|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Trung Quốc không dễ củng cố quan hệ với châu Á và châu Âu

13:27 | 31/08/2020
Chia sẻ
Bắc Kinh rõ ràng đang cảm nhận được sức nóng từ Washington. Lo ngại rằng xung đột với Mỹ có thể biến thành một cuộc Chiến tranh Lạnh mới, Trung Quốc đã cử các quan chức ngoại giao hàng đầu đến châu Âu và châu Á để củng cố quan hệ và sửa chữa hình tượng bị ảnh hưởng bởi COVID-19.
Trung Quốc không dễ củng cố quan hệ với châu Á và châu Âu  - Ảnh 1.

Ngoại trưởng Vương Nghị chào người đồng cấp Ine Eriksen Soreide tại Na Uy. Ảnh: Tân Hoa Xã

Chỉ vài ngày sau khi Ủy viên Bộ Chính trị kiêm nhà ngoại giao hàng đầu Dương Khiết Trì kết thúc chuyến thăm Singapore và Hàn Quốc, Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị khởi hành chuyến công du tới Italy, Hà Lan, Na Uy, Pháp và Đức.

Theo South China Morning Post (SCMP), các nhà quan sát nói rằng nỗ lực giành thiện cảm mới nhất của Bắc Kinh nhấn mạnh các ưu tiên ngoại giao đối với Trung Quốc. Bắc Kinh đang phải cố gắng xử lí cuộc khủng hoảng gây ra bởi đường lối ngoại giao COVID-19 mạnh bạo và cuộc xung đột với Washington.

Ông Collin Koh, nhà nghiên cứu tại Đại học Công nghệ Nanyang cho biết: "Bắc Kinh coi các chuyến công du là nước đi bắt buộc phải thực hiện nhằm tranh giành ảnh hưởng và đối phó với các phát biểu chống Trung Quốc do Mỹ dẫn đầu".

Dù Bắc Kinh dường như đã kiềm chế ngoại giao chiến lang, vẫn còn quá sớm để biết được liệu định hướng chính sách đối ngoại của Trung Quốc có thực sự thay đổi hay không.

Ông Benoit Hardy-Chartrand, chuyên gia về các vấn đề quốc tế tại Đại học Temple ở Tokyo nhận xét: "Rõ ràng lời lẽ của Trung Quốc đã dễ chịu hơn. Tuy nhiên, căng thẳng tại Biển Đông, Biển Hoa Đông và Ấn Độ vẫn còn cao, phần lớn do Bắc Kinh thi hành chính sách quốc phòng xô xát hơn trong vài tháng qua".

Ngoài ra, các cuộc khảo sát công chúng cho thấy thiện cảm của dân Mỹ, Anh, Pháp, Italy, Canada, Hàn Quốc và Ấn Độ dành cho Trung Quốc đã giảm mạnh.

Ông Hardy-Chartrand cho biết các mục tiêu và ưu tiên của Trung Quốc hầu như không thay đổi: tìm cách giành vị trí hàng đầu ở châu Á đồng thời làm suy yếu các liên minh của Mỹ và giảm ảnh hưởng của Washington.

"Cố chiếm được cảm tình từ các quốc gia quan trọng là động thái hợp lí nhất trong bối cảnh này".

Ông Philippe Le Corre, thành viên cấp cao tại viện nghiên cứu Carnegie Endowment for International Peace cho biết việc ông Vương tập trung vào một số nước EU lớn nhất, có ảnh hưởng nhất cho thấy Bắc Kinh hiểu rõ vị thế quyền lực trong khối này.

Tuy nhiên, ông Le Corre lưu ý rằng các tổn hại đối với hình ảnh của Trung Quốc do COVID-19 và vấn đề nội bộ nước này gây ra sẽ không dễ được sửa chữa.

Ông Pang Zhongying, chuyên gia về vấn đề quốc tế tại Đại học Hải dương Trung Quốc đồng tình: "Bắc Kinh dường như gặp khó khăn khi đối mặt với thực tế rằng các nước EU không vừa ý với Trung Quốc về vấn đề nhân quyền ở Tân Cương và Hong Kong, cũng như Biển Đông và Huawei".

Trung Quốc không dễ củng cố quan hệ với châu Á và châu Âu  - Ảnh 2.

Ông Dương Khiết Trì (trái) gặp Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long vào ngày 20/8. Ảnh: Bộ Truyền thông và Thông tin Singapore

Chuyến đi của ông Dương Khiết Trì tới Singapore và Hàn Quốc diễn ra đúng lúc căng thẳng giữa Bắc Kinh và Washington đang sục sôi.

Cuộc cạnh tranh ngày càng gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc khiến Singapore và 10 nước thành viên khác trong ASEAN ngày càng quan trọng đối với Bắc Kinh.

"Trung Quốc không thể gây bất ổn trong mối quan hệ với ASEAN hoặc dọa dẫm các quốc gia nhỏ hơn giữa cuộc khủng hoảng Mỹ-Trung tồi tệ nhất kể từ thập niên 70. Điều này giúp cho các thành viên ASEAN có được lợi thế khi đối phó với Trung Quốc"

Washington cũng đang xích lại gần với ASEAN hơn, đặc biệt là sau khi Mỹ bác bỏ các yêu sách lãnh thổ của Bắc Kinh ở Biển Đông.

Ông Zhang nói: "Trung Quốc vẫn là đối thủ chính của ASEAN. Các nước Đông Nam Á đã đặt hi vọng vào việc Washington can thiệp để chống lại một Bắc Kinh ngày càng quyết đoán, và giờ điều đó đã xảy ra."

Chuyên gia về quốc tế Pang Zhongying tại Đại học Hải dương Trung Quốc nhận xét: "COVID-19 đã đẩy các nước láng giềng châu Á ra xa Trung Quốc hơn. Và quyền tự chủ chiến lược mà họ tuyên bố đồng nghĩa với việc họ muốn đề phòng Trung Quốc".

Giang

Chủ tịch Sacombank: Tôi không liên quan gì bà Trương Mỹ Lan, Vạn Thịnh Phát
Người đứng đầu ngân hàng nói rằng tất cả tin đồn ảnh hưởng đến ông sẽ ảnh hưởng đến Sacombank, từ đó chắc chắn ảnh hưởng đến quyền lợi của cổ đông.