|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Trung Quốc tìm đường bắt kịp ảnh hưởng của Mỹ tại châu Âu

13:04 | 26/08/2020
Chia sẻ
Trong khi Mỹ lôi kéo đồng minh châu Âu xa lánh Bắc Kinh, Trung Quốc phản ứng bằng cách cố gắng gia tăng sức hấp dẫn của mình tại lục địa già.
Trung Quốc tìm đường bắt kịp ảnh hưởng của Mỹ tại châu Âu - Ảnh 1.

Ngoại trưởng Vương Nghị. (Ảnh: Getty Images)

Ngày 25/8, Ngoại trưởng Vương Nghị khởi động chuyến công du tới 5 nước châu Âu bao gồm Italy, Hà Lan, Na Uy, Pháp và Đức.

Chuyến đi của ông Vương diễn ra ngay sau hai chuyến thăm châu Âu của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo. Ông Pompeo đã cảnh báo các quan chức châu Âu rằng Trung Quốc là mối đe dọa lớn hơn cả Nga.

Trong cuộc gặp mặt với người đồng cấp Luigi Di Maio tại Rome (Italy), ông Vương nói với các phóng viên rằng mối quan hệ của Trung Quốc với Liên minh châu Âu (EU) đang diễn ra theo xu hướng tích cực. "Nhưng mối quan hệ của chúng ta đang hứng chịu những khiêu khích và cả sự phá hoại từ các thế lực bên ngoài, vì vậy chúng ta phải tập trung vào lợi ích chung", ông Vương nói thêm, nhưng không chỉ đích danh Mỹ.

"Tôi muốn nhấn mạnh rằng Trung Quốc không bao giờ muốn khơi mào chiến tranh lạnh. Trung Quốc sẽ không để các quốc gia khác tiến hành chiến tranh lạnh để thúc đẩy lợi ích riêng của mình, làm tổn hại lợi ích của những nước khác".

Đối với Trung Quốc, chuyến đi tới châu Âu là một phần trong nỗ lực ổn định các mối quan hệ quốc tế, đặc biệt là trong bối cảnh Washington tìm cách ngăn Huawei tham gia mạng 5G, định hình lại chuỗi cung ứng toàn cầu và ngăn các ứng dụng Trung Quốc như TikTok và WeChat truy cập dữ liệu Mỹ.

Gần đây Trung Quốc đã hạ giọng và giảm bớt các luận điệu chống lại Mỹ. Cả hai siêu cường đều đã tái khẳng định cam kết với thỏa thuận thương mại giai đoạn một.

Ông Dương Khiết Trì, Ủy viên Bộ Chính trị và là người giám sát các vấn đề đối ngoại của Trung Quốc gần đây cũng đã tới thăm Singapore và Hàn Quốc. Ông Dương cũng thúc đẩy việc tổ chức hội nghị thượng đỉnh ba bên giữa Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản trong năm nay.

Ông Gao Zhikai, một nhà cựu ngoại giao Trung Quốc cho biết: "Những gì Trung Quốc đang làm là giữ cho quan hệ với các nước khác không xấu đi và thể hiện bản thân theo cách khách quan hơn".

Tại Rome, ông Vương bày tỏ mong muốn củng cố hợp tác với các nước trong việc chiến đấu chống đại dịch và "bảo vệ chủ nghĩa đa phương". Ông cũng nói rằng các dự án Vành đai và Con đường của Trung Quốc là động lực để tăng cường mối quan hệ kinh tế với Italy.

Các mối quan hệ chiến lược

Châu Âu ngày càng có vai trò chiến lược quan trọng với Bắc Kinh trong bối cảnh quan hệ Mỹ-Trung xuống dốc và Ngoại trưởng Pompeo cố gắng xây dựng liên minh chống Trung Quốc, một nhà nghiên cứu tại Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc nói với Bloomberg.

Dù cuộc hội nghị trực tuyến Trung Quốc-EU hồi tháng 6 không diễn ra suôn sẻ, Bắc Kinh nhận thấy mối quan hệ giữa hai bên đang ấm lên trong lúc châu Âu tìm cách vực dậy nền kinh tế từ khủng hoảng COVID-19.

Phát biểu trước Thượng viện Czech hồi đầu tháng, ông Pompeo tuyên bố quan điểm của Mỹ về Trung Quốc đã đảo ngược hoàn toàn và xu hướng này cũng bắt đầu diễn ra ở châu Âu.

Bắc Kinh cố đổ lỗi cho ông Pompeo về mối quan hệ xấu đi giữa Mỹ và Trung Quốc trong lúc lấy lòng các nhà hoạch định chính sách khác. Ông Gao, cựu nhà ngoại giao Trung Quốc ví ông Pompeo như "lính đánh thuê".

Hôm 25/8, ông Triệu Lập Kiên, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã ca ngợi mối quan hệ giữa Trung Quốc với Pháp, điểm đến tiếp theo của ông Vương trong chuyến công du châu Âu. Ông Triệu nhắc rằng Chủ tịch Tập Cận Bình đã tổ chức 4 cuộc điện đàm trong năm nay với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron.

"Trung Quốc và Pháp đều là những quốc gia lớn trong Hội đồng Bảo an và cũng có truyền thống độc lập. Chúng ta phải tiếp tục tuân theo sự nhất trí của hai nguyên thủ quốc gia", ông Triệu kêu gọi.

Giang