn cắt đứt hoàn toàn với Trung Quốc là lí do một số nước châu Âu, nổi bật là Đức, vẫn đang do dự về việc có nên cấm Huawei cung cấp thiết bị cho mạng lưới 5G hay không. Cũng vì lí do này mà Pháp, với sự hỗ trợ từ Đức và những nước khác, đang cố gắng giữ cho toàn bộ khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và thịnh vượng.

Hơn Mỹ, người châu Âu nhận ra rằng việc kìm hãm sức mạnh của Trung Quốc mọi lúc có thể là không đủ, vì họ cũng cần Trung Quốc hợp tác để giải quyết vấn đề toàn cầu, ví dụ như biến đổi khí hậu hoặc đại dịch tiếp theo.

Trên tất cả, người châu Âu hi vọng rằng xung đột giữa Mỹ và Trung Quốc không biến thành cuộc chiến tranh nóng mà châu Âu buộc phải chọn phe.

Mục đích của châu Âu là duy trì sự tự trị trong thế giới ngày càng bị thống trị bởi hai siêu cường không đáng tin cậy. Nếu ông Biden trở thành tổng thống Mỹ tiếp theo, EU sẽ cố hợp tác với đồng minh truyền thống này để biến mục tiêu thành hiện thực.

Nếu ông Trump giành được nhiệm kì thứ hai, châu Âu sẽ tăng cường nỗ lực để duy trì vị thế trung lập. Trong cả hai trường hợp, các nhà ngoại giao Trung Quốc tốt nhất là nên thay đổi cách họ cư xử trong các chuyến thăm châu Âu tương lai.

Giang